Từ đầu năm đến nay 39 người tại tỉnh Giang Tô sốt nặng bởi Hội chứng giảm tiểu cầu (SFTS) do virus bunya, bệnh mới chưa có thuốc điều trị.
9 người dân tỉnh Chiết Giang và An Huy, đã chết do SFTS. Wang, ở Giang Tô, là một trong những người mắc SFTS, khởi phát bởi triệu chứng sốt, ho, sau đó suy giảm bạch cầu, tiểu cầu cơ thể.
Virus bunya truyền qua vật chủ trung gian là ve, gây bệnh SFTS. Virus bunya được phát hiện lần đầu vào năm 2009 tại các tỉnh Hà Nam và miền Đông Trung Quốc. Tỷ lệ tử vong là 1% đến 5%, ảnh hưởng nặng nề nhất ở người già. Hiện chưa có vaccine hoặc thuốc đặc hiệu cho bệnh này. Người bệnh cần được điều trị sớm bằng thuốc kháng virus.
Ngày 5/8, các chuyên gia cảnh báo virus có thể lây từ người sang người. Theo Sheng Jifang, chuyên gia virus, giám đốc khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Liên kết Số 1, Đại học Y Chiết Giang, mầm bệnh truyền qua đường máu, đường hô hấp và vết thương hở.
Bà Jifang lưu ý về một bệnh nhân ba năm trước tử vong do xuất huyết và nhiễm trùng nặng, đã lây lan virus cho 16 người tiếp xúc với thi thể người này. Một người trong số họ sau đó cũng qua đời.
Loại bọ chét có thể truyền virus bunya sang người. Ảnh: Shutterstock |
Tiến sĩ Sheng nhấn mạnh nhân viên y tế và gia đình bệnh nhân nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa và bảo an toàn. Bà cũng đề nghị người dân hạn chế đi vào rừng hoặc bụi rậm nếu không cần thiết: "Đáng mừng là bọ ve không thể bay. Sẽ an toàn hơn nếu tránh xa lãnh thổ của chúng".
Bọ ve, từ ấu trùng đến trưởng thành, thường ký sinh vào động vật máu nóng. Nhiễm trùng huyết do virus bunya tăng đáng kể vào mùa hè - thời gian sinh sản mạnh nhất của chúng. Do đó, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, dịch bệnh có thể trở thành cục bộ.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh chủ yếu bao gồm sốt, nồng độ tiểu cầu và bạch cầu thấp, rối loạn chức năng đa cơ quan. Bệnh nhân triệu chứng nhẹ hầu hết hồi phục, những người diễn tiến nặng thường bị suy đa tạng dẫn đến tử vong.
Leng Peien, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, cho biết: "Bọ ve chủ yếu được tìm thấy ở các vùng đồi núi, khu vực có động vật hoang dã. Một số vùng đầm lầy và công viên rừng trong thành phố cũng là nơi cư trú của chúng".
Thục Linh (Theo Global Times)
WHO công bố kết quả điều tra sơ bộ nguồn gốc COVID-19 ở Trung Quốc
WHO công bố kết quả điều tra sơ bộ nguồn gốc COVID-19 ở Trung Quốc , cho rằng Vũ Hán chưa hẳn đã là nơi ... |
Ngày đăng: 12:04 | 07/08/2020
/ vnexpress.net