Theo văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 của UBND TP HCM, từ 0h ngày 9/7, các dịch vụ không thiết yếu, xe ôm công nghệ và xe ôm truyền thống, bán đồ ăn uống mang về, các đại lý vé số và bán vé số dạo... phải tạm dừng hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc "đóng cửa" hàng quán ăn uống.

Cụ thể, UBND TP yêu cầu thực hiện cách ly xã hội toàn TP theo chỉ thị số 16 trong vòng 15 ngày, kể từ 0h ngày 9/7, theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, xã phường thị trấn cách ly với xã phường thị trấn, quận huyện cách ly với quận huyện.

Bên cạnh đó, UBND TP yêu cầu tạm dừng hoạt động bán vé số của đại lý vé số và bán vé số dạo trên địa bàn TP, tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 9-7.

TP tiếp tục tạm dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

Đối với chợ đầu mối, chợ truyền thống, nếu không đảm bảo các tiêu chí an toàn phòng, chống dịch thì tạm thời đóng cửa và thực hiện các biện pháp khắc phục.

Các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu…); ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.

Theo Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức, trong Chỉ thị 10 đã cấm cửa hàng phục vụ việc ăn uống tại chỗ, giờ thành phố cấm thêm mang về để bảo đảm an toàn phòng dịch. Theo chỉ thị mới, cửa hàng dịch vụ ăn uống sẽ phải tạm ngưng bán mang về.

"Không có quyết định nào toàn vẹn, khi ra quyết định thành phố đã rất cân nhắc. Nếu cho bán hàng mang đi, nhiều shipper xếp hàng đợi trong không gian hẹp khó đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16 khi yêu cầu tập trung không quá 2 người", ông Đức nói và lấy ví dụ điểm bán bánh mì dù nhỏ cũng thường có sẵn hai người, thêm lực lượng shipper nữa không đảm bảo giãn cách.

Ông Đức giải thích rõ rằng cần hiểu ở 2 vế là ở những đơn vị cung cấp dịch vụ thiết yếu như siêu thị nếu bán đồ ăn mang về thì shipper có thể vận chuyển đồ ăn đó. Còn với các hàng quán thì không được phép. Điều này có nghĩa là các cửa hàng đồ ăn cũng sẽ phải đóng cửa.

Với những người có nhu cầu mua đồ ăn, ông Đức cho biết bản thân ông và gia đình cũng rất cần nhưng cần phải đặt mục tiêu phòng dịch của thành phố lên trên hết. Ông Đức khuyến khích mọi người tự nấu ăn ở nhà hoặc mua đồ ăn sẵn như mì tôm, phở gói…

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ một bộ phận người dân gặp khó khăn từ việc tạm dừng các dịch vụ ăn uống mang về trong 15 ngày thành phố giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, UBND thành phố yêu cầu tăng lượng hàng thực phẩm chế biến sẵn ở các siêu thị; tổ chức tình nguyện viên đi chợ thay... trong thời gian dừng dịch vụ ăn uống mang đi.

Cụ thể, UBND thành phố giao Sở Công thương yêu cầu các hệ thống phân phối (Saigon Co.op, Satra, MM.Mega Market, Bách Hoa Xanh, VinMart, Family Mart, AEON, Vissan...) tăng lượng hàng thực phẩm chế biến sẵn với chủng loại đa dạng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp hệ thống giao hàng online; các hình thức phân phối trực tiếp đến tay người dân.

UBND các địa phương nắm bắt khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian giãn cách xã hội. Từ đó địa phương có giải pháp hướng dẫn người dân mua thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đặt hàng qua ứng dụng công nghệ.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần hỗ trợ để cung cấp thực phẩm cho người dân như: tổ chức lực lượng tình nguyện viên "đi chợ thay"; trực tiếp đặt hàng qua điện thoại của tình nguyện viên và giao trực tiếp người có nhu cầu; cung cấp thức ăn miễn phí cho người già neo đơn, người bệnh và trường hợp cần hỗ trợ.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (đại biểu Quốc hội, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), cho rằng việc TP.HCM cấm nhà hàng bán thức ăn mang về cũng giống với giai đoạn áp dụng giãn cách xã hội hơn một năm trước - khi dịch COVID-19 mới bùng phát ở Việt Nam.

“Nếu bây giờ TP.HCM cho mở nhà hàng, kể cả bán mang về, thì người dân vẫn ra đường mua mang về, không khác gì nhiều so với tuần trước”, ông Hiếu nhận định. Theo ông, với quy định hiện nay, người dân thành phố vẫn có thể mua hàng ở những siêu thị hay địa điểm Nhà nước quy định với các giải pháp phòng, chống dịch tối đa.

Vị đại biểu này nhấn mạnh chúng ta nên thực hiện nghiêm giống như trước đây và làm thật quyết liệt, nếu không quyết liệt thì TP.HCM lại rơi vào tình trạng như hơn một tháng qua.

PV (th)

TP.HCM tạm dừng bán vé số và dịch vụ ăn uống mang về từ 0h ngày 9/7 TP.HCM tạm dừng bán vé số và dịch vụ ăn uống mang về từ 0h ngày 9/7
Đình chỉ hoạt động 3 tháng dịch vụ ăn uống làm 136 người ngộ độc thực phẩm Đình chỉ hoạt động 3 tháng dịch vụ ăn uống làm 136 người ngộ độc thực phẩm
Đà Lạt bây giờ lắm tiếng thở than: Nỗi kinh hoàng của du khách Đà Lạt bây giờ lắm tiếng thở than: Nỗi kinh hoàng của du khách

Ngày đăng: 09:37 | 10/07/2021

/ Nghề nghiệp và cuộc sống