Từ nay đến hết năm 2030, Việt Nam dự định bổ sung thêm ít nhất 8 tuyến cáp quang biển nhằm đảm bảo an toàn của hạ tầng viễn thông quốc tế không bị gián đoạn.

Theo thống kê từ Hiệp hội Internet Việt Nam, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam được dự báo sẽ đạt đến 100,19 triệu người dùng vào năm 2029.

Ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet.

Tại Internet Day 2024, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) chia sẻ, hạ tầng số tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, mở ra cơ hội mới cũng như không gian phát triển mới cho các doanh nghiệp công nghệ và viễn thông.

Hạ tầng số là chiến lược cho phát triển kinh tế - xã hội, không kém phần quan trọng khi so sánh với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện…cần được đầu tư trước và có khả năng mở rộng trong tương lai, góp phần vào quá trình đổi mới sáng tạo, từ đó đưa Việt Nam phát triển bứt phá trong thời đại số.

"Từ nay đến năm 2030, Việt Nam dự định bổ sung thêm ít nhất 8 tuyến cáp quang biển nhằm đảm bảo tính bền vững, an toàn của hạ tầng viễn thông quốc tế không bị gián đoạn, cũng như tăng cường năng lực băng thông kết", Cục trưởng Cục Viễn thông cho hay.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông.

Theo “Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” mà Bộ TT&TT phê duyệt vào tháng 6 năm nay.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu đến năm 2035, hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu của khu vực về cả số lượng, dung lượng và chất lượng, trở thành lợi thế thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn (Data Center), các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn tới siêu lớn (Hyperscale Cloud); kết nối đa dạng, an toàn, bền vững, đưa Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng của hạ tầng số, hạ tầng truyền dẫn dữ liệu của khu vực và quốc tế, tạo ưu thế và động lực đưa một số đô thị trở thành Digital Hub, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi số…

Từ năm 2028 đến năm 2030 sẽ nâng tổng dung lượng thiết kế cáp quang trên biển đạt tối thiểu 350 Tbps; hoàn thành và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu một tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ; triển khai và đưa vào sử dụng thêm tối thiểu một tuyến cáp quang đất liền quốc tế; duy trì kết nối tối đa 90% dung lượng cáp quang trên biển tới tối thiểu 4 Digital Hub lớn lân cận trong khu vực châu Á.

Duy trì kết nối dự phòng tối thiểu 10% dung lượng cáp quang trên biển tới tối thiểu 2 Digital Hub lớn tại các khu vực châu Mỹ, châu Âu…

Đảm bảo an toàn, bền vững hạ tầng cáp quang quốc tế, đối với các tuyến cáp quang hướng ra vùng biển phía Nam, triển khai hài hòa các phương án kết nối trực tiếp tới các Digital Hub, kết nối với các tuyến cáp quang biển theo mô hình Liên doanh (Consortium).

Ông Lê Hoài Nam Chủ nhiệm CLB Điện toán Đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC), Phó Giám đốc Viettel IDC.

Ông Lê Hoài Nam Chủ nhiệm CLB Điện toán Đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC), Phó Giám đốc Viettel IDC.

Với việc tăng cường thêm tuyến cáp quang biển, Việt Nam rất có tiềm năng để trở thành một trung tâm dữ liệu vùng (Hub) tại khu vực, nhưng sẽ còn nhiều việc cần phải làm, để đạt được mục tiêu này.

Báo cáo từ Câu lạc bộ Điện toán Đám mây và Trung tâm Dữ liệu Việt Nam (VNCDC) đánh giá, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam năm 2023 đạt giá trị ước tính khoảng 480 triệu USD, tăng trưởng hàng năm 25-30%.

Đến năm 2025, có thể vượt 1 tỷ USD, trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á. 90% doanh nghiệp tại Việt Nam đã hoặc đang có kế hoạch chuyển đổi sang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa mới chiếm chưa đến 40%, điều này cho thấy tiềm năng và nhiệm vụ lớn cho các nhà cung cấp dịch vụ trong nước.

Nói về việc tương lại Việt Nam sẽ trở thành Hub dữ liệu tại khu vực, ông Lê Hoài Nam Chủ nhiệm CLB Điện toán Đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC), Phó Giám đốc Viettel IDC đưa ra nhận định, "nhìn trong khu vực, hiện nay Thái Lan có 8 tuyến, Philippines đang có 17 tuyến, nhờ số lượng tuyến đó sẽ đảm bảo số lượng thông tin luôn ổn định. Để Việt Nam trở thành Hub của khu vực sẽ phải tăng gấp đôi số lượng tuyến, tôi đánh giá việc tăng số tuyến cáp quang sẽ đảm bảo tăng tổng dung lượng và đi theo lộ trình đó".

Khi chuyển đổi số phát triển sẽ tạo cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ, nhưng cũng tạo ra thách thức khi yêu cầu cao hơn và đa dạng hơn, chính vì thế các nhà cung cấp dịch vụ phải có công nghệ và hệ sinh thái dịch vụ.

Cũng đã có rất nhiều các đơn vị nước ngoài sẵn sàng xây dựng trung tâm dữ liệu tại Việt Nam để phục vụ nhu cầu trong nước. Các nhà cung cấp dịch vụ trong nước với lợi thế mang tính "địa phương hóa", có tính an toàn, bảo mật cho những dữ liệu quốc gia sẽ là một lợi thế lớn để cạnh tranh, Chủ nhiệm CLB VNCDC nhận định.

https://vtcnews.vn/viet-nam-can-tang-gap-doi-so-cap-quang-hien-co-ar910123.html

Ngày đăng: 09:11 | 29/11/2024

CHÍ HIẾU / VTC News