Mới đây, 61 quốc gia trên toàn cầu, bao gồm cả Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Canada, đã cùng thông qua một tuyên bố chung về trí tuệ nhân tạo (AI) tại thượng đỉnh AI Paris. Tuy nhiên, Mỹ và Anh lại từ chối đặt bút ký vào văn kiện này. Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer đã chính thức lên tiếng.

Reuters hôm 12/2 đưa tin, Hội nghị cấp cao Hành động về AI tại Paris (Pháp) đã khép lại sau hai ngày thảo luận. Dù được kỳ vọng là một diễn đàn để thống nhất nguyên tắc chung về phát triển và quản lý công nghệ, nhưng hội nghị này lại bộc lộ rõ sự phân hóa giữa một số cường quốc trong cuộc đua định hình tương lai AI.

Cụ thể, 61 quốc gia, trong đó có Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Canada, đã thông qua "Tuyên bố về AI toàn diện và bền vững cho con người và hành tinh", thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với việc phát triển và ứng dụng AI có trách nhiệm.

Vì sao Mỹ và Anh từ chối ký tuyên bố chung tại thượng đỉnh AI toàn cầu? -0
Hội nghị cấp cao Hành động về AI được tổ chức tại Paris (Pháp). Ảnh: THX 

Theo giới chuyên gia, văn kiện thể hiện các ưu tiên trong việc phát triển AI. Một là, đảm bảo phát triển AI một cách công khai, bao trùm, minh bạch, có đạo đức, an toàn, bảo mật và đáng tin cậy, tuân thủ các khuôn khổ quốc tế dựa trên quyền con người, lấy con người làm trung tâm. Hai là, khuyến khích triển khai AI trong thị trường lao động. Ba là, tạo dựng AI bền vững đối với con người và hành tinh.

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance lại đưa ra lập trường cứng rắn, không đồng quan điểm với cách tiếp cận của Liên minh châu Âu (EU). Ông JD Vance nêu rõ: "Washington vẫn quan tâm đến việc hợp tác quốc tế về AI. Nhưng mọi sự điều tiết quá mức có thể giết chết một ngành công nghiệp mang tính cách mạng". 

Nhận định này của ông Vance nhắm vào các quy định nghiêm ngặt của EU, như Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (Digital Services Act) và Quy định Bảo vệ Dữ liệu chung (GDPR), mà Mỹ cho là đang tạo ra gánh nặng quá lớn cho các công ty, đặc biệt là các startup trong lĩnh vực AI.

Vì sao Mỹ và Anh từ chối ký tuyên bố chung tại thượng đỉnh AI toàn cầu? -0
Phó Tổng thống Mỹ JD Vance phát biểu tại thượng đỉnh AI. Ảnh: Alamy

Phó Tổng thống JD Vance khẳng định, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đảm bảo việc Washington tiếp tục dẫn đầu AI toàn cầu bằng cách duy trì môi trường đổi mới tự do, không bị kìm hãm bởi các quy định cứng nhắc.

Được biết, ngay trong ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã quyết định hủy bỏ đạo luật kiểm soát AI của chính quyền tiền nhiệm. 

Về phía Anh, Người phát ngôn của Thủ tướng Keir Starmer nhấn mạnh, London từ chối ký vào tuyên bố vì cho rằng văn bản này thiếu sự rõ ràng về các vấn đề liên quan quản trị toàn cầu và an ninh quốc gia - điều mà họ đánh giá là yếu tố sống còn cho tương lai của AI. "Chúng tôi chỉ ký vào những sáng kiến mà chúng tôi cho là phù hợp với lợi ích quốc gia", quan chức này nêu rõ. 

Đáp lại những tuyên bố nêu trên, theo The Guardian, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng quy định vẫn là yếu tố tối quan trọng để đảm bảo niềm tin vào việc sử dụng AI. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh khẳng định, nước này sẵn sàng hợp tác với các quốc gia khác để đảm bảo an ninh AI và chia sẻ thành tựu công nghệ.

Ông Dario Amodei, CEO của Anthropic - công ty đứng sau chatbot Claude AI, nhận định rằng các bên không nên bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời để giải quyết các vấn đề tại thượng đỉnh AI lần tới. Theo vị chuyên gia này, các quốc gia cần phải kiểm soát AI, chuẩn bị cho những mối đe dọa từ công nghệ này và chủ động ứng phó với những gián đoạn xã hội và kinh tế mà AI có thể gây ra.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/vi-sao-my-va-anh-tu-choi-ky-tuyen-bo-chung-tai-thuong-dinh-ai-toan-cau--i758929/

Ngày đăng: 15:46 | 13/02/2025

Kim Khánh / cand.com.vn