Tình trạng bất ổn đang diễn ra tại Pháp xuất phát từ nguyên nhân sâu xa, đòi hỏi chính quyền Pháp phải giải quyết trong thời gian dài.
Những ngày qua, nước Pháp trở nên bất ổn, biểu tình bạo lực nổ ra khắp nơi. Trường học, tòa thị chính, bưu điện… bị đốt cháy, trong khi cướp bóc diễn ra tại các siêu thị và các cửa hàng. Điều này khiến công chúng phẫn nộ và kêu gọi Chính phủ Pháp nhanh chóng áp đặt lệnh giới nghiêm.
Làn sóng bất ổn xã hội lan rộng tại Pháp dấy lên câu hỏi liệu đâu mới là nguyên nhân sâu xa của bạo loạn ở quốc gia này?
Nguyên nhân do đâu?
Tình trạng hỗn loạn ở nước Pháp xuất phát từ sự kiện xảy ra sáng 27/6. Theo đó, một sĩ quan cảnh sát đã bắn chết thiếu niên 17 tuổi tên Nahel Merzouk khi người này đang trong xe hơi ở Nanterre, ngoại ô thủ đô Paris. Công tố viên ở Nanterre cho biết cảnh sát chặn Nahel Merzouk lại vì trông Nahel Merzouk còn quá trẻ và đang lái một chiếc Mercedes có biển số Ba Lan trên làn đường dành cho xe buýt. Khi cảnh sát ngăn Nahel lại, anh ta đã lái xe vượt đèn đỏ để bỏ chạy.
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát Pháp. (Ảnh: Reuters)
Sau đó, do kẹt xe, xe của Nahel Merzouk không thể di chuyển được nữa và các cảnh sát đã tiếp cận chiếc xe của anh. Các công tố viên cho biết Nahel chết sau một phát đạn xuyên qua cánh tay trái và ngực.
Phản ứng sau hành động của cảnh sát Pháp, nhiều người bày tỏ bức xúc. Sau khi tin tức về vụ việc được công bố, nhiều người dân đã biểu tình trên các đường phố ở Nanterre.
Vụ bắn chết thiếu niên Nahel Merzouk gây chia rẽ nước Pháp. Jean-Luc Mélenchon - lãnh đạo của đảng La France Insoumise (LFI), yêu cầu "trừng phạt viên cảnh sát giết người và đồng phạm đã ra lệnh nổ súng", đồng thời kêu gọi thành lập một ủy ban để điều tra về vụ việc.
Trong khi đó, Chủ tịch đảng Rally National (trước đây là Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen), Jordan Bardella, gọi lãnh đạo LFI Jean-Luc Mélenchon là "mối nguy hiểm cho công chúng" và tố cáo "những lời kêu gọi nổi dậy" với "hy vọng đạt được những lợi ích bầu cử bẩn thỉu".
Giới phân tích tiếp tục đưa ra những ý kiến khác nhau, tranh luận về nguồn cơn cho sự giận dữ bùng phát biểu tình baọ lực trên khắp khắp nước Pháp và lan sang các nước châu Âu khác.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, khoảng một phần ba những người biểu tình bị bắt đều rất trẻ, ở độ tuổi trung bình 17. Theo lãnh đạo nước Pháp, điều này cho thấy internet đang ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh-thiếu niên.
“Nền tảng mạng xã hội và trò chơi điện tử trở thành tác nhân quan trọng dẫn đến bạo lực những ngày gần đây. Snapchat, TikTok và một số ứng dụng khác đóng vai trò là nơi tổ chức tụ tập bạo lực và có hình thức bắt chước bạo lực khiến các thanh niên lạc lối. Họ xuống đường để diễn lại trò chơi điện tử khiến họ say mê”, ông Macron nói.
Theo ông Macron, mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, là nguyên nhân sâu xa khiến bạo lực leo thang. Trực tiếp giải quyết các nền tảng, Tổng thống Pháp yêu cầu xóa "nội dung nhạy cảm" và kiểm tra nhiều hơn về bản chất của nội dung được xuất bản.
Tuần trước, Twitter bắt đầu chặn các tài khoản người dùng ở Pháp đăng hình ảnh và video về các cuộc bạo loạn, một biện pháp thậm chí còn ảnh hưởng đến các tài khoản có chủ sở hữu ở bên ngoài nước Pháp và do đó không phạm tội hình sự theo luật truyền thông của Pháp.
Chính phủ Pháp cũng đã phản ứng bằng cách triển khai xe bọc thép, trong khi các sự kiện công cộng lớn như các buổi hòa nhạc đã bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, liệu các cuộc bạo loạn trên đường phố có thể được kiểm soát ngay lập tức và vĩnh viễn bằng cách triển khai xe bọc thép, bằng cách kiểm duyệt mạng xã hội hoặc bằng cách gây áp lực lên cha mẹ của trẻ vị thành niên?
Bất ổn từ trong lòng nước Pháp
Đây không phải là lần đầu người dân Pháp nổi cơn thịnh nộ, ra đường biểu tình. Vụ biểu tình “Áo vàng” năm 2018 làm “tê liệt” phần lớn nước này. Lực lượng thực thi pháp luật Pháp cũng phải căng mình ứng phó bạo lực liên quan đến cải cách lương hưu mới đây.
Biểu tình bạo lực đang là vấn đề đau đầu với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: BBC)
Theo Tiến sĩ Karin Kneissl, người đứng đầu tổ chức tư vấn GORKI, kiêm cựu bộ trưởng ngoại giao của Áo, mặc dù nước Pháp thường xuyên trở thành tâm điểm quốc tế với những cuộc bạo loạn như vậy, tuy nhiên, lỗi không chỉ thuộc về chính quyền. Đó là một tình thế "tiến thoái lưỡng nan" có nguồn gốc sâu xa đang làm lung lay xã hội Pháp đến tận cùng.
Vấn đề ở đây được cho là xuất phát từ tình trạng di cư không kiểm soát. Pháp đã trở thành quốc gia mà những người di cư coi là của họ: Người di cư không đồng hóa, không tuân theo các quy tắc, không tuân thủ các yêu cầu của cảnh sát Pháp và tin rằng cảnh sát Pháp, những người thực thi pháp luật, xâm phạm quyền của họ.
Theo giới quan sát, câu chuyện của Nahel Merzouk phản ánh sự phẫn nộ của những người trẻ thuộc cộng đồng nhập cư có thu nhập thấp sinh sống trong những khu nhà giống như khu ổ chuột ở vùng ngoại ô Pháp.
Nghèo đói, thất nghiệp, cơ hội sống hạn chế là những vấn đề mà những người nhập cư phải đối diện. Vụ việc cũng cho thấy khoảng cách giàu, nghèo ngày càng rộng ở Pháp. Đây là “hố sâu nguy hiểm”, ngăn cách những người giàu và người nghèo ở nước này.
Một số ý kiến cho rằng, những gì đang diễn ra ở Pháp không phải là sự cố cá biệt mà phản ánh những vấn đề rộng lớn hơn trong chính sách, quan hệ chủng tộc và xã hội của Pháp. Cơ quan giám sát nhân quyền của Liên hơp quốc cho rằng, vụ việc này là lời cảnh tỉnh, đòi hỏi Chính phủ Pháp giải quyết nghiêm túc các vấn đề sâu xa về phân biệt chủng tộc, đặc biệt là phân biệt chủng tộc trong thực thi pháp luật.
Cùng với Italia và Tây Ban Nha, Pháp đã khởi xướng một loạt thỏa thuận liên kết với các quốc gia ở khu vực phía Nam và phía Đông Địa Trung Hải để tiếp nhận công dân nhập cư thông qua đầu tư vào nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên, các chương trình này đã thất bại. Trong một số trường hợp, biện pháp này thậm chí còn dẫn đến tình trạng bất bình đẳng xã hội hơn nữa.
Theo giới phân tích, những gì đang xảy ra ở Pháp là một lời cảnh báo cho các nước. Nghèo đói, những khu nhà như khu ổ chuột ở ngoại ô, tình trạng thất nghiệp, cơ hội sống hạn chế và sự xa lánh xã hội là những vấn đề mà những người trẻ tuổi nhập cư đang phải đối mặt, không chỉ ở Pháp mà tại nhiều quốc gia ở châu Âu.
Rõ ràng, những vấn đề phân biệt đối xử liên quan sắc tộc, khoảng cách giàu nghèo, dân chủ xã hội... là những mồi lửa luôn chực sẵn, chỉ cần sự việc phát sinh không được kiểm soát có thể bùng cháy bất cứ lúc nào. Đối với Chính phủ Pháp, sự việc này không thể giải quyết "ngày một ngày hai", đòi hỏi giải quyết gốc rễ vấn đề trong lòng nước Pháp.
https://vtc.vn/vi-sao-nuoc-phap-thuong-xuyen-xay-ra-bao-loan-ar803668.html
Ngày đăng: 08:23 | 04/07/2023
KÔNG ANH / VTC News