Dự án nghiên cứu vaccine COVID-19 của các đơn vị tại Việt Nam đang có nhiều dấu hiệu khả quan, hy vọng cuối năm 2021, nước ta sẽ có vaccine phòng virus corona.
Theo TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế), Việt Nam đang có 4 đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine phòng COVID-19, gồm: Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) và Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen.
Thông tin về tiến độ phát triển vaccine, đại diện 4 đơn vị cho biết, các thử nghiệm ban đầu đều rất khả quan. “Hy vọng, đến năm 2021 sẽ có vaccine COVID-19 của Việt Nam”, ông Quang cho biết.
Các nhà khoa học Việt Nam tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên chuột. |
Để có được vaccine COVID-19 trong thời gian sớm nhất, Bộ Y tế cố gắng rút ngắn các quy trình về nghiên cứu sản xuất, kiểm định, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành và theo dõi sử dụng vaccine. Dù vậy, chất lượng vaccine vẫn đảm bảo và được đặt lên hàng đầu. Đó là vaccine phải có tác dụng phòng virus corona gây bệnh COVID-19 dựa trên những bằng chứng khoa học cũng như tuân thủ theo các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học.
Phát biểu tại Hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine COVID-19 tại Việt Nam hồi cuối tháng 7 vừa qua, GS.TS Nguyễn Thanh Long – quyền Bộ trưởng Y tế cũng cho biết, đại dịch COVID-19 trên thế giới lan rộng hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hàng triệu người mắc. Dịch đang diễn biến khó lường, chưa biết bao giờ dừng.
Để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, nhiều quốc gia đang chạy đua để nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, tiến tới sản xuất và đưa vào sử dụng vaccine. Việt Nam cũng không nằm ngoài chiến dịch này.
Theo ông Long, nước ta có đủ năng lực nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng. Đối với vaccine COVID-19, cả nước có 4 đơn vị đang nghiên cứu, phát triển theo các hướng khác nhau, một số loại đã thử nghiệm tiền lâm sàng. Mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau, bước đầu cũng cho thấy kết quả khá tốt.
Việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vaccine phòng COVID-19 trong nước rất quan trọng. Nếu thành công chúng ta không những chủ động nguồn cung trong nước mà còn tiến tới xuất khẩu.
Với tiến độ nghiên cứu của các nhà khoa học hiện nay, ông Long cho biết, Việt Nam kỳ vọng sẽ có thể tự chủ được vaccine. “Vấn đề là cần thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vaccine cho người Việt Nam, đồng thời có cơ chế đặc biệt để có thể tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới nhanh nhất”, ông Long nhấn mạnh.
Tính tới sáng 2/8, Việt Nam ghi nhận 590 trường hợp mắc COVID-19. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có 94.216 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly tại nước ta. Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, đến thời điểm này có 373/590 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh.
Các nước đã chi bao nhiêu cho vaccine COVID-19?
Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các quốc gia đã chi rất nhiều tiền cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19. |
Biến chủng nCoV ở Đà Nẵng không ảnh hưởng tới nghiên cứu vaccine
Theo chuyên gia, những biến đổi của virus Covid-19 không ảnh hưởng đến vùng gene các nhà nghiên cứu Việt Nam lựa chọn cho kháng ... |
Ngày đăng: 12:05 | 02/08/2020
/ vtc.vn