Chiều 22/8 tại Hà Nội, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng chủ trì cuộc họp báo thường kỳ, thông tin về các vấn đề được dư luận quan tâm như vụ Tòa Phúc thẩm Paris bác đơn của bà Trần Tố Nga kiện 14 công ty cung cấp chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam, thông tin sai sự thật về việc công dân Anh tới Việt Nam nhưng không thể xuất cảnh, việc phát triển khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Việt Nam lấy làm tiếc về phán quyết vụ kiện chất độc da cam

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết quan điểm của Việt Nam về vụ bà Trần Tố Nga kiện 14 công ty sản xuất hóa chất Mỹ và bình luận về phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris, Người Phát ngôn Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam lấy làm tiếc trước phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris về vụ việc".

"Mặc dù chiến tranh đã qua, những hậu quả nặng nề vẫn còn tác động sâu sắc đến đất nước và người dân Việt Nam, trong đó có những hậu quả lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin yêu cầu những công ty sản xuất và cung cấp loại chất này cho quân đội Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam, khiến hàng triệu người Việt Nam trở thành nạn nhân, có trách nhiệm khắc phục hậu quả đã gây ra", bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.

Việt Nam lên tiếng về phán quyết của tòa Paris vụ kiện chất độc da cam -0
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng.

Được biết, từ năm 2014, bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, một nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đã đệ đơn kiện tại Tòa án Evry ở ngoại ô Paris (Pháp). Vụ kiện các tập đoàn hóa chất Mỹ đã được đưa ra xét xử vào năm 2021. Tuy nhiên, Tòa án Evry bác vụ kiện vì cho rằng các doanh nghiệp này có đủ cơ sở để sử dụng quyền miễn trừ, do họ đã hành động theo yêu cầu từ chính phủ Mỹ. Vì vậy, Tòa án Evry không có đủ thẩm quyền để xét xử hành động của một quốc gia có chủ quyền khác. 

Hồi tháng 5, Tòa phúc thẩm Paris mở phiên điều trần cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga chống 14 công ty hóa chất Mỹ, trong đó có Monsanto, vì đã sản xuất và buôn bán thuốc diệt cỏ có chứa dioxin cung cấp cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Tòa phúc thẩm Paris sáng 22/8 đã ra phán quyết giống với Tòa sơ thẩm Ervy.

Việt Nam bác thông tin sai sự thật trên báo Anh

Liên quan đến việc truyền thông Anh cho biết nước này có cảnh báo tới công dân khi đến Việt Nam rằng họ có thể bị cấm xuất cảnh hoặc thu hộ chiếu, Người Phát ngôn Phạm Thu Hằng đã bác bỏ thông tin này.

Bà Phạm Thu Hằng cho hay: "Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những thông tin sai sự thật như vậy. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là luôn tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam và qua đó góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho công dân nước ngoài đến Việt Nam với mục đích học tập, làm việc, đầu tư, tìm hiểu thị trường và du lịch phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam".

Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam có ý nghĩa chiến lược

Cũng tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, Người Phát ngôn Phạm Thu Hằng khẳng định, rằng mối quan hệ đoàn kết gắn bó tin cậy giữa ba nước là di sản quý báu đối với cả ba dân tộc, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của mỗi nước, góp phần vào sự phát triển của cộng đồng ASEAN.

“Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam đã đóng góp cho việc phát triển kinh tế - thương mại, giao lưu nhân dân giữa ba nước, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân của ba nước, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực này. Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Campuchia và Lào để tổ chức Hội nghị cấp cao khu vực Tam giác Phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam tại Campuchia vào tháng 12 năm nay", bà Phạm Thu Hằng thông tin. 

 https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/viet-nam-len-tieng-ve-phan-quyet-cua-toa-paris-vu-kien-chat-doc-da-cam-i741350/

Ngày đăng: 20:01 | 22/08/2024

Kim Khánh / CAND