Với những biến động trong năm 2020 từ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, căng thẳng Mỹ - Trung… cho đến vấn đề Biển Đông, châu Á sẽ vẫn là tâm điểm chú ý năm 2021.

Trong năm 2020, châu Á là tâm điểm của thế giới với việc một loạt các sự kiện xuất hiện ở châu lục này như đại dịch COVID-19 khởi phát ở Trung Quốc, Bắc Kinh tiếp tục gây hấn, gia tăng căng thẳng với loạt nước như Mỹ, Australia, Ấn Độ,… Các chuyên gia nhận định, châu Á vẫn sẽ là khu vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế trong năm 2021.

Thương chiến Mỹ - Trung tiếp diễn

Cố chiến lược gia bậc thầy George Kennan - người luôn nhấn mạnh rằng mục tiêu chiến lược quan trọng của chính quyền Mỹ phải là nâng cao “sức sống tinh thần” của người dân Mỹ, đã rất phản đối việc Mỹ đẩy mạnh tập hợp lực lượng, tìm kiếm đồng thuận từ các đồng minh, đối tác nhằm duy trì “vị thế đứng đầu” của Washington trên toàn cầu.

Viễn cảnh nào cho châu Á trong năm 2021? - 1
Các chuyên gai nhận định ông Joe Biden sẽ tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc trong thời gian tới. (Ảnh: CNN)

Tuy nhiên, kể từ khi có sự đồng thuận mạnh mẽ trong giới chính trị gia Mỹ, cũng như trong lưỡng viện ở nước này về quan điểm đối phó với Trung Quốc, nhất là dưới thời Tổng thống Donald Trump, dường như chính quyền ông Joe Biden tới đây sẽ bị “trói tay”, tiếp tục chính sách cứng rắn với Bắc Kinh. Điều này sẽ khiến cho căng thẳng thương mại Washington - Bắc Kinh sẽ chưa thể dừng lại.

Kishore Mahbubani, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu châu Á, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng mặc dù bị “trói tay”, song ông Joe Biden vẫn có thể đưa ra một chiến lược thông minh hơn Donald Trump trong cách tiếp cận chính sách đối với Trung Quốc.

Theo Kishore Mahbubani, trước khi đưa ra chiến lược Đông Á của mình, ông Biden nên cử các đặc phái viên cấp cao tới 10 quốc gia trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để lắng nghe những gì khu vực này muốn và kỳ vọng. ASEAN muốn Mỹ đóng một vai trò lớn hơn. Nhưng họ cũng không muốn bị buộc phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chuyên gia Kishore Mahbubani cho rằng, ASEAN sẽ có thể gợi mở cho ông Joe Biden áp dụng một chiến lược ngoại giao thông minh hơn, đúng đắn hơn đối với Đông Á.

Căng thẳng Australia - Trung Quốc leo thang

Yun Jiang, chuyên gia Trung tâm Chính sách Trung Quốc tại Đại học quốc gia Australia nhận định, căng thẳng leo thang và chiến tranh ngôn từ giữa Australia và Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục kéo dài vào năm 2021.

Mối quan hệ chính trị Canberra - Bắc Kinh xấu đi có thể bắt đầu ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của quan hệ song phương, trong đó có cả liên kết giữa nhân dân hai nước. Điều này có thể trở nên trầm trọng sau khi Australia thông qua luật cho phép bộ ngoại giao nước này hủy bỏ các thỏa thuận được thực hiện giữa chính quyền địa phương và nước ngoài.

Chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng ở cả Trung Quốc và Australia khi mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai nước ngày càng trượt dài. Điều này có thể sẽ kích động người dân trong mỗi quốc gia. Người Australia sẽ ít được chào đón hơn ở Trung Quốc và những người gốc Á ở Australia có thể sẽ bị phân biệt, đối xử.

Chính quyền mới của Mỹ có thể bớt đối đầu hơn trong các luận điệu chống lại Trung Quốc, song vẫn mong đợi các đồng minh của mình làm nhiều hơn để đứng lên đối phó với Bắc Kinh. Australia luôn muốn Washington tập trung hơn vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là vào những thách thức do Trung Quốc đặt ra, vì nước này lo ngại bị Mỹ bỏ rơi. Cả hai yếu tố này có thể khiến mối quan hệ song phương Canberra - Bắc Kinh trở nên khó hàn gắn trong thời gian tới.

Chuyên gia Yun Jiang cho rằng, sự quyết đoán Trung Quốc gây ra nhiều lo ngại ở nhiều quốc gia, trong đó có Australia. Bắc Kinh muốn được coi là một cường quốc và hành động như một cường quốc, song Australia vẫn muốn Trung Quốc quay trở lại thời kỳ “giấu mình chờ thời”. Một khi ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực và trên trường quốc tế ngày càng gia tăng, nước này cũng sẽ không chịu nhượng bộ trước các chỉ trích về vấn đề dân chủ, nhân quyền…

Về thương mại, Trung Quốc có thể sẽ áp đặt các biện pháp trên các lĩnh vực cụ thể đối với Australia, nhằm gây thêm áp lực lên Canberra. Một số ngành công nghiệp ở Australia có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Biển Đông vẫn sẽ là tâm điểm

Chuyên gia Collin Koh, Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (Singapore), cho rằng tình hình Biển Đông năm 2021 diễn biến khó lường, có cả hy vọng song cũng không ít thách thức. Sau khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được cải thiện với việc các nước trong khu vực bắt đầu tiêm chủng vaccine, Trung Quốc và ASEAN sẽ nối lại đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vốn bị ngưng trệ do đại dịch.

Theo ông Collin Koh, nếu như Trung Quốc và ASEAN tập trung hơn trong nỗ lực đàm phán COC, văn bản cuối cùng có thể sớm được thông qua trong năm 2021. Chưa tính đến hiệu quả cuối cùng của việc thực hiện bộ quy tắc này, việc hai bên thông qua được COC, tạo ra cơ chế, mở ra lạc quan mới trong việc quản lý các tranh chấp ở Biển Đông.

Viễn cảnh nào cho châu Á trong năm 2021? - 2
Các tàu hải quân của Australia và Mỹ diễn tập trên Biển Đông vào tháng 4/2020. (Ảnh: Reuters)

Chính sách Biển Đông tới đây của chính quyền Joe Biden sẽ được theo dõi chặt chẽ. Sự đồng thuận của lưỡng đảng ở Mỹ về thách thức an ninh lâu dài do Trung Quốc đặt ra khiến chính quyền Biden khó có khả năng rút lại một số chính sách đã được thực thi dưới thời ông Donald Trump, trong đó có hoạt động tự do hàng hải và liệt các thực thể Trung Quốc tham gia xây dựng và các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông vào danh sách đen.

Tuy nhiên, chính quyền Biden được cho là sẽ giảm nhẹ những luận điệu mà chính quyền Trump đã sử dụng để đối đầu với Bắc Kinh. Ông Biden có thể áp dụng cách tiếp cận dựa trên tham vấn và hợp tác sâu rộng hơn với các đồng minh và đối tác an ninh của Mỹ trong việc đối phó với các thách thức của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, chuyên gia Collin Koh cũng cảnh bảo về bức tranh ảm đảm hơn trong vấn đề Biển Đông năm 2021 nếu như tình hình COVID-19 vẫn hoành hành, không được kiểm soát. Điều này sẽ khiến cho việc đàm phán COC giữa Trung Quốc và ASEAN trì hoãn. Ngoài ra, các vụ “chạm trán” quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông vào đầu năm 2021 có thể kiểm tra khả năng quản lý khủng hoảng của chính quyền Biden.

Năm 2021 đảm bảo sẽ là một năm đầy rẫy sự đan xen của các yếu tố làm gia tăng thêm những bất ổn ở Biển Đông. Tất cả các bên liên quan dự kiến ​​sẽ tránh và tìm cách giảm thiểu mọi căng thẳng phát sinh trên tuyến đường thủy đang tranh chấp để tập trung vào các vấn đề nội địa chủ yếu bắt nguồn từ đại dịch COVID-19. Hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông năm 2021 cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi thực tế là nước này đang kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, chừng nào hành động của các bên còn dưới ngưỡng của một cuộc xung đột vũ trang, các động thái đáp trả giữa Trung Quốc và Mỹ như đã thấy vào năm 2020 sẽ tiếp diễn. Điều này sẽ khiến cho các hoạt động ngoại giao trung gian tại các diễn đàn mà các bên tham gia để quản lý Biển Đông, rộng hơn là các vấn đề an ninh khu vực, sẽ sôi động hơn.

Nhiều thách thức với châu Á

Câu chuyện lớn trong năm là cuộc giao tranh ở biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc, cướp đi sinh mạng của 20 binh sĩ Ấn Độ. Căng thẳng trong quan hệ song phương cũng ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư. Từ góc độ quan hệ đối ngoại, cách Ấn Độ phản ứng trước một Trung Quốc quyết đoán hơn sẽ tiếp tục là câu chuyện thống trị vào năm 2021.

Vào năm 2021, mọi người sẽ nghĩ đến việc tiêm chủng vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Việc tiêm chủng diện rộng sẽ mang lại hy vọng tốt nhất về việc trở lại bình thường sau một năm khiến các hộ gia đình, công ty và quốc gia tê liệt. Đại dịch COVID-19 đã lây lan quá nhanh, đến mức các chương trình tiêm chủng sẽ phải vật lộn để bắt kịp. Nhìn nhận một cách tổng thể, 2021 sẽ là năm chuyển tiếp, được đánh dấu bằng việc chuẩn bị cho một tương lai vẫn còn chưa chắc chắn.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng khí hậu được xem là mối nguy toàn cầu lớn hơn nhiều so với đại dịch COVID-19. Tại cuộc họp về khí hậu ở Edinburgh vào tháng 11/2021, câu hỏi một lần nữa được đặt ra là liệu các chính phủ các nước có thể đồng thuận để ngăn chặn mối đe dọa hiện hữu mà quá nhiều quốc gia đã coi nhẹ trong thời gian dài hay không. Trung Quốc dự kiến ​​sẽ cung cấp thông tin chi tiết về cam kết đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060, trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đưa ra các cam kết tương tự, mở ra thêm hy họng cho toàn cầu về bảo đảm môi trường sống.

Về mặt chính trị, năm 2021 sẽ là một năm chuẩn bị cho sự thay đổi lớn trong giới lãnh đạo tại hai quốc gia ở Đông Nam Á. Tại Philippines, ông Rodrigo Duterte sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống 6 năm của mình vào tháng 6/2022. Theo hiến pháp của Philippines, ông Rodrigo Duterte không thể tái tranh cử. Tương tự, ở Indonesia, Tổng thống Joko Widodo không đủ điều kiện cho nhiệm kỳ thứ ba khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc vào năm 2024.

Tỷ phú nước đóng chai Trung Quốc giàu nhất châu Á Tỷ phú nước đóng chai Trung Quốc giàu nhất châu Á

Zhong Shanshan vừa vượt tài phiệt Ấn Độ Mukesh Ambani và các tỷ phú công nghệ Trung Quốc để trở thành người giàu nhất châu ...

Châu Á - Thái Bình Dương thận trọng triển khai vaccine Covid-19 Châu Á - Thái Bình Dương thận trọng triển khai vaccine Covid-19

Giới chức khu vực đặt ra thời gian biểu thận trọng và ngoài nguồn cung, họ còn đối mặt với nhiều thách thức về hậu ...

"Thành trì" châu Á lại lao đao vì Covid-19

Trước khi phát hiện ca nhiễm nội địa hôm 22/12, Đài Loan đã trải qua 253 ngày "sạch bóng" Covid-19, một thành tích từng khó ...

Ngày đăng: 17:35 | 31/12/2020

/ vtc.vn