Lãnh đạo Sacombank cho rằng đây chỉ là một trong những bước chuyển đổi nhằm phù hợp với chiến lược mới của ngân hàng.
Ngày 10/10, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB ) gây bất ngờ cho thị trường chứng khoán khi công bố lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc đổi mã chứng khoán và chuyển sàn giao dịch. Theo đó, nhà băng này dự kiến đổi mã chứng khoán từ STB thành SCM và hủy niêm yết trên sàn HoSE để chuyển sang sàn HNX.
Theo đó, Sacombank dự kiến các bước thực hiện là hủy đăng ký cổ phiếu STB tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), hủy đăng ký niêm yết cổ phiếu STB tại HOSE. Sau đó ngân hàng sẽ đăng ký lại chứng khoán SCM tại VSD và cuối cùng là niêm yết SCM trên HNX.
Sacombank gây bất ngờ khi xin ý kiến cổ đông đổi mã chứng khoán và chuyển sàn giao dịch. Ảnh: PV. |
Điều này đã gây chú ý cho thị trường. Bởi theo Tiến sĩ Bùi Quang Tín - Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, trước giờ chưa từng có tiền lệ đổi mã chứng khoán nếu không hình thành pháp nhân mới.
Theo quy định, việc huỷ bỏ đăng ký đối với chứng khoán tại VSD được áp dụng trong các trường hợp sau. Thứ nhất, chứng khoán đăng ký hết hiệu lực lưu hành. Thứ hai là chứng khoán của các công ty đại chúng đã đăng ký tại VSD nhưng không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng và có yêu cầu huỷ đăng ký. Cuối cùng là tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng tự nguyện huỷ đăng ký chứng khoán.
Với những trường hợp trên, Tiến sĩ Bùi Quang Tín cho rằng không biết Sacombank sẽ thực hiện theo cách thức nào.
Trao đổi với VnExpress sáng nay, một lãnh đạo của Sacombank cũng thừa nhận, việc này chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán. Do đó, để thực hiện được, chắc chắn sẽ có những khó khăn, vướng mắc.
Lý giải về nguyên nhân đổi mã chứng khoán và chuyển sàn, vị này cho rằng, trong chiến lược đổi mới nhận dạng thương hiệu thì đây cũng là một trong những bước triển khai để phù hợp với chiến lược hoạt động mới của Hội đồng quản trị, song song với việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
Đánh giá về tác động của việc nếu chuyển mã, đổi sàn thành công, ông Bùi Quang Tín cho rằng sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu STB. Đầu tiên là cổ phiếu này sẽ không còn đủ điều kiện nằm trong danh mục của quỹ FTSE ETF do quỹ này chỉ lựa chọn cổ phiếu đang niêm yết trên HOSE.
Cùng với đó, khả năng cổ phiếu Sacombank cũng không nằm trong VN30 và không thể có mặt trong danh mục của các quỹ đầu tư chỉ số dựa trên VN30. Khi đó, cổ phiếu của Sacombank sẽ đối mặt với việc bị các quỹ bán ra nếu chuyển sang sàn HNX.
Sáng nay, giá cổ phiếu của STB đã giảm 400 đồng, xuống còn 12.050 đồng. "Tuy nhiên, áp lực giảm giá cổ phiếu STB có thể lại là điều kiện thuận lợi cho một số lãnh đạo của ngân hàng muốn mua cổ phiếu vào để tăng quyền lực tại nhà băng này", ông Tín bình luận.
Mới đây, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đã mua 18 triệu cổ phiếu STB, nâng số lượng nắm giữ thời điểm hiện tại lên gần 59,4 triệu cổ phiếu, tương đương 3,15% vốn điều lệ ngân hàng.
Sacombank muốn đổi mã chứng khoán từ STB thành SCM
Cổ phiếu của Sacombank sẽ chấm dứt 11 năm liên tục niêm yết trên HOSE. |
MB và Sacombank được sửa đổi, bổ sung Giấy phép hoạt động
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung Giấy phép của Ngân hàng TMCP Quân Đội. |
Ông Dương Công Minh mua thành công 18 triệu cổ phiếu Sacombank
Cộng thêm số cổ phiếu này, ông Minh đang nắm giữ gần 59,4 triệu cổ phiếu STB, tương đương 3,15% vốn điều lệ ngân hàng. |
Sacombank hợp tác VAMC xử lý nợ xấu
Hai bên sẽ cùng xây dựng lộ trình và triển khai xử lý, thu hồi nợ từ 15.000-20.000 tỷ đồng trong năm 2017. |
(https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/ngan-hang/vi-sao-sacombank-doi-ma-chung-khoan-va-chuyen-san-3654041.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=ho-Kinhdoanh&vn_campaign=vn)
Ngày đăng: 16:53 | 11/10/2017
/ Theo Thanh Lê/VnExpress.net