Ưu thế vượt trội về trang bị vũ khí là một trong những yếu tố quyết định giúp Quân đội Nhân dân Việt Nam phản công "thần tốc" đánh bại hoàn toàn 20 sư đoàn quân chính quy Khmer Đỏ chỉ trong nửa tháng.
Sau một thời gian kìm chân, tiêu hao sinh lực địch quân Khmer Đỏ ở khu vực biên giới, ngày 23/12/1978, QĐND Việt Nam tung lực lượng lớn gồm nhiều sư đoàn tiến hành phản công trên toàn bộ mặt trận biên giới Tây Nam.
Chỉ trong vòng nửa tháng, quân ta đã giải phóng thủ đô Phnom Pênh và nhiều TP lớn khác ở Campuchia. Đồng thời, chúng ta cũng đánh tan hàng vạn quân Khmer Đỏ, giải thoát cho hàng triệu người Campuchia trước sự tàn bạo của Pol Pot.
Việc có thể đánh bại 20 sư đoàn chính quy của Khmer Đỏ chỉ trong một thời gian ngắn như vậy đã khiến thế giới đặt ra nhiều câu hỏi tại sao chúng ta - QĐND Việt Nam có thể làm nên chiến thắng "thần tốc, kỳ diệu" tới vậy.
Bộ đội Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Ảnh: QPVN.
Sức mạnh vượt trội
Điều dễ thấy nhất đó là sự chênh lệch về sức mạnh quân sự giữa hai bên. Cuộc phản công ở biên giới Tây Nam là một chiến dịch quân sự được coi là có quy mô cao nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vượt hơn cả các chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức năm cánh quân tấn công vào Sài Gòn - Gia Định. Mỗi cánh quân có quy mô một quân đoàn với tổng số vũ khí trang bị cho chiến dịch này là 265 xe tăng, 127 xe thiết giáp, 241 pháo kéo cùng hơn 400 khẩu pháo cao xạ. Tuy nhiên trong chiến dịch phản quân ở biên giới Tây Nam, Việt Nam đã tung ra tổng cộng 3 quân đoàn và 3 quân khu.
3 quân đoàn bao gồm quân đoàn 2, 3, 4 và ba quân khu 5, 7 và 9. Mỗi quân khu, quân đoàn này có lực lượng gồm từ 2 đến 3 sư đoàn bộ binh và nhiều trung đoàn, lữ đoàn binh chủng khác.
Các vũ khí hạng nặng nhiều hơn hẳn chiến dịch Hồ Chí Minh, cụ thể, phía ta sử dụng tới 600 xe tăng và xe bọc thép, hơn 400 pháo cỡ lớn, 139 máy bay, 10.000 ô-tô và hàng trăm tàu thuyền các loại.
Sự khác biệt về vũ khí trang bị giữa hai chiến dịch không những dừng ở lượng mà còn khác hẳn về chất. Trong chiến dịch phản công biên giới Tây Nam, ta có không quân và hải quân hiệp đồng với lược lượng trên bộ.
Bộ đội quân tình nguyện Việt Nam bắt giữ tù binh trên chiến trường K. Ảnh: QĐND.
Ở chiều hướng đối diện, quân Khmer Đỏ ước tính có quân số tương đương 23 sư đoàn, trong đó ngoài các sư đoàn bộ binh, còn có 1 sư đoàn thuỷ quân lục chiến, 1 sư đoàn hải quân và 1 sư đoàn không quân. Các sư đoàn bộ binh của Khmer Đỏ cũng được trang bị tốt với pháo và một lượng nhỏ xe tăng, thiết giáp. Tuy nhiên về không quân thì dù được Trung Quốc cung cấp 6 chiếc tiêm kích J-6 nhưng thực tế Khmer Đỏ không thể sử dụng.
Tuy số lượng sư đoàn là hơn 20 nhưng theo một số nguồn tin thì quân số của các sư đoàn Khmer Đỏ lại không được đầy đủ như trên lý thuyết mà biên chế của một sư đoàn Khmer Đỏ chỉ bằng 1/2 biên chế của một sư đoàn Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam không chỉ có ưu thế khi so sánh từng cấp đơn vị tương đương mà còn có ưu thế về hiệp đồng binh chủng mà phía đối phương không có.
Ví dụ như trên các hướng chiến dịch, Việt Nam có xe tăng đột kích, có pháo các cỡ cấp quân đoàn, sư đoàn yểm trợ, có yểm trợ hoả lực đường không với máy bay cường kích hoặc trực thăng vũ trang. Khi gặp vật cản địa hình tự nhiên, chúng ta cũng có lực lượng công binh với trang thiết bị hiện đại, trường hợp gặp sông lớn như sông Mê Kông thì đã có hải quân hỗ trợ chiếm đầu cầu.
Tính từ ngày 22/12/1978 tới 17/1/1979, Không quân Nhân dân Việt Nam đã hoạt động tổng cộng 54 đợt, đánh 99 trận, thực hiện 627 lần xuất kích trong đó có 352 lần trực tiếp xuất kích tham chiến. Không quân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát vùng trời Campuchia cho toàn cuộc chiến.
Bậc thầy của chiến tranh du kích
Khmer Đỏ thực tế cũng có chiến lược chiến đấu khá đặc biệt, đối mặt với quân đội Việt Nam được trang bị mạnh, có kinh nghiệm chiến đấu qua nhiều năm kháng chiến chống Mỹ, chúng sử dụng chiến thuật du kích để đối phó với ta, tránh đối đầu trực diện.
Phương châm tác chiến của Khmer Đỏ tóm gọn là "Địch tiến, ta lùi; địch dừng, ta quấy; địch mệt, ta đánh; địch rút, ta truy" (địch ở đây ám chỉ quân Việt Nam).
Trong suốt thời kỳ đầu gây hấn xung đột, quân Khmer Đỏ tung lực lượng áp sát các vị trí phòng thủ của Việt Nam trên tuyến biên giới, dùng các thủ đoạn bắn tỉa, gài mìn, pháo kích gây tiêu hao lực lượng ta. Tuy nhiên ngay khi bị ta phản công, Khmer Đỏ thường tháo chạy để bảo toàn lực lượng, tuy nhiên lại quay lại rất sớm để gây rối.
Tuy nhiên quân đội Việt Nam đã vận dụng chiến thuật du kích đến cao độ trong thời chống Mỹ và đã có những cách thích nghi cũng như khắc chế lối chiến đấu này của quân Khmer Đỏ.
Cụ thể, khi tiến công căn cứ nhất là những căn cứ nằm sâu trong hậu phương địch, có công sự sơ sài và vật cản giản đơn thì cần tạo yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng đột kích chính diện với quân số vừa phải nhưng tăng lực lượng vu hồi, tấn công bên sườn và sau lực. Cần thiết thì có thể tạo thế bao vây nhiều lớp, không cho đối phương rút lui. Trong phòng ngự cũng phải thể hiện tư tưởng tiến công, sẵn sàng cơ động thoát ra ngoài trận địa, đánh hai bên sườn và phía sau đội hình địch.
Trực thăng UH-1 trang bị rocket và súng máy hạng nặng được sử dụng trong cuộc chiến chống Polpot. Ảnh: Meseum.
Đặc biệt, yếu tố tiên quyết để chiến thắng toàn diện lực lượng Khmer Đỏ đó là phải bao vây, không cho đối phương rút lui tản mát để quay lại tiếp tục thực hiện lối đánh du kích.
Đoán đúng và đập tan mưu đồ của đối phương
Khmer Đỏ cũng mắc phải sai lầm lớn khi cho rằng Việt Nam không đủ sức và đặc biệt là không dám thực hiện tấn công toàn diện với sức mạnh tổng lực.
Giới lãnh đạo chóp bu Pol Pot cho rằng Việt Nam nếu có đánh tổng lực, cũng chỉ đánh tới bờ Đông sông Mê Kông để tạo vùng đệm với biên giới nước ta và lập căn cứ cho Mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia thì lực lượng Việt Nam sẽ bị sa lầy.
Hiểu rõ được ý đồ này của địch, quân đội ta đã quyết tâm đánh lớn, đánh một trận tổng lực nhằm dành chiến thắng áp đảo trên mọi mặt trận, quét sạch tàn quân Campuchia ra khỏi quốc gia này.
Như vậy, có thể thấy bằng những chiến lược, chiến thuật hợp lý, sức mạnh tinh thần cao và trang thiết bị vượt trội kết hợp với lối đánh sáng tạo, khắc chế đối phương. Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đè bẹp Pol Pot chỉ sau một thời gian ngắn dù cả ta với địch về lý thuyết là đều có quân số khá tương đồng.
Cậu bé sống sót từ nhà tù diệt chủng Khmer Đỏ: 'Người sinh ra tôi lần thứ hai là bộ đội Việt Nam' Norng Chan Phal là 1 trong 4 đứa trẻ được quân tình nguyện Việt Nam cứu khỏi nhà tù diệt chủng khi cùng binh lính ... |
Giáo sư người Australia cho biết, dù muộn màng, nhưng sau hàng chục năm thế giới đã có cái nhìn đúng đắn về những hy ... |
Ngày đăng: 21:44 | 12/06/2019
/ http://danviet.vn