Từ xưa đến nay, dù có nhiều loại hình đầu tư nhưng người Việt vẫn có tâm lý thích mua vàng, thậm chí còn coi là vật không thể thiếu trong nhà, nguyên nhân vì sao?

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, vàng được coi là tài sản an toàn, bảo vệ giá trị, thậm chí là tăng giá trước lạm phát và biến động kinh tế. Vì vậy người Việt luôn có tâm lý thích mua vàng để tích trữ.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, việc tích trữ vàng đã trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Vì đây như một hình thức sở hữu “bảo hiểm tài chính” cho gia đình. "Từ hàng nghìn năm, tại Việt Nam, vàng đã được xem như phương tiện thanh toán, tích lũy, đầu tư", ông Hiếu nói.

Ngoài ý nghĩa đặc biệt về kinh tế, ở Việt Nam và các quốc gia châu Á, vàng còn có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần. (Ảnh minh họa)

Ngoài ý nghĩa đặc biệt về kinh tế, ở Việt Nam và các quốc gia châu Á, vàng còn có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần. (Ảnh minh họa)

Ông Hiếu nhận định, vàng là loại tài sản không chỉ giữ giá trị mà còn tăng giá trị theo thời gian, tuy có thể giảm nhưng chỉ trong giai đoạn ngắn. Còn về lâu dài, giá vàng luôn tăng và tăng rất mạnh, bằng chứng là trong 10 năm gần đây, đặc biệt là năm 2024 giá vàng đã liên tục tăng "nóng". Chính diễn biến này càng kích thích người dân tích trữ vàng.

Về chức năng thanh toán, vàng có tính thanh khoản rất cao. Vì nó có thể chia nhỏ ra thành phân vàng, chỉ vàng để thanh toán, trao đổi mua bán, rất phù hợp với sở thích, nhu cầu của người Việt Nam.

Đặc biệt, ngoài ý nghĩa về kinh tế, ở Việt Nam và các quốc gia châu Á, vàng còn có ý nghĩa quan trọng trong cả đời sống tinh thần. Ví dụ vàng thường được sử dụng làm của hồi môn trong các đám cưới hoặc được mua làm vật cầu may nhân dịp đầu năm mới.

 

Đồng quan điểm, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vàng Việt Nam, cũng cho rằng, vàng đóng vai trò tương đối đặc biệt trong nền kinh tế cũng như văn hóa, đời sống của người Việt Nam.

“Người Việt Nam không chỉ coi vàng là tài sản quý giá mà không ít người tin rằng vàng mang ý nghĩa tâm linh, phong thủy. Vì thế vàng thường xuất hiện trong các dịp lễ tết, cưới xin, sự kiện quan trọng. Người ta cũng trao vàng cho nhau như một món quà quý mang biểu tượng cho sự tin cậy, trân trọng”, ông Bảng dẫn chứng.

Cũng theo ông Bảng, trải qua nhiều thay đổi của các thời kỳ lịch sử, ngoài biểu tượng cho sự giàu có, quyền lực và may mắn, vàng còn là nơi dự trữ an toàn với bất cứ ai, giúp họ vượt qua những giai đoạn khó khăn của biến động kinh tế.

“Mặc dù hiện nay nền kinh tế đã phát triển, hệ thống tài chính cũng hoàn thiện hơn nhưng vàng vẫn giữ vai trò quan trọng trong mục tiêu bảo toàn tài sản và là kênh đầu tư an toàn. Chính vì thế, nhiều người quan niệm trong nhà lúc nào cũng phải có vàng. Điều đó đã là quan niệm từ xa xưa, hình thành qua nhiều thế hệ và không dễ thay đổi", ông Bảng nói.

Theo các chuyên gia, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới vàng cũng có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu và là một tài sản dự trữ chiến lược. Nhiều ngân hàng trung ương vẫn giữ vàng trong dự trữ ngoại hối. Trong các cuộc xung đột chính trị, vàng trở nên nổi bật hơn, giúp bảo vệ giá trị tài sản của các nhà đầu tư khi tiền tệ bị mất giá.

Nhờ tính thanh khoản cao, vàng cũng là một trong những công cụ đa dạng hóa danh mục của các quỹ đầu tư, giảm thiểu các rủi ro tổng thể. Trong khủng hoảng kinh tế, vàng còn có thể được sử dụng như một phương tiện thanh toán dự phòng. Thế nên dù không đóng vai trò trực tiếp trong hệ thống tiền tệ hàng ngày như trước nhưng vàng vẫn giữ một vị trí rất đặc biệt trong nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam.

https://vtcnews.vn/vi-sao-nguoi-viet-luon-thich-mua-vang-ar920198.html

Ngày đăng: 16:45 | 01/02/2025

PHẠM DUY / VTC News