Sáng 28-4, hội thảo khoa học "Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918-2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển" do Đài Tiếng nói Việt Nam; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương; Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Hội Sân khấu TP HCM tổ chức đã diễn ra tại TP HCM.
Ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương - đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Từ trái sang: Nghệ sĩ Dương Thanh, NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Thanh Ngân trong vở "Nửa đời hương phấn" của soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng
Theo ông Thưởng, thị phần dành cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc đang có nguy cơ thu hẹp dần trong một cuộc cạnh tranh không cân sức. Đó là một thực trạng, thách thức có thật mà chúng ta đang phải đối mặt. Đã có những cảnh báo về một sự xâm lăng, xâm thực văn hóa. "Làm thế nào để trong hoàn cảnh đó, nghệ thuật cải lương vẫn tìm được hướng đi, tháo gỡ khó khăn để tồn tại và phát triển" - ông Thưởng đặt vấn đề.
Có 16 trong tổng số 41 tham luận của các nhà nghiên cứu, đạo diễn, tác giả, nghệ sĩ, nhà báo được trình bày. Các ý kiến tập trung mổ xẻ những yếu kém của cải lương hiện nay và xác định khôi phục giá trị chuẩn mực cũng như chú trọng đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi để cứu nghệ thuật cải lương.
"Sân khấu quá khứ để lại sự chuẩn mực từ kịch bản, dàn dựng, thiết kế mỹ thuật, phong cách diễn xuất. Hình thức cải lương trước năm 1975 rất đa dạng, mỗi thương hiệu, đại bang khác nhau. Sau này, sự chuẩn mực bị xem nhẹ, dàn nhạc bị tinh gọn, chưa kể dùng đĩa thu sẵn, làm mất đi tính nghệ thuật độc đáo của nó. Hiệu quả đào tạo với giáo trình quá cũ như hiện nay không cao. Không có ngôi sao xuất hiện từ các trường đào tạo chuyên nghiệp. Vậy nên, phải xem lại vai trò đào tạo" - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM kiêm Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, trăn trở.
Theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cần nhanh chóng khôi phục những giá trị chuẩn mực của sân khấu cải lương và những khâu quan trọng: lý luận phê bình, lý luận khoa học, công trình nghiên cứu mang tầm vĩ mô để có đánh giá chung, kiến nghị những chính sách cấp thiết cho bộ môn này.
Phát triển nguồn nhân lực, đồng thời quan tâm đến việc tạo ra khán giả cho cải lương cũng được các đại biểu đề xuất. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, đề nghị cần sửa đổi Luật Di sản, quy định nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống, trong đó có cải lương, là nghệ thuật phi vật thể cần bảo vệ khấn cấp, để có chính sách đầu tư phát triển. Thường xuyên tổ chức chương trình sân khấu học đường, đưa cải lương vào trường học.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết ông đã yêu cầu TP HCM sớm khôi phục lại hoạt động của Viện Nghiên cứu nghệ thuật cải lương. Đây là cơ quan lưu trữ tư liệu mang giá trị tinh hoa của nghệ thuật cải lương, tổ chức nghiên cứu, tư vấn hữu ích cho chiến lược phát triển của sân khấu cải lương thông qua những chính sách, chủ trương, đường lối kịp thời của các cấp có thẩm quyền.
Cải lương qua 1 thế kỷ: Thời hoàng kim và thế hệ vàng
Cải lương có lẽ phát triển rực rỡ nhất vào khoảng giữa thập niên 1950 đến giữa thập niên 1970. Giai đoạn này xuất hiện ... |
Cuộc đời Đệ nhất minh tinh Sài Thành bị sát hại ở thập niên 70
Sở hữu nhan sắc hơn người cùng tài năng ca hát, nghệ sĩ cải lương Thanh Nga từng được gọi là “Đệ nhất minh tinh ... |
Biết làm mới, cải lương sân bãi hồi sinh
Vui và lo là trạng thái của nhiều người trong giới làm nghề bởi yếu tố hồi sinh chưa căn cơ |
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
Ngày đăng: 06:18 | 29/04/2018
/ http://nld.com.vn