Trong 40 qua, sau khi chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot, Việt Nam và Campuchia luôn kịp thời giúp đỡ lẫn nhau vô tư, trong sáng và hiệu quả, cùng nhau phát triển mạnh mẽ, toàn diện hướng về tương lai.

Nỗi đau chung

Vào ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện chính trị trọng đại này là một mốc son trong lịch sử mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống gắn bó nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi quốc gia.

Sau Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Việt Nam và chiến thắng chế độ diệt chủng 7/1/1979, quan hệ Việt Nam-Campuchia tiếp tục phát triển theo tinh thần “Hợp tác láng giềng tốt đẹp, đoàn kết hữu nghị truyền thống, ổn định lâu dài”.

Trong cuộc phỏng vấn với TTXVN đầu tháng 12/2018, ông Phay Siphan, Bộ trưởng, Người phát ngôn Văn phòng HĐBT Campuchia khẳng định Campuchia và Việt Nam đã thể hiện cho thế giới và các thế hệ sau thấy rõ sự phát triển không ngừng nghỉ của quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp giữa hai nước trong nhiều năm qua, không chỉ dừng lại ở 50 năm mà còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Hai nước đã cùng nhau vượt qua không chỉ các cuộc chiến chống ngoại xâm mà còn cả các cuộc nội chiến. Những gì mà hai nước vui mừng thấy được ngày hôm nay đó là nền độc lập, tự chủ, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước; là sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, coi nhau như anh em.

viet nam campuchia gan nua the ky di qua thuong dau cung ke vai sat canh phat trien toan dien

Ông Phay Siphan, Bộ trưởng, Người phát ngôn Văn phòng HĐBT Campuchia trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. (Ảnh: TTXVN)

Ông Phay Siphan nhấn mạnh, hòa bình chính là yếu tố quan trọng hàng đầu; tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau là cơ sở quan trọng của việc phát triển; “nỗi đau của Campuchia cũng là nỗi đau chung của người anh em Việt Nam và ngược lại”.

Hợp tác phát triển kinh tế-xã hội

Đánh giá về quan hệ hợp tác với Việt Nam, ông Siphan cho biết gần đây Campuchia đang học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam về con đường phát triển. Campuchia nhận thức rõ rằng trong lịch sử, Việt Nam có tinh thần đấu tranh rất mãnh liệt. Đây là vấn đề Campuchia luôn học hỏi ở Việt Nam. Campuchia luôn có nhu cầu hợp tác với Việt Nam đặc biệt là hợp tác về kinh tế.

Theo tài liệu từ Viện Phát triển và Hòa bình Campuchia (CICP) của tác giả Chheang Vannarith, kinh tế Campuchia đã trải qua những thay đổi đa dạng liên quan đến sự thay đổi chế độ, từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang thị trường tự do, từ chiến tranh sang hòa bình, từ độc tài sang dân chủ.

“Hệ thống kinh tế Campuchia hoàn toàn bị phá hủy dưới chế độ Pol Pot, không có thị trường, không có thương mại, không có tiền và không hoạt động kinh tế nào ngoài giết chóc và tra tấn. Đó được coi là ‘năm thứ 0’ và Campuchia phải bắt đầu lại tất cả mọi thứ từ 1979.” – tài liệu viết.

Theo Khmer Times, Thủ tướng Hun Sen từng nói “ngày kỷ niệm mùng 7 tháng 1 không chỉ là của riêng Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), mà còn cho cả công chúng vì đó là một phong trào vĩ đại đã giải phóng đất nước và con người Campuchia.”

Bà Men Sam An, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia nói trong một bài phỏng vấn năm 2017: “Nhân dân Campuchia không quên công lao của nhân dân và quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh thân mình giúp giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot vào ngày 7/1/1979.

Ngay sau khi giải phóng đất nước Campuchia, Việt Nam đã giúp đỡ Campuchia mạnh mẽ trong việc tổ chức chính quyền, xây dựng quyền lực nhà nước tại cơ sở và cử nhiều chuyên gia kỹ thuật để cải tạo và xây dựng đất nước Campuchia mới, cũng như giúp bảo vệ, ngăn chặn, không cho chế độ diệt chủng quay trở lại đất nước này. Do đó, người bạn vĩ đại Việt Nam là người đã giúp đỡ xây dựng hòa bình cho đất nước Campuchia.”

Chính nhờ quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp và chủ trương xây dựng một đường biên giới hữu nghị, hòa bình, ổn định và phát triển của lãnh đạo hai nước đã góp phần phát triển các tỉnh giáp biên của Campuchia với Việt Nam. Việt Nam luôn tạo điều kiện để người dân Campuchia có thể dễ dàng sang Việt Nam khám chữa bệnh gần hơn về khám chữa bệnh tại thủ đô Phnom Penh. Chính phủ, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam cũng mang đến sự hỗ trợ và hợp tác trên mọi lĩnh vực cho Campuchia, trong đó có lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân Campuchia.

Trong cuộc tiếp xúc với Ban liên lạc cựu chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia hồi tháng 2/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ Hoàng gia và nhân dân, quân đội Camuchia luôn luôn ghi nhận và đánh giá cao; cho rằng sự phát triển của Campuchia ngày hôm nay sau nạn diệt chủng Pol Pot có đóng góp từ sự hy sinh to lớn của bộ đội quân tình nguyện Việt Nam và các chuyên gia Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, sau khi Campuchia được giải phóng khỏi chế độ diệt chủng, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam tiếp tục giúp đỡ nhân dân Campuchia xây dựng lại đất nước từ đống tro tàn do nạn diệt chủng gây ra. Theo đó, Đảng, Nhà nước đã cử hàng vạn chuyên gia Việt Nam giúp Campuchia trên tất cả các lĩnh vực, các ngành, từ trung ương đến địa phương. Không chỉ giúp Campuchia thời gian trước đây, nhân dân Việt Nam liên tục giúp đỡ Campuchia trong phát triển kinh tế xã hội giai đoạn hiện nay, thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt đẹp với Campuchia.

viet nam campuchia gan nua the ky di qua thuong dau cung ke vai sat canh phat trien toan dien

(Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 11/2018, Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho 210 dự án đầu tư tại Campuchia, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3 tỷ USD, quy mô trung bình đạt 14 triệu USD/dự án.

Vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia đạt khoảng 1,5 tỷ USD (đạt tỷ lệ 50%). Campuchia đứng thứ 2 (sau Lào) trong các nước và vùng lãnh thổ Việt Nam có các hoạt động đầu tư ra nước ngoài (OFDI). Trong khi đó theo số liệu năm 2017, Việt Nam xếp thứ 4 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia.

viet nam campuchia gan nua the ky di qua thuong dau cung ke vai sat canh phat trien toan dien

Các dự án đầu tư của Việt Nam tại Campuchia có mặt ở hầu hết các ngành, lĩnh vực quan trọng của Campuchia; tập trung nhiều nhất trong lĩnh vực nông lâm nghiệp với 54 dự án, số vốn đăng ký là 2,12 tỷ USD (chiếm 70% tổng vốn đăng ký). Hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm với 7 dự án, với vốn đăng ký là 334,1 triệu USD (chiếm 11% tổng vốn đăng ký); thông tin truyền thông với 13 dự án, với vốn đăng ký là 202,3 triệu USD (chiếm 6,7% tổng vốn đăng ký). Các dự án còn lại nằm trong các lĩnh vực khoáng sản, công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại xuất nhập khẩu, y tế, xây dựng, du lịch - khách sạn, bất động sản, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí và các dịch vụ khác.

viet nam campuchia gan nua the ky di qua thuong dau cung ke vai sat canh phat trien toan dien

Năm 2018, Việt Nam là nước có lượng khách du lịch quốc tế lớn thứ hai tại Campuchia với hơn 500.000 lượt du khách.

Cuối năm 2017, Việt Nam và Campuchia cũng ký kết một Thỏa thuận hợp tác tăng cường về phát thanh giai đoạn 2017 - 2020. Theo Thỏa thuận trên, hai bên tăng cường việc phát trên sóng đài phát thanh các tin, bài, phóng sự, các chương trình nghệ thuật, văn học về những bài học kinh nghiệm, thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi nước nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của hai nước trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay; góp phần tăng cường hơn nữa tình hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Hai bên cử đoàn cán bộ lãnh đạo, phóng viên sang thăm lẫn nhau để trao đổi nghiệp vụ chuyên môn.

Các lãnh đạo Việt Nam và Campuchia đã đồng ý tăng cường hợp tác toàn diện giữa hai nước, nâng giá trị thương mại song phương lên 5 tỷ USD trong những năm tới.

Đầu tư hiệu quả, uy tín

Bên cạnh những dự án lớn của các doanh nghiệp Việt Nam trải rộng khắp 18 tỉnh Campuchia, chủ yếu ở thủ đô Phnom Penh, sau đó là các tỉnh có biên giới với Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam được xem là một trong những đối tác gần gũi, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của Campuchia.

Từ năm 1978, với sự trợ giúp của VOV, Campuchia đã phát sóng chương trình radio tin tức bằng tiếng Khmer, góp phần giúp quân và dân Campuchia chiến thắng cuộc chiến chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot.

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ từng nhấn mạnh Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, đã từng kề vai sát cánh, giúp đỡ nhau trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi nước ngày nay. Trên cơ sở đó, VOV đã có quan hệ hợp tác với Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia kể từ ngày đầu Đài này mới được thành lập năm 1978.

viet nam campuchia gan nua the ky di qua thuong dau cung ke vai sat canh phat trien toan dien

Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ cắt băng khánh thành giai đoạn 1 Dự án xây dựng 9 đài phát sóng cho Campuchia. (Ảnh: VOV)

Từ đó đến nay, hai bên đã cùng xây dựng và phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên cho Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia.

Về lĩnh vực kỹ thuật phát thanh, Đài Tiếng nói Việt Nam từ những ngày đầu luôn sẵn sàng hỗ trợ Đài Phát thanh quốc gia Campuchia giải quyết các vấn đề kỹ thuật theo khả năng của mình.

Chỉ tính trong giai đoạn 2008-2015, VOV đã xây dựng 15 trạm phát thanh với khả năng từ 2KW đến 20KW dọc Campuchia.

Trong nhiều năm trở lại đây, nhiều dự án phát thanh ở các tỉnh Campuchia đã được xây dựng bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ và nhân dân Việt Nam dành cho Chính phủ và nhân dân Campuchia do Đài Tiếng nói Việt Nam chịu trách nhiệm thi công, lắp đặt.

Dự án xây dựng chín đài phát thanh FM và đài phát hình do Chính phủ Việt Nam viện trợ thông qua VOV đầu tư xây dựng bốn đài phát thanh FM công suất 2 KW tại các tỉnh Kep, Tbong Khmum, Pursat , Kampong Chhnang và năm đài phát hình tại các tỉnh Svay Rieng, Kampong Cham và một số tỉnh thành khác của nước này.

Theo các số liệu thống kê, tính tới cuối tháng 11/2017, các dự án viện trợ của Chính phủ Việt Nam cho Campuchia do VOV thực hiện đã phủ sóng FM khoảng 35% và phủ sóng truyền hình đạt khoảng 0,98% diện tích lãnh thổ. Sau khi kết thúc giai đoạn 2 của dự án, diện phủ sóng phát thanh, truyền hình, năng lực sản xuất chương trình của các đài Campuchia sẽ được tăng cường hơn nữa.

Nhiều dự án đầu tư Việt Nam khác là những thương hiệu lớn ở Campuchia như công ty viễn thông Metfone (Viettel); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia (BIDC), công ty bảo hiểm Campuchia-Việt Nam (CIV).

Brand Finance, một công ty tư vấn và chiến lược thương hiệu hàng đầu tại Anh vào năm 2016 đã thông báo Metfone là thương hiệu có giá trị nhất tại Campuchia, dựa trên 3 tiêu chí, bao gồm sức mạnh thương hiệu, kết quả kinh doanh và các yếu tố bên ngoài. Giá trị thương hiệu của Metfone tăng trưởng từ 85 triệu USD năm 2015 lên 94 triệu USD năm 2016, gần gấp đôi các nhà vận hành khác.

Nhiều dự án đã hoạt động tốt và hoàn thành nghĩa vụ với các cơ quan nhà nước Campuchia, tạo ra việc làm ổn định cho hàng chục nghìn người Campuchia.

Trong những năm hoạt động ở Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam luôn cố gắng mang đến dịch vụ và sản phẩm tốt nhất cho người Campuchia, đóng góp vào sự phát triển kinh tế giữa hai nước. Với triết lý “doanh nghiệp gắn liền với trách nhiệm xã hội” các doanh nghiệp Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng nhằm cải thiện và tăng cường chất lượng cuộc sống, giáo dục và sức khỏe của người Campuchia với mục đích không chỉ là những doanh nghiệp đơn thuần mà có thể trở thành người bạn với người Campuchia để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Metfone đã giúp Campuchia xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ thông minh, hội thảo video. Doanh nghiệp này cũng khởi động cam kết cung cấp Internet miễn phí cho gần 1.500 trường học Campuchia trong vòng 5 năm, tài trợ cho nhiều chương trình hỗ trợ cộng đồng như phẫu thuật miễn phí cho 472 trẻ embị khe hở môi và vòm miệng, Mạng lưới Nghiên cứu Giáo dục Campuchia, chương trình kiểm tra sức khỏe và điều trị miễn phí cho các bệnh nhân ở khu vực vùng sâu vùng xa.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRIG) đã đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội như giao thông, điện và hệ thống nước sạch, cung cấp hỗ trợ trong giáo dục, y tế và tôn giáo. Họ đã giúp xây dựng những ngôi nhà, trường học, phòng khám, đền chùa cho người dân ở các vùng dự án. Đến tháng 8/2018 , VRIG đã đầu tư vào hơn 3.000 ngôi nhà cho công nhân, đầu tư phát triển hệ thống điện sản xuất và sinh hoạt hơn 1,3 triệu USD, xây dựng 295 giếng đào, 20 trạm y tế, 14 trường học, 17 sân bóng chuyền, 11 sân bóng đá, hơn 3.500 km đường, cầu và cống tại các khu vực trồng cao su.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội ở Campuchia, theo Văn phòng Kinh tế, Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia. Trong tương lai gần, hợp tác kinh tế sẽ tiếp tục là một trong những động lực quan trọng nhất thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước.

Hướng về tương lai

Tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia đã được tôi luyện qua những năm đấu tranh giành độc lập, tự do, đánh đổ tập đoàn diệt chủng Pol Pot và ngăn chặn chế độ diệt chủng quay trở lại. Đây là cơ sở, nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục phát huy trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai.

viet nam campuchia gan nua the ky di qua thuong dau cung ke vai sat canh phat trien toan dien

Thủ tướng Hun Sen bày tỏ vui mừng và xúc động được cùng Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Campuchia trở lại thăm Việt Nam vào tháng 6/2017. (Ảnh: Nhân dân)

Nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia luôn sát cánh cùng nhau hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, chân thành hỗ trợ nhau cùng phát triển. Campuchia hòa bình, phát triển thịnh vượng trong khu vực Đông Nam Á ổn định và phát triển cũng chính là lợi ích của Việt Nam.

Nhằm giữ gìn và vun đắp mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, hai bên cần làm hết sức mình, chân thành giúp đỡ lẫn nhau, vượt qua thử thách khó khăn để cho mối quan hệ này ngày càng tốt đẹp, vì lợi ích tối cao của nhân dân mỗi nước.

Lãnh đạo và nhân dân hai nước đã khẳng định quyết tâm cùng nhau vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị cao đẹp, hợp tác song phương phát triển toàn diện, bền vững lâu dài.

Với tinh thần như vậy, quan hệ Việt Nam – Campuchia chắc chắn sẽ được nâng lên tầm cao mới, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước và đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

viet nam campuchia gan nua the ky di qua thuong dau cung ke vai sat canh phat trien toan dien Cuộc trốn chạy khỏi diệt chủng Pol Pot của người Campuchia hơn 40 năm trước

Hàng chục nghìn người dân Campuchia sợ hãi dưới chế độ diệt chủng Pol Pot phải dắt díu nhau chạy sang Việt Nam tị nạn.

viet nam campuchia gan nua the ky di qua thuong dau cung ke vai sat canh phat trien toan dien Cuộc chiến hồi sinh cho dân tộc Khmer

Các lãnh đạo Campuchia khẳng định, quân đội nhân dân Việt Nam đã giải phóng đất nước họ khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.

viet nam campuchia gan nua the ky di qua thuong dau cung ke vai sat canh phat trien toan dien Vũ kịch mặt nạ Campuchia phục hồi từ diệt chủng

Truyền thống múa mặt nạ hàng thế kỷ của Campuchia gần như bị xóa sổ bởi chế độ Khmer Đỏ nhưng một số nghệ sĩ ...

viet nam campuchia gan nua the ky di qua thuong dau cung ke vai sat canh phat trien toan dien Học giả Campuchia: "Không có Việt Nam, chúng tôi đã chết hết vì Khmer Đỏ"

Học giả hàng đầu Campuchia Sok Touch đã chứng kiến nhiều tội ác của Khmer Đỏ trước khi quân tình nguyện Việt Nam xuất hiện.

Ngày đăng: 08:57 | 07/01/2019

/