Lần lượt trên bảng xếp hạng của WEF và WB, Việt Nam đều bị tụt hạng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh.
GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ với Đất Việt góc nhìn thẳng về điều trái ngược này.
PV: Trong hai bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Ngân hàng Thế giới (WB), năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của Việt Nam đều tụt hạng.
Cụ thể, theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) thường niên 2018 được WEF công bố, dù điểm số tăng nhẹ nhưng Việt Nam bị tụt 3 bậc so với năm 2017 (xếp thứ 77/140) nước.
Tương tự, báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2019 với chủ đề Đào tạo để cải cách của WB cho thấy, trong 190 quốc gia được đánh giá, dù điểm tổng của Việt Nam có tăng lên (đạt 68,36 điểm trên 100) nhưng chỉ xếp thứ 69 trong chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh, tụt một bậc so với năm ngoái.
Ông nghĩ sao về chuyện này?
GS.TS Đặng Đình Đào: Tôi không bất ngờ trước thông tin này. Nếu đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung thì kinh tế Việt Nam thời gian qua có nhiều khởi sắc và đạt được nhiều thành tựu như kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã đánh giá, ghi nhận. Nó cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm qua.
Tuy nhiên, thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 9 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới tăng thấp 2,8% (cùng kỳ năm ngoái tăng 15,4%), số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 48,1% (cùng kỳ tăng 9,4%), số doanh nghiệp giải thể tăng 32,1% (cùng kỳ tăng 4,4%). Như vậy, cứ 100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có tới 77 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể. Đây là vấn đề cần phải quan tâm.
GS.TS Đặng Đình Đào
Bên cạnh số lượng doanh nghiệp giải thể rất lớn, 97% doanh nghiệp Việt Nam là nhỏ và vừa, trong đó khoảng 70% là siêu nhỏ (nhỏ li ti). Do có quá nhiều doanh nghiệp nhỏ bé nên làm ăn không được bài bản, không theo quy tắc thị trường, nhiều doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chộp giật, mà sự ra đời của những công ty dịch vụ đòi nợ, cầm đồ là điển hình. Những hình thức doanh nghiệp đó không phục vụ cho sự phát triển kinh tế đất nước, trái lại nó còn tác động tiêu cực đến môi trường, đến sự phát triển chung.
Việt Nam đã có hơn 30 năm đổi mới nền kinh tế, nhiều hiệp định FTA Việt Nam tham gia ký kết đã triển khai, thế nhưng cung cách làm ăn của doanh nghiệp Việt đa phần vẫn chưa thay đổi. Chúng ta đã được tiếp cận luật chơi của thế giới, nhưng trên thực tế để doanh nghiệp bắt rễ được vào cuộc sống lại rất hạn chế. Đâu đó vẫn còn tư tưởng làm ăn không theo quy tắc thị trường, vẫn muốn chụp giật, lừa đảo.
Vừa qua, WB đã công bố Báo cáo điều tra về Chỉ số hoạt động logistics (LPI) năm 2018. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 39/160 nước, tăng 25 bậc so với năm 2016. Tất cả các chỉ số đánh giá LPI 2018 của Việt Nam đều tăng vượt bậc, trong đó có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc), và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hoá (xếp hạng 34, tăng 41 bậc).
Tôi cho rằng WB đã có phần hào phóng với Việt Nam khi xếp hạng như vậy. Thực ra, như việc theo dõi, truy xuất hàng hóa là chúng ta triển khai trong kế hoạch: đặt camera, giám sát hành trình hàng hóa... Trong khi đó, còn nhiều việc như triển khai thu phí không dừng cho đến nay chưa thực hiện được bao nhiêu, đa phần vẫn nằm trong kế hoạch, nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam chưa đi vào cuộc sống.
Vấn đề nổi cộm nhất, như nói ở trên, doanh nghiệp Việt đa phần nhỏ lẻ, thành lập mới 100 còn giải thể 77 nên nhiều khi tư tưởng làm ăn không có tầm nhìn xa, không theo chuẩn mực quốc tế, không theo quy tắc thị trường, cứ một mình một chợ, ăn đong, đánh quả là chính.
Về nguyên tắc, đã hội nhập vào sân chơi thế giới phải làm ăn đàng hoàng, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng. Lô hàng sau phải tốt hơn lô hàng trước, chứ không phải lô hàng đầu tiên rất tốt, lô hàng thứ hai bắt đầu có vấn đề. Đây chính là tính chuyên nghiệp mà doanh nghiệp Việt phải điều chỉnh kịp thời.
Vì sao hàng hóa Việt Nam phong phú nhưng sức cạnh tranh kém? Vì hàng ngoại có giá cả phải chăng hơn, chất lượng tốt hơn. Ngay trong khuyến mại, không ít doanh nghiệp vẫn có tư tưởng lừa dối khách hàng, nâng giá lên rồi ghi khuyến mại, trong khi thực tế giá vẫn vậy hoặc có chăng giảm rất ít.
Những thay đổi của doanh nghiệp Việt là quá chậm so với tình hình kinh tế hiện nay. Tất cả cái đó làm cho các nhà nghiên cứu, tổ chức xếp hạng quốc tế khi xem xét môi trường kinh doanh và hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đánh tụt hạng.
PV: Nhìn vào những chỉ số cụ thể, theo báo cáo của WB, chỉ số nộp thuế và BHXH của Việt Nam đứng thứ 131, tụt đến 45 bậc. Đáng chú ý là thời gian nộp thuế năm 2018 vẫn bị đánh giá như năm 2017 với thời gian tiêu tốn cho việc nộp thuế lên tới 498 giờ/năm (trong đó thuế 351 giờ, BHXH 147 giờ).
Tương tự, trong xếp hạng của WEF, trong số 12 trụ cột đánh giá, Việt Nam chỉ đạt 33 điểm ở trụ cột năng lực sáng tạo.
Ông đánh giá, phân tích về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
GS.TS Đặng Đình Đào: Tôi thấy Việt Nam bị đánh tụt trong chỉ số nộp thuế và BHXH là đúng.
Đánh giá về chỉ số nộp thuế, WB đã căn cứ vào các tiêu chí như: số giờ nộp thuế; số lần nộp thuế trong năm; tổng mức thuế suất trên lợi nhuận; chỉ số sau kê khai (hoàn thuế giá trị gia tăng, thanh/kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp).
Ngành thuế đã có nhiều nỗ lực cải cách hành chính, cả về thể chế và công tác quản lý thuế trong những năm qua để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng chừng ấy vẫn là chưa đủ. Khi cơ quan thuế còn nhiều nhiêu khê, ý thức của doanh nghiệp lại thấp, thì vấn đề càng thêm trầm trọng.
Sau tất cả, tôi vẫn muốn quay về vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vẫn kiểu tư duy làm ăn thiếu bài bản, thiếu chuẩn tắc; muốn đi tắt, đi ngang, nên không ít doanh nghiệp chây ì nợ thuế. Suốt thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về tình trạng doanh nghiệp nợ thuế, nợ BHXH kéo dài, bị bêu tên... những chuyện ấy đã không còn là chuyện hiếm.
Về nguyên tắc, doanh nghiệp đã hoạt động thì phải nộp thuế, đã sử dụng lao động thì phải đóng BHXH, nhưng đằng này doanh nghiệp lại cứ chây ì.
Điều đó phản ánh đúng thực trạng của một nền kinh tế mới chỉ có 32 năm đổi mới, trong khi kinh tế thị trường đã có lịch sử trên 200 năm.
Nói về chỉ số năng lực sáng tạo của Việt Nam bị WEF đánh giá thấp cũng là đúng. Doanh nghiệp Việt Nam siêu nhỏ nên hiện vẫn có tư tưởng sản xuất theo kiểu chiều rộng, việc quan tâm nghiên cứu ứng dụng KHCN còn hạn chế.
Có lần tôi đã làm đề tài cấp tỉnh, đi điều tra, khảo sát về khoa học công nghệ của doanh nghiệp (ở đây tôi không tiện nêu tên địa phương), có đến 70-80% doanh nghiệp cho biết không có nhu cầu về khoa học công nghệ, bởi họ vẫn sản xuất dựa vào tài nguyên, lao động giá rẻ là chính. Ngay cả vấn đề ứng dụng công nghệ phát triển logistics để tối ưu hóa, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả mà nhiều địa phương, doanh nghiệp vẫn còn bảo mới quá, trong khi thế giới đã đi trước từ lâu.
Từ góc độ này có thể thấy việc Việt Nam bị đánh tụt năng lực sáng tạo là đúng và với tư duy ấy, chúng ta có thể còn bị tụt hạng nữa.
Vấn đề này rất đáng quan tâm bởi trong thời đại 4.0, chúng ta sẽ không thể tồn tại nếu không đổi mới sáng tạo.
Cạnh tranh có 4 chức năng quan trọng. Thứ nhất, cạnh tranh làm cho giá thị trường giảm xuống. Thứ hai, chỉ có cạnh tranh mới buộc các doanh nghiệp tối ưu hóa đầu vào, ứng dụng KHCN. Thứ ba, nhờ cạnh tranh mà các doanh nghiệp buộc phải giữ chữ tín với khách hàng, ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng, hạ giá bán trên thị trường. Thứ tư, cạnh tranh sắp xếp lại trật tự trên thị trường.
Ai không ứng dụng, không phát triển KHCN thì tất yếu sẽ bị tụt hạng. Hôm nay doanh nghiệp có thể đứng đầu bảng nhưng ngày mai không ai dám chắc, cái đó do cạnh tranh quyết định. Bình chọn sản phẩm này, sản phẩm khác chỉ là giải pháp nhất thời, phải để cho kinh tế thị trường quyết định mới đúng.
Sự tụt hạng năng lực cạnh tranh là dấu hiệu đáng lo, nó thể hiện việc phát triển nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, từ kinh tế tài nguyên sang ứng dụng KHCN để nâng cao năng suất, hiệu quả chưa được bao nhiêu.
Rõ ràng cả phía Nhà nước và doanh nghiệp còn nhiều việc phải làm. Các nước đang cải cách mạnh mẽ và rất nhanh, trong khi Việt Nam cứ như vậy thì năng lực cạnh tranh sẽ giảm, tác động đến cả dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Người dân muốn bỏ vốn ra kinh doanh cũng phải cân nhắc.
PV: Điều đáng ngạc nhiên là Việt Nam tụt hạng năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh theo xếp hạng của WEF và WB, trong khi năm 2018 được đánh giá là năm Việt Nam cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mạnh mẽ nhất, phạm vi rộng nhất. Tại sao lại có sự trái ngược này, thưa ông? Do WEF thay đổi cách thức đánh giá, do các nước xung quanh cải cách nhanh hơn, mạnh hơn Việt Nam, còn việc cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo... của Việt Nam mới chỉ là hình thức hay còn vì nguyên nhân nào khác?
GS.TS Đặng Đình Đào: Việc Việt Nam tụt hạng năng lực cạnh tranh một phần do WEF thay đổi cách thức đánh giá so với năm 2017 trở về trước và không có trọng số, các yếu tố đều như nhau. Đặc biệt là họ nhấn mạnh đến yếu tố đổi mới sáng tạo. Việc yếu tố đổi mới sáng tạo được coi trọng hơn, tôi cho là đúng bởi không đổi mới sáng tạo thì không thể tồn tại.
Một nguyên nhân khác dẫn đến sự tụt hạng của Việt Nam đó là tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, “nóng ấm không đều”, dù cấp trên chỉ đạo mạnh mẽ nhưng lại thiếu sự kết nối, thiếu sự vận hành, thực thi đồng bộ của cả hệ thống.
Tôi lấy ví dụ như một số văn bản của cơ quan quản lý ký xong, đã triển khai thực hiện, lúc đầu ai cũng nghĩ tình hình sẽ tốt đẹp hơn, thuận lợi hơn, nhưng cuối cùng lại thất bại, như chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè hay xử phạt xả rác... Rõ ràng, dù có giải pháp gì nhưng ý thức cộng đồng và ý thức doanh nghiệp không nâng lên ngang tầm với hội nhập thì rất khó thành công.
Cũng phải thấy rằng Việt Nam cải cách, nhưng các nước xung quanh chúng ta cũng tiến hành cải cách và họ nhanh hơn, mạnh hơn.
Khi tôi sang Lào, nhìn xuống ngã tư thấy đèn đỏ, không có cảnh sát giao thông mà người dân vẫn dừng lại. Tương tự, thành phố đêm khuya vắng, gặp đèn đỏ, người đi đường vẫn tuân thủ nghiêm túc, còn ở Việt Nam thì khác, có hay không có cảnh sát giao thông thì người ta vẫn cứ vượt.
Nói vậy cũng để thấy rằng việc đổi mới, cải cách ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, nếu không muốn nói là vẫn mang tính hình thức. Điều quan trọng nhất là tự thân các doanh nghiệp phải vươn lên, nhà nước chỉ tạo môi trường, cơ chế. Chừng nào vẫn còn tư duy làm ăn theo kiểu tranh thủ tài nguyên đang còn, lao động đang rẻ, thì chúng ta chưa thể nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình.
PV: Sự tụt hạng trên đòi hỏi cải cách trong nước phải mạnh mẽ hơn, thực chất hơn. Nhưng theo ông, Việt Nam có nên tập trung vào những chỉ số có tác động mạnh đến năng lực cạnh tranh? Làm sao để cải thiện những chỉ số đó?
GS.TS Đặng Đình Đào: Đúng là Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ hơn, thực chất hơn và cải cách phải thực sự đi vào cuộc sống.
Tôi rất buồn khi đến bây giờ trên tuyến hành lang kinh tế đường 1, đường Hồ Chí Minh vẫn để tự do tự phát hình thành các điểm dừng nghỉ mà không có kế hoạch phát triển trung tâm hậu cần logistics, trong khi ở các nước khác, cứ 50km họ lại xây dựng một trung tâm logistics để kết nối phương tiện.
Việt Nam cần sáng tạo và cải cách mạnh mẽ hơn. |
Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã manh nha có khái niệm “điểm dừng nghỉ” nhưng cuối cùng vẫn giậm chân tại chỗ, một phần do Bộ GTVT chuyển động chậm.
Chúng tôi đã tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, thấy rằng việc phát triển logistics là văn minh giao thông, an toàn giao thông để thúc đẩy kinh tế, lưu thông hàng hóa, kết nối, sử dụng các cơ sở hạ tầng đầu tư. Nếu chúng ta chỉ làm đường mà không biết kết nối thì không thể phát triển được.
Tính đến tháng 10/2017, cả nước có 325 khu công nghiệp, diện tích lên tới 94 ngàn ha, trong khi đó không có một trung tâm logistics nào. Còn các trung tâm công nghệ hiện nay nằm ở các khu công nghiệp là để chạy theo các nhà đầu tư nước ngoài, phục vụ cho họ mà thôi.
Trở lại với vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, tôi nghĩ bên cạnh môi trường tổng thể, việc tập trung vào một số chỉ số thành phần có tác động mạnh đến năng lực cạnh tranh, từ đó cải thiện chúng để nâng cao điểm tổng cũng là điều cần thiết. Chẳng hạn, trong 12 trụ cột là chỗ dựa để đánh giá năng lực cạnh tranh của từng nền kinh tế theo bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu của WEF thì có thể tập trung cải thiện các trụ cột về thể chế, hạ tầng, năng lực đổi mới, năng động kinh doanh...
Ví dụ, để cải thiện trụ cột thể chế, hiện Chính phủ và các ngành đang tiếp tục triển khai cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, làm cho môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Bộ Công thương cắt giảm gần 700 điều kiện kinh doanh, nhưng như thế là chưa đủ. Việc cắt bỏ các thủ tục, điều kiện kinh doanh như thế nào cũng là điều cần phải tính toán, đặt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam, với cung cách làm ăn của các doanh nghiệp Việt Nam.
Phải lưu ý rằng đặc điểm kinh tế Việt Nam khác với các nước. Kinh tế các nước đã đi vào bài bản, có quy tắc. Họ quản lý doanh nghiệp chủ yếu là xem doanh nghiệp có tuân thủ luật pháp hay không, có thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước đầy đủ hay không. Ở Việt Nam thì khác, ngay cả việc thực hiện nghĩa vụ thuế doanh nghiệp cũng vi phạm, các quy định của nhà nước cũng bị vi phạm... Vì lẽ đó, bài toán này, về phía doanh nghiệp Việt Nam, còn nhiều việc phải làm.
Tụt hạng phục vụ dân
Sự tụt hạng về chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế khiến người dân cảm thấy rầu lòng khi ngành liên quan ... |
Bộ Y tế tụt hạng, đứng áp chót về chỉ số cải cách hành chính năm 2017
Bộ Y tế đứng ở vị trí 18 trong số 19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính năm 2017 ... |
Ngày đăng: 08:57 | 15/11/2018
/ Đất Việt