Chùa Trấn Quốc và Thiền viện Tổ Đình Bửu Long được tạp chí Mỹ National Geographic đưa vào danh sách 20 kiến trúc Phật giáo đặc sắc nhất thế giới.
Chùa Trấn Quốc tọa lạc trên một hòn đảo phía đông hồ Tây, nép mình bên đường Thanh Niên thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long. Ban đầu chùa mang tên Khai Quốc, xây dựng vào thế kỷ thứ 6 thuộc thời Tiền Lý. Sau đó chùa được đổi tên thành Trấn Quốc vào đời vua Lê Hy Tông (1663 - 1716) với ý nghĩa đem lại cuộc sống bình yên cho toàn dân, tên gọi này phổ biến tới ngày nay.
Khuôn viên chùa có Bảo tháp lục độ đài sen cao 15 m được xây dựng năm 1998. Tháp gồm 11 tầng, mỗi tầng có 6 ô cửa hình vòm, mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Phần đỉnh tháp là Cửu phẩm liên hoa - tháp sen 9 tầng tạc bằng đá quý.
Năm 2016, trang Thrillist cũng đưa ra danh sách những ngôi chùa, đền thờ, cung điện, tháp có cảnh quan và kiến trúc đẹp nhất thế giới. Chùa Trấn Quốc là đại diện duy nhất ở Việt Nam nằm trong bảng xếp hạng này. Theo đánh giá của tờ báo Mỹ, chùa có kiến trúc giống như một bông sen đang nở. Ảnh: Stefano Di Chiara.
Chùa Bửu Long (hay còn gọi là Thiền viện Tổ Đình Bửu Long) tọa lạc ở quận 9, cách trung tâm TP HCM khoảng 20 km. Khuôn viên chùa rộng hơn 11 ha, nằm trên một ngọn đồi bao quanh bởi rừng cây xanh, hướng ra bờ sông Đồng Nai. Ngôi chùa mang vẻ đẹp riêng so với những địa điểm tâm linh khác trong nước, do có sự kết hợp của kiến trúc từ Ấn Độ, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Bảo tháp trong chùa có tên Gotama Cetiya, là bảo tháp lớn nhất Việt Nam với chiều cao 70 m cùng bốn tháp phụ xung quanh. Trước mặt tháp là hồ nước hình bán nguyệt với màu xanh ngọc, được xem là điểm nhấn giúp ngôi chùa thêm lộng lẫy. Ảnh: Renan Gicquel.
Thánh địa Phật giáo Bagan ở Myanmar có hàng nghìn đền chùa linh thiêng, trong đó nổi bật là đền Dhammayangyi (ảnh). Công trình do vua Narathu cho xây dựng từ năm 1167 sau khi giết vua cha và anh trai, chiếm ngai vàng.
Ngôi đền được dựng bằng gạch nung và không hề có mạch vữa. Tương truyền, Dhammayangyi mãi dở dang do những tội ác mà Narathu gây ra. Điều đó cũng lý giải vì sao công trình không có chóp như những ngôi đền khác. Ảnh: Ben The Man.
Chùa Wat Benchamabophit tại Bangkok, Thái Lan hoàn thành vào năm 1911 và còn được gọi là chùa Cẩm Thạch do xây bằng đá cẩm thạch nhập khẩu từ thị trấn Carrara, Italy. Bên trong chính điện là nơi thờ những bức tượng Phật Shinnarat, phía sau điện chính là một phòng trưng bày hiện vật 52 bức tượng Phật. Ảnh: My Thailand Tours.
Chùa Seiganto-ji tọa lạc tại tỉnh Wakayama, cao 3 tầng được xây dựng cạnh thác Nachi 133 m, thác nước đơn có dòng chảy không bị gián đoạn cao nhất Nhật Bản.
Seiganto-ji được cho là thành lập vào đầu thế kỷ thứ 5 bởi một nhà sư từ Ấn Độ, là một phần trong di sản thế giới “Con đường hành hương và thánh địa vùng núi Kii” được UNESCO công nhận năm 2004. Ảnh: Besthq Wallpapers.
Bhutan có nhiều tu viện và công trình Phật giáo linh thiêng, nổi tiếng. Một trong số đó là tu viện Paro Taktsang xây dựng từ năm 1692, tọa lạc trên một vách đá cao giữa tầng mây nhìn xuống thung lũng Paro. Theo truyền thuyết, ngài Padmasambhava bay đến thung lũng Paro dưới hình dạng hóa thân của thần Dorji Drolo cưỡi trên lưng con hổ cái. Sau đó, ngài đã ngồi thiền suốt ba năm liên tục vào thế kỷ thứ 8 tại 13 hang động, trong đó Paro Taktsang là hang nổi tiếng nhất, nên người dân địa phương còn gọi hang này là Hang Hổ (Tiger Nest).
Trên đường dẫn lên tu viện Paro Taktsang, du khách sẽ nhìn thấy làng Lakhang và chùa Urgyan Tsemo tọa lạc trên một khu núi đá khá bằng phẳng. Dọc lối mòn dẫn lên tu viện còn có một thác nước 60 m và đổ vào một hồ thiêng, cuối đường là chính điện của tu viện. Ảnh: Ruminate.
Đền Man Mo, Hong Kong được xây dựng vào năm 1847, nhằm tôn vinh Thần Man và Thần Mo. Thần Man là vị thần của văn học, mặc áo màu đỏ và trên tay cầm bút thư pháp. Thần Mo là vị thần chiến tranh, mặc áo màu xanh lá cây và trên tay cầm thanh kiếm. Vào bên trong, du khách sẽ ấn tượng với những khoanh nhang khổng lồ được thả từ trên trần nhà xuống, khói nhang luôn ngập tràn trong không gian. Ngoài ra, trên trần treo những tờ giấy màu đỏ ghi điều ước về thi đậu, học giỏi, gặp mọi sự may mắn trên đường công danh sự nghiệp, cầu làm hòa, giải quyết mọi tranh chấp với nhau. Ảnh: Patrick Foto.
Nằm ở cuối đường Sakkarin, gần với ngã ba tiếp giáp giữa sông Mekong và sông Nam Khan, chùa Wat Xieng Thong được xây dựng năm 1560 dưới thời vua Setthathirat. Đây được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất của cố đô Luang Prabang, Lào.
Chùa Wat Xieng Thong có chánh điện mang phong cách kiến trúc đặc trưng của Luang Prabang cổ với mái lợp ba tầng hạ sâu hướng về mặt đất, bao quanh là những miếu đường nhỏ có cùng một lối kiến trúc. Ngoài ra, chùa còn nổi bật với những bức tranh đa sắc màu về lịch sử Phật giáo và lịch sử dân tộc, được các họa sĩ dùng miếng sành, sứ lắp ghép tỉ mỉ lại với nhau hoặc trực tiếp vẽ lên tường, tạo nên các tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Ảnh: Maria Globetrotter.
Tu viện Kopan tọa lạc trên đỉnh đồi gần bảo tháp Boudhanath nổi tiếng, nằm cách thủ đô Kathmandu, Nepal khoảng 5,6 km về phía đông bắc, được đức Lama Yeshe thành lập nên vào đầu những năm 1970.
Tu viện theo đuổi sứ mệnh bảo tồn, truyền bá đạo Phật, hiện quy tụ hơn 300 nhà sư đang tu tập. Nơi đây cũng cho những người mộ đạo ghi danh các khóa học thiền định kéo dài ba tháng và hàng ngày có các buổi pháp thoại từ thứ hai đến thứ sáu dành cho du khách.
Tại ngôi đền chính tu viện, du khách được chiêm ngưỡng bức tranh bốn vị Pháp Vương của Tây Tạng và pho tượng Lama Tsong Khapa cao tới 6 m. Đây chính là nhà truyền thừa đã sáng lập ra trường phái Gelug của Phật giáo Tây Tạng. Ảnh: TMM Nepal.
Nằm cách Siem Reap khoảng 6 km về phía bắc, đền Angkor Wat được vua Suryavarman II xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 12. Diện tích của cả quần thể kéo dài hơn 400 km2, bao quanh bởi một hào nước sâu và rộng. Sự rộng lớn của công trình được nhiều người mô tả như thiên đường nơi hạ giới.
Ban đầu, Angkor Wat được xây dựng để thờ Vishnu, một vị thần Hindu, nhưng sau này do sự du nhập và phát triển mạnh của đạo Phật, Angkor Wat đã chuyển sang thờ Phật giáo vào gần cuối thế kỷ 12. Các đền Angkor đều nằm bên trong Công viên khảo cổ Angkor. Có thời gian quần thể này từng bị lãng quên. Đến cuối thế kỷ 19, các nhà khảo cổ phương Tây mới tiếp tục tìm hiểu về quần thể đền đài này và đưa vào khôi phục trong khoảng các năm 1907 - 1970.
Toàn bộ Angkor Wat được xây bằng đá sa thạch và đá tổ ong, nổi bật và đặc trưng với lối điêu khắc cổ đại. Dù trải qua nhiều thế kỷ, những ngôi đền trong quần thể vẫn gìn giữ được vẻ đẹp và thường xuyên có người đến thờ cúng. Angkor Wat được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1992. Ảnh: Tipnadovolenku.
Chùa Mahabodhi (hay chùa Đại Giác Ngộ, chùa Đại Bồ Đề) tọa lạc ở Bodh Gaya, thuộc huyện Gaya, bang Bihar, cách thủ phủ của bang là thành phố Patna, Ấn Độ khoảng 96 km. Di tích này có một tháp trung tâm bằng đá cao 55 m và bốn tháp nhỏ hơn bao quanh, là nơi hành hương lớn nhất của các tín đồ Phật giáo trong hơn 2.000 năm.
Khuôn viên chùa Mahabodh có cây bồ đề linh thiêng được cho là nơi Đức Phật đã giác ngộ, dưới gốc cây là tòa kim cang VaJirasana sa thạch đánh dấu nơi Đức Phật đã từng ngồi. Theo kinh Phật, sau khi thiền định và giác ngộ, Phật tổ đã dành cả đời mình để giảng dạy Phật pháp cho đến khi qua đời ở tuổi 80. Ngôi đền Mahabodhi được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2002. Ảnh: Goibibo.
Khu phức hợp đền Borobudur tọa lạc trên đỉnh một quả đồi, giữa vùng đồng bằng phì nhiêu, nổi bật với phông nền là dãy núi Menoreh thuộc miền trung Java, Indonesia. Đền nằm cách thành phố Yogyakarta khoảng 40 km về phía bắc, là khu di tích Phật giáo lớn nhất trên thế giới có niên đại từ thế kỷ thứ 9. Ngôi đền có chín tầng, xếp chồng lên nhau bao gồm 6 vuông, 3 tròn và trên cùng là một mái tròn, tổng chiều cao 42 m, tương đương chiều cao của một tòa nhà 10 tầng hiện đại.
Kiến trúc Borobudur được trang trí với 3.000 tác phẩm phù điêu chạm khắc nổi, 72 tháp chuông hình mắt cáo và 504 pho tượng Phật. Tất cả bậc thềm từ tầng 1 đến tầng 9 đều được phủ kín bằng những phù điêu, chạm trổ cầu kỳ mô tả cuộc đời của đức Phật Thích Ca, các bồ tát và anh hùng đã giác ngộ Phật pháp. Bên cạnh đó là những nội dung về thiên đàng và về địa ngục. Ngày nay, Borobudur là công trình kiến trúc thu hút nhiều khách du lịch nhất tại Indonesia. Ảnh: Koemeshi.
Tạp chí National Geographic của Hội Địa lý Quốc gia Mỹ, ra mắt lần đầu năm 1888. Hiện tạp chí được lưu hành trên toàn thế giới với gần 40 phiên bản ngôn ngữ khác nhau.
Huỳnh Phương (Theo National Geographic)
Ngôi chùa của những kỷ lục thế giới ở Nhật Bản
Được bao bọc bởi 8 ngọn núi, Vương đường Phật giáo được xem là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất thế giới. |
Ngôi chùa của những kỷ lục thế giới ở Nhật Bản
Được bao bọc bởi 8 ngọn núi, Vương đường Phật giáo được xem là một trong những trung tâm Phật giáo lớn nhất thế giới. |
Ảnh: Hàng nghìn công nhân làm việc xuyên đêm tại ngôi chùa lớn nhất thế giới ở Hà Nam
Để chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản Vesak 2019 diễn ra vào tháng 5, gần 2.000 công nhân phải làm việc ngày đêm tại ... |
Tượng Phật hồng ngọc nặng 4.000 kg trong ngôi chùa ở Hà Nam
Ngôi chùa ở Hà Nam làm hoàn toàn bằng đá granit đỏ, bên trong có tượng Phật bằng hồng ngọc nhập khẩu từ Myanmar. |
Ngày đăng: 10:57 | 29/07/2019
/ vnexpress.net