Nhiều giáo viên cho rằng, phổ điểm môn Tiếng Anh cho thấy sự chênh lệch rõ nét giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng như giữa thí sinh sử dụng Tiếng Anh để xét tuyển đại học và sử dụng Tiếng Anh chỉ để xét tốt nghiệp THPT...

Ngày 17/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố điểm thi tốt nghiệp và phổ điểm các môn thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Theo đánh giá của các chuyên gia, điều đáng mừng là phổ điểm thi năm nay đã thấy được độ chụm, phản ánh học vấn cấp phổ thông đã được coi trọng và không có độ lệch lớn. Ngoại trừ môn Tiếng Anh có điểm trung bình là 5,51 điểm thì tất cả các môn còn lại đều đạt trên 6 điểm, thậm chí điểm trung bình môn Ngữ văn đạt 7,23 điểm. Với kết quả này, Tiếng Anh tiếp tục là môn thi ở vị trí cuối bảng.

Vì sao phổ điểm môn Tiếng Anh vẫn nằm cuối bảng? -0
Thí sinh thảo luận về bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp 2024. (Ảnh minh họa)

Theo kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT, môn Toán có điểm trung bình là 6,45 điểm, tăng 0,2 điểm so với năm 2023. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,6 điểm và không có thí sinh được điểm 10. Môn Ngữ văn, điểm trung bình là 7,23 điểm, điểm trung vị là 7,5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 8 điểm, tăng 1 điểm số với năm 2023 và có 2 thí sinh đạt điểm 10. Điểm trung bình môn Vật lý là 6,67 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 8 điểm; cả nước có 55 điểm 10. Điểm trung bình môn Hóa học là 6,68 điểm; điểm trung vị là 6,75 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,75, tăng 0,25 điểm so với 2023 và số điểm 10 tăng mạnh với 1.278 thí sinh. Điểm trung bình môn Sinh học là 6,28 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 6,5 điểm và có 34 thí sinh đạt 10 điểm. Điểm trung bình môn Lịch sử là 6,57 điểm, điểm trung vị là 6,5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 6,75 điểm; có 2.108 thí sinh đạt điểm 10, tăng mạnh so với năm 2023. Điểm trung bình môn Địa lý là 7,19 điểm, điểm trung vị là 7,25 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,25 điểm; có 3.175 thí sinh đạt điểm 10. Điểm trung bình môn Giáo dục công dân là 8,16 điểm, điểm trung vị là 8,25 điểm; có 3.661 điểm 10 ở môn thi này. Điểm trung bình môn Tiếng Anh 5,51 điểm, điểm trung vị là 5,2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4,6 điểm và có 565 thí sinh được điểm 10.

Nếu so với năm 2023, điểm trung bình môn Tiếng Anh năm nay có sự cải thiện đáng kể khi tăng 0,6 điểm, song nếu so với mặt bằng chung thì môn thi này vẫn tiếp tục nằm ở vị trí “bét bảng”. Các địa phương có điểm thi Tiếng Anh cao vẫn chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Phòng. Những địa phương có điểm thi môn Tiếng Anh thấp nhất là Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Bắc Kạn, Cao Bằng, Đắk Nông…

Nhiều giáo viên cho rằng, phổ điểm môn Tiếng Anh cho thấy sự chênh lệch rõ nét giữa các vùng miền, giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa cũng như giữa thí sinh sử dụng Tiếng Anh để xét tuyển đại học và sử dụng Tiếng Anh chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Theo cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên môn Tiếng Anh tại Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An), trong số các môn thi tốt nghiệp THPT thì Tiếng Anh là môn học đặc thù, việc dạy và học Tiếng Anh đang hướng theo phát triển và đánh giá năng lực, tăng cường kỹ năng nói - viết, khuyến khích giao tiếp trong khi đó, việc thi hiện nay mới giới hạn ở mức kiểm tra từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế xã hội tại nhiều khu vực của đất nước còn hạn chế; nhận thức của phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của Tiếng Anh cũng như điều kiện kinh tế của các gia đình, các địa phương cũng chưa đồng đều. Ngoài ra, nhiều học sinh ở nông thôn, vùng điều kiện kinh tế còn khó khăn chưa được tiếp cận Tiếng Anh từ sớm mà chỉ bắt đầu học bài bản khi lên cấp 2, thậm chí cấp 3 nên chất lượng môn học này còn hạn chế.

Chia sẻ thêm với PV Báo CAND về phổ điểm môn Tiếng Anh, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, phổ điểm môn Tiếng Anh năm nay phản ánh đúng thực trạng học Tiếng Anh ở Việt Nam.

Để cải thiện chất lượng môn Tiếng Anh, theo ông Khuyến cần sự nỗ lực từ nhiều phía, trước hết là thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, nâng cao thu nhập cũng như mặt bằng trình độ để người dân có đủ điều kiện quan tâm, đầu tư cho việc học ngoại ngữ nói chung, Tiếng Anh nói riêng; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong nhà trường; thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau bậc THCS.

Điểm chuẩn một số tổ hợp xét tuyển sẽ tăng

Ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), điểm trung bình năm nay là 20,9 (năm 2023 là 20,77), điểm trung vị là 21,3 (năm 2023 là 21,15). Tổ hợp A01 (Toán, Ngoại ngữ, Vật lý), điểm trung bình là 20,47 (năm 2023 là 20,27), điểm trung vị là 20,75 (năm 2023 là 20,45). Tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh) điểm trung bình là 20,53 (năm 2023 là 20,06), điểm trung vị là 20,75 (năm 2023 là 20,85). Tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa), điểm trung bình là 20,95 (năm 2023 là 18,97), điểm trung vị là 21,25 (năm 2023 là 19). Tổ hợp D01 (Toán, Ngoại ngữ, Văn), điểm trung bình là 19,49 (năm 2023 là 18,89), điểm trung vị là 19,6 (năm 2023 là 19,05).

Đáng chú ý, mặc dù năm nay cả nước có 10.878 bài thi đạt điểm 10, trong đó các môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý và Hóa học dẫn đầu về số lượng điểm 10 nhưng ở tất cả các khối thi không có thí sinh nào đạt 30 điểm. Thủ khoa Khối A và Khối A1 năm nay đều đạt 29,6 điểm; thủ khoa khối B đạt 29,55 điểm; thủ khoa khối C đạt 29,75 điểm và thủ khoa khối D đạt 28,75 điểm, trong khi đó năm 2023, thủ khoa khối A1 và Khối B đều đạt 30 điểm.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, phổ điểm các môn như Toán, Vật lý, đặc biệt là môn Hoá học và Địa lý số điểm 10 nhiều hơn so với những năm trước. Do đó, dự báo các tổ hợp A00, A01, B00, C00, D01 điểm chuẩn sẽ tăng.

 

https://cand.com.vn/giao-duc/vi-sao-pho-diem-mon-tieng-anh-van-nam-cuoi-bang--i737731/

Ngày đăng: 11:25 | 18/07/2024

Huyền Thanh / cand.com.vn