Viện KSND Cấp cao tại TPHCM vừa có Quyết định (số 20/QĐ-VC3-V1), kháng nghị phúc thẩm Bản án hình sự sơ thẩm số 306/2017/HSST, ngày 25.8 của TAND TPHCM. Kháng nghị cho rằng, nội dung bản án sơ thẩm chưa đầy đủ, toàn diện, chưa phản ánh đúng bản chất vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội và người phạm tội… Kháng nghị cũng cho rằng bản án đã gây dư luận bất bình trong nhân dân.
Bóc tiếp những mảng tối trong vụ VN Pharma |
Chính thức công bố quyết định thanh tra cấp phép 7 loại thuốc cho VN Pharma |
Nguyên Tổng Giám đốc Cty CP VN Pharma bị phạt 12 năm tù về tội buôn lậu. Ảnh: A.C |
Có dấu hiệu tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”
Theo kháng nghị, trong vụ VN Pharma, để nhập khẩu thuốc về Việt Nam, các bị cáo đã làm và sử dụng một loạt con dấu, giấy tờ giả (Giấy chứng nhận bán hàng tự do - FSC - Giấy chứng nhận thực hành sản xuất thuốc tốt - GMP - của Bộ Y tế Canada, được hợp pháp hóa Lãnh sự của Đại sứ quán VN tại Canada). Ngoài ra, khi tiến hành điều tra vụ án, Cơ quan điều tra cũng có công văn gửi Bộ Ngoại giao đề nghị xác minh Cty Helix Pharmaceuticals Inc, địa chỉ 392 Wilson Ave, Toronto, Ontario, Canada (đây là Cty được khai là nhà sản xuất thuốc). Bộ Ngoại giao có công văn trả lời là Cty này không có thật. Bộ Công Thương cũng xác định mã số, mã vạch in trên võ hộp thuốc H-Capita 500mg không được đăng ký bởi quốc gia nào.
Ngoài hồ sơ, con dấu giả, theo kháng nghị thì ý thức của các bị cáo từ khi thỏa thuận mua bán, làm hóa đơn hàng, thiết lập hồ sơ xin phép nhập khẩu lô thuốc, chuẩn bị bán hàng thông qua đấu thầu, chi trước tiền hoa hồng cho bác sĩ… đến khi làm thủ tục thông quan là để bán hàng nhằm thu lợi bất chính, bất chấp hậu quả xảy ra. Vì vậy, kháng nghị cho rằng, hành vi của các bị cáo phải được xem xét đánh giá toàn diện trong mối quan hệ với các chứng cứ khác, phải đảm bảo đúng bản chất vụ án, tội danh thì vụ án mới được xử đúng pháp luật.
Đặc biệt, theo kháng nghị, trong vụ án này, Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường cùng bàn bạc từ xây dựng hồ sơ đến nhập khẩu và tiêu thụ thuốc H-Capita 500mg. Để có đầy đủ thủ tục nhập khẩu, Cường cung cấp một loạt giấy tờ giả phía Canada, Hùng chỉ đạo thuộc cấp làm giả giấy tờ phía Việt Nam. Hành vi này theo kháng nghị là có dấu hiệu tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” theo Điều 267 Bộ luật Hình sự.
Trong khi tại phiên tòa, các bị cáo khai chi “bôi trơn” 7,5 tỉ đồng. Lô thuốc 9.300 hộp Capicitabine 500mg có giá trị 5,3 tỉ đồng, nhưng các bị cáo khai tại tòa là đã chi “bôi trơn” 7,5 tỉ đồng, giá trị lô hàng thấp hơn số tiền “bôi trơn”, vậy phải làm rõ những lô thuốc này là lô thuốc nào, ai đã nhận tiền bôi trơn, đây là hai khoản tiền vật chứng vụ án, khoản thu bất chính do phạm tội mà có.
Điều tra hành vi thiếu trách nhiệm của lãnh đạo Cục Quản lý dược
Về trách nhiệm của các cá nhân trong Cục Quản lý dược Bộ Y tế có liên quan trong việc thẩm định hồ sơ và cấp phép nhập khẩu lô thuốc, kháng nghị nêu: Cấp sơ thẩm chưa làm rõ trách nhiệm trong quá trình cấp phép nhập khẩu lô thuốc trên và 3 lô thuốc khác đã nhập khẩu vào Việt Nam của Cục Quản lý dược, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, cần điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của Tổ thẩm định và lãnh đạo Cục Quản lý dược để xử lý theo pháp luật.
Thêm nữa, tại Quyết định 519/QĐ-BYT ngày 17.12.2014, Bộ Y tế thành lập Hội đồng giám định (HĐGĐ) lô hàng có nhãn mác H-Capita 500mg, với thành phần HĐGĐ gồm 10 thành viên, do ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược - làm Chủ tịch Hội đồng. Ông Đông vừa ở Cục dược cấp phép lại vừa làm HĐGĐ là chưa bảo đảm tính khách quan vì Cục Quản lý dược vừa là đơn vị cấp phép nhập khẩu, nhưng lại tham gia giám định chuyên môn.
Mặt khác, dù kết luận “Lô hàng có nhãn thuốc H-Capita 500mg chứa trên 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người”, tuy nhiên dù biết các đối tượng nhập về để trị bệnh ung thư cho người, nhưng cũng chính kết luận của Bộ Y tế lại cho rằng là thuốc kém chất lượng, mà không kết luận là thuốc giả. Từ mâu thuẫn này của Bộ Y tế, kháng nghị cũng cho rằng cần phải trưng cầu giám định lại, với thành phần HĐGĐ khác để đảm bảo tính khách quan, làm chứng cứ cho việc xác định tội danh các bị cáo.
https://laodong.vn/phap-luat/vien-ksnd-cap-cao-khang-nghi-ban-an-vn-pharma-cuc-quan-ly-duoc-thieu-trach-nhiem-567258.ldo
Ngày đăng: 11:32 | 29/09/2017
/ T.X - P.B / Báo Lao động