Khi tham gia FTA thế hệ mới, Việt Nam phải đối mặt với cạnh tranh quyết liệt của mọi quốc gia, với nguy cơ tụt hậu do trình độ thấp hơn.
FTA mới giải quyết vấn đề gì?
Hội thảo “Cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam khi tham gia hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức đã thu hút được đông đảo các chuyên gia cũng như nhà khoa học tham gia.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TSKH Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân cho rằng trong hơn 30 năm xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam luôn coi trọng việc hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới.
Lúc đầu chủ yếu chúng ta hợp tác về kinh tế, sau đó là hợp tác toàn diện, nhằm tranh thủ các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực tài chính và khoa học-công nghệ nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
GS.TSKH Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân |
Tính từ năm 2001 đến nay, Việt Nam đã có sự hội nhập khá tốt với khu vực và thế giới. Bằng chứng là chúng ta đã có quan hệ kinh tế với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ ở mọi châu lục của thế giới.
Từ năm 1988 đến năm 2016, Việt Nam đã thu hút được 24.005 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với số vốn đăng ký là 341.598,2 triệu USD và vốn thực hiện là 154.492,9 triệu USD.
Tuy nhiên theo GS Phong, khi tham gia hiệp định thương mại thế hệ mới, Việt Nam cần hết sức lưu ý để khắc phục những khó khăn và phát huy thế mạnh, tiềm lực của bản thân.
“Khái niệm Hiệp định thương mại thế hệ mới được các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý hay nhắc đến trong thời gian gần đây. Sự khác biệt quan trọng nhất giữa Hiệp định thương mại thế hệ cũ và Hiệp định thương mại thế hệ mới là mức độ cao- thấp, sâu-nông của hội nhập quốc tế”, GS Phong lưu ý.
Quang cảnh buổi hội thảo khoa học được tổ chức tại Liên hiệp hội Việt Nam |
Theo GS Nguyễn Du Phong, hiệp định thương mại thế hệ cũ chủ yếu tập trung giải quyết vấn đề thuế quan đối với các loại hàng hóa xuất-nhập khẩu, chẳng hạn như: cắt giảm các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, danh mục các mặt hàng đưa vào cắt giảm thuế quan, lộ trình cắt giảm thuế quan và quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Trong khi đó, hiệp định thương mại thế hệ mới ngoài các nội dung trên còn có các vấn đề: Dịch vụ đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, mua sắm Chính phủ, dịch chuyển lao động, bảo hiểm, môi trường...
“Tức là, các hiệp định thương mại thế hệ mới không chỉ tác động đến chính sách kinh tế, mà còn đến cả thể chế kinh tế của các quốc gia tham gia ký kết hiệp định, đặc biệt là sự phù hợp với thông lệ quốc tế của hệ thống luật pháp, tính rõ ràng, minh bạch của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế”, GS Phong nhấn mạnh.
Cơ hội thu hút nhiều dự án FDI lớn
Đặc biệt, theo nhận định của vị chuyên gia, việc thực thi các Hiệp định thương mại thế hệ mới đem lại nhiều cơ hội phát triển quan trọng cho Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam có cơ hội tiếp cận và xâm nhập vào nhiều thị trường khác nhau trên thế giới với mức độ cao hơn, sâu hơn.
Vị Giáo sư dẫn chứng: “Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu được 176.580,8 triệu USD, Thì thị trường Hoa Kỳ chiếm 21,7%, EU 19,2%, Trung quốc 12,4% , ASEAN 9,8%, Nhật Bản 8,3%, Hàn Quốc 6,4%, Ấn Độ 1,5% và Canada 1,5%. Liên Bang Nga 0,9%.
Cũng trong năm này, Việt Nam nhập khẩu 174.804 triệu USD, trong đó nhập từ thị trường Trung Quốc chiếm 28,6%, Hàn Quốc 18,4%, ASEAN 13,7%, Nhật Bản 8,6%, Đài Loan 6,4%, EU 6,3% và Hoa Kỳ 5,5%. Rõ ràng, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội tiếp cận vào các thị trường lớn nhờ các Hiệp định thương mại thế hệ mới, nhất là thị trường ASEAN, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga...”.
Thuận lợi thứ 2 được ông Phong nhắc tới, đó là Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút nhiều dự án FDI hơn, trong đó sẽ có nhiều dự án có giá trị lớn.
Theo ông Phong, giai đoạn từ năm 1991-2000 cả nước thu hút được 3.133 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký là 43.888 triệu USD. Như vậy bình quân vốn đăng ký của một dự án là 14 triệu USD.
Tọa đàm thu hút được đông đảo sự tham gia của các nhà khoa học |
Đến giai đoạn từ năm 2001-2015 cả nước có 17.974 dự án, với số vốn đăng ký là 269.215 triệu USD, và bình quân vốn đăng ký của 1 dự án đã tăng lên 14,9 triệu USD (Niên giám Thống kê 2016).
“Giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, với quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam cần mở rộng và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng (cả kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường) cộng với môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút nhiều dự án FDI có quy mô lớn”, ông Phong nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng nhận định, Việt Nam sẽ có cơ hội tiệp cận với những tiến bộ mới của khoa học và công nghệ, nhất là những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để đổi mới nhanh chóng trình độ công nghệ của nền kinh tế nước nhà. Điều này theo ông Phong, đặc biệt có ý nghĩa đối với hệ thống doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
“Theo đánh giá của các nhà khoa học, trình độ công nghệ của phần lớn các doanh nghiệp nước ta lạc hậu so với các nước tiên tiến 2-3 thế hệ. Ngay trong khu vực doanh nghiệp FDI cũng chỉ có 5-6% là có công nghệ cao, có tới 80% là công nghệ trung bình và 14% là công nghệ thấp, lạc hậu.
Đương nhiên là bên cạnh công nghệ, Việt Nam còn có điều kiện tiếp cận và học hỏi về các kinh nghiệm tổ chức, quản lý đất nước, quản lý nền kinh tế, quản lý các doanh nghiệp theo kiểu văn minh, hiện đại; còn người lao động Việt Nam sẽ học hỏi được cách sống, cách làm việc theo kiểu công nghiệp và văn minh”, ông Phong đánh giá.
Nguy cơ Việt Nam tụt hậu
Ngoài những thuận lợi vừa chỉ ra, GS Nguyễn Du Phong cho rằng, nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng các hiệp định thương mại thế hệ mới, Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn không thể nào giải quyết nổi.
Vấn đề đầu tiên mà vị Giáo sư lo ngại đến từ sự cạnh tranh quyết liệt của mọi quốc gia, trong khi trình độ và chất lượng của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức khá thấp, năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp đều khá hạn chế.
Theo ông Phong, diễn đàn Kinh tế thế giới từ năm 1979 đã tiến hành đánh giá năng lực cạnh tranh của các quốc gia trên thế giới thông qua 4 tiêu chí: Lạm phát, cơ sở hạ tầng; Lao động có trình độ và mức độ tham nhũng. Báo cáo của tổ chức này năm 2016-2017 gồm 138 nền kinh tế thì Việt Nam xếp thứ 60 với 4,31 điểm, tụt 4 hạng so với năm 2015-2016,
Trong khi đó, theo xếp hạng chỉ số cạnh tranh năng lực toàn cầu ( GTCI) được công bố ngày 19/4/2017 do Tập đoàn Adecco và Viện Lãnh đạo Nguồn vốn Con người của Singapore với chủ đề “ Năng lực và công nghệ”, đã đánh giá 118 quốc gia thì Việt Nam xếp thứ 86/118 và thứ 11 ở Châu Á-thái Bình Dương với 38,13 điểm.
“Tiêu chí cao nhất của Việt Nam là “ kỹ năng kiến thức toàn cầu”-xếp thứ 56, còn tiêu chí thấp nhất là “kỹ năng nghề nghiệp và kỹ thuật” xếp thứ 98.
Rõ ràng, nếu không có giải pháp hữu hiệu khắc phục thách thức này, thì Việt Nam khó trụ vững khi tham gia các Hiệp định thương mại thế hệ mới. Sợ rằng không những không đuổi kịp người ta mà còn tụt hậu xa so với họ nữa”, ông Phong cảnh báo.
Vấn đề thứ hai được GS Phong nhắc tới, đó là các Hiệp định thương mại thế hệ mới đều ở mức độ cao, muốn thực thi thành công đòi hỏi các quốc gia thành viên phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó chất lượng của nguồn nhân lực Việt Nam, kể cả trình độ chuyên môn-kỹ thuật và ý thức tổ chức-kỷ luật, tác phong lối sống công nghiệp đều còn ở mức khá thấp.
Cuối cùng, các hiệp định thương mại thế hệ mới đòi hỏi mức độ hội nhập cao trên nhiều phương diện (kinh tế-xã hội-văn hóa-môi trường), nhưng thể chế kinh tế của Việt Nam còn quá nhiều điều bất cập, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Phong cho rằng, đội ngũ công chức của Việt Nam đông, nhưng năng lực kém, vô cảm và tham nhũng tràn lan. Những điều xảy ra trong mấy tháng gần đây ở Việt Nam đã cho thấy rất rõ nhận định này.
Ông Phong khẳng định, đây có thể xem là thách thức lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam khi tham gia vào các Hiệp định thương mại thế hệ mới.
“Nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội và vượt qua được các thách thức thì sẽ gặt hái được nhiều thành công khi tham gia các Hiệp định thương mại thế hệ mới. Còn ngược lại sẽ rơi vào tình trạng tụt hậu không sao có thể cứu vãn được”, ông Phong nêu quan điểm.
(http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/viet-nam-tham-gia-fta-the-he-moi-noi-lo-rat-lon-3342830/)
DN Việt nên chú trọng thương mại điện tử để đón đầu xu hướng mua sắm trực tuyến
Cùng với tính năng tương tác cá nhân, dịch vụ hậu mãi, uy tín và chất lượng, cũng như công nghệ in 3D, thương mại điện ... |
Bài toán khó cho thương mại điện tử Việt
Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam cho rằng, thương mại điện tử cần tìm mọi cách để chiếm niềm ... |
\'Việt Nam thuộc nhóm tham gia nhiều FAT nhất thế giới\'
“Việt Nam là nước tham gia nhiều hiệp định mậu dịch thương mại thuộc loại hàng đầu thế giới”, chuyên gia Trương Đình Tuyển nói. |
Báo động tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), hiện tượng mất ATTT trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ... |
Ngày đăng: 18:49 | 11/09/2017
/ Theo Ngọc Hoàn/Báo Đất việt