Không ít trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội, Internet 5-7 tiếng mỗi ngày, nhiều gấp hơn 2 lần so với khuyến cáo của các tổ chức y tế. Vậy làm cách nào để “cai nghiện” Internet cho trẻ? Ông Ngô Tuấn Anh- CEO&Founder Công ty An ninh mạng thông minh SCS chia sẻ với An ninh Thủ đô về một số giải pháp cho vấn đề này.
Ông Ngô Tuấn Anh- CEO&Founder SCS nói về giải pháp bảo vệ trẻ em trên mạng |
PV: Ông đánh giá thế nào về thực trạng sử dụng mạng xã hội nói riêng và Internet nói chung của trẻ em Việt Nam?
- Ông Ngô Tuấn Anh: Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế thì trẻ em chỉ nên truy cập mạng từ 2-3 tiếng/ngày. Tuy nhiên tại Việt Nam, thời gian trung bình trên Internet của nhiều trẻ em là 5-7 tiếng/ngày, cao gấp nhiều lần so với khuyến cáo.
Trẻ em lên mạng quá nhiều khiến sức khỏe bị ảnh hưởng, nhìn vào thiết bị điện tử quá nhiều ảnh hưởng đến mắt, giảm tập trung trong cuộc sống thật…
Bên cạnh việc ảnh hưởng sức khỏe vật lý thì trẻ em trên mạng Internet còn tiếp xúc với thông tin xấu độc, nội dung không phù hợp lứa tuổi. Nếu việc tiếp xúc diễn ra thường xuyên, kéo dài sẽ gây ra hậu quả không lường trước được như: “sống ảo” quá nhiều, tách rời khỏi thế giới thực; có trường hợp làm theo trào lưu trên mạng tự làm hại bản thân; truy cập nội dung không lành mạnh ảnh hưởng tới sự phát triển tâm sinh lý khi bản thân trẻ em chưa “sức đề kháng”, dễ bị kẻ xấu lợi dụng…
Ngoài ra, khi truy cập vào mạng Internet, các em có thể bấm phải đường link là nguồn lây nhiễm mã độc nguy hại.
Theo ông, những nguyên nhân chính nào khiến trẻ em dễ “nghiện” Internet?
- Sử dụng các thiết bị điện tử, mạng Internet là xu hướng tất yếu trên thế giới và cả Việt Nam. Thêm vào đó, do dịch Covid-19, trẻ em được học tập trực tuyến nên phổ tuổi, đối tượng tiếp xúc Internet rộng ra. Bên cạnh những lợi ích như trẻ em vẫn được đảm bảo công việc học tập thì việc này cũng để lại một số hệ lụy nhất định.
Các con ở lứa tuổi quá nhỏ, chưa được hướng dẫn, đào tạo để được “đề kháng” nên dễ bị cuốn theo, dễ sử dụng quá mức mà không kiểm soát được.
Trong khi đó, nhiều gia đình bố mẹ quá bận rộn, ít có thời gian chơi với con; hoặc đưa cho con điện thoại, máy tính là con không nhõng nhẽo, đòi hỏi, nghịch ngợm nên yên tâm nên nhiều em càng ham mạng xã hội, Internet.
Trong xu thế này, chúng ta khó cấm cản trẻ em tiếp xúc Internet, nhưng cha mẹ, nhà trường cần đồng hành cùng các con, tuyên truyền để các con lên mạng một cách hiểu biết. Bên cạnh đó, cần có biện pháp kỹ thuật để chặn lọc các nội dung không phù hợp với trẻ em.
Ông đánh giá thế nào về quy định giới hạn trẻ em với các nội dung không phù hợp với trẻ em trên các nền tảng xuyên biên giới như: Youtube, TikTok?
- Hiện nay, một số nền tảng cung cấp công cụ giới hạn nội dung truy cập theo độ tuổi. Nhưng theo tôi, các chính sách này mang tính hình thức. Ví dụ như các video trên Youtube không có biện pháp chặn lọc, truy cập rất dễ dàng.
Bây giờ các nhà đều có tivi thông minh, khi các con mở ứng dụng Youtube trên tivi thì mặc định là Youtube chứ không phải Youtube kids. Các con thích xem gì đều tiếp cận được ngay. Hoặc một số nền tảng mạng xã hội khác đòi hỏi khai báo độ tuổi khi lập tài khoản, nhưng người dùng thực tế mới 10 tuổi, khai báo 40 tuổi cũng không có gì xác minh.
Đây là câu chuyện chung toàn thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này thì cần sự phối hợp của các nền tảng xuyên biên giới với cơ quan quản lý. Các nền tảng cần ngăn chặn nội dung xấu độc và tuân thủ pháp luật nước sở tại.
Còn về giải pháp kỹ thuật để ngăn trẻ em không truy cập nội dung xấu độc thì sao, thưa ông?
- Chúng tôi có đưa ra giải pháp Safe Gate Family. Theo đó thì toàn bộ các nội dung xấu độc sẽ được người lớn chặn lọc trước khi xâm nhập trong gia đình, tương tự như tạo “bức tường” an toàn cho các con khi lên mạng.
Bố mẹ sẽ thiết lập các nội dung các con được xem, thời gian lên mạng cho mọi thiết bị trong gia đình như: tivi, điện thoại, máy tính…
Dần dần mọi việc sẽ đi vào quy củ và các thành viên trong gia đình thống nhất, tuân theo.
Xin cảm ơn ông!
https://www.anninhthudo.vn/vi-sao-ngay-cang-nhieu-tre-em-nghien-mang-xa-hoi-internet-post536506.antd
Ngày đăng: 20:01 | 10/04/2023
Vân Hằng / An ninh thủ đô