Các công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ từng coi Trung Quốc là đích đến để chinh phục giờ đang bắt đầu rút dần các hoạt động kinh doanh.

DCM Ventures, một công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon (Mỹ), đã bắt đầu đầu tư vào các công ty khởi nghiệp của Trung Quốc từ năm 1999 và thu được lợi nhuận cực khủng. Theo đó, vào năm 2021, DCM cho biết họ có kế hoạch “tăng gấp đôi” chiến lược đầu tư vào Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, vào mùa thu năm 2023, khi DCM bắt đầu huy động vốn cho một quỹ tập trung vào các công ty mới và quảng bá chuyên môn “xuyên Thái Bình Dương” của mình, họ chỉ cung cấp kế hoạch đầu tư vào Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đáng chú ý, Trung Quốc không được đề cập trong kế hoạch này.

Động thái của DCM là ví dụ điển hình cho thấy sự thay đổi toàn ngành giữa các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon và các công ty khởi nghiệp Trung Quốc.

Căng thẳng Mỹ - Trung

Các công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ từng coi Trung Quốc là một điểm đến mới để chinh phục, giờ đây lại đang rút dần hoạt động đầu tư. Trong đó, một số công ty đã tách biệt hoạt động giữa các công ty Trung Quốc với hoạt động kinh doanh tại Mỹ, một số khác đã từ chối đầu tư thêm.

Xu hướng này bắt nguồn từ mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đối đầu về địa chính trị, kinh tế và công nghệ. Hai quốc gia đã vướng vào một cuộc chiến thương mại, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao có phần “nguội lạnh”. Theo đó, cả Mỹ và Trung Quốc đã ban hành các biện pháp trừng phạt theo hướng “ăn miếng trả miếng”. Cụ thể, Washington đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế đầu tư vào Trung Quốc và xem xét kỹ lưỡng các nguồn vốn đầu tư trước đây trong những lĩnh vực nhạy cảm.

Công ty DCM bắt đầu đầu tư vào Trung Quốc từ năm 1999. (Ảnh: DCM)

Công ty DCM bắt đầu đầu tư vào Trung Quốc từ năm 1999. (Ảnh: DCM)

Giải thích về cách các công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ đầu tư vào Trung Quốc, ông Tomasz Tunguz, công ty Theory Ventures, cho biết:  “Đó là một mối quan hệ hợp tác cực kỳ hiệu quả trong một thời gian dài. Giờ đây hầu hết các nhà đầu tư đang tìm nơi để chi trả nguồn tiền đó vì thị trường đó thực tế đã đóng cửa”.

Người phát ngôn của DCM cho biết chiến lược của họ không thay đổi và các khoản đầu tư vào Trung Quốc luôn là “phần nhỏ hơn” trong quỹ tập trung vào các công ty mới thành lập. Bà nói thêm rằng công ty đang bám sát các quy định của Mỹ về việc tuân thủ Trung Quốc.

Tại Washington, các hành động nhằm hạn chế đầu tư vào Trung Quốc đã tăng lên. Tổng thống Mỹ Joe Biden ký một sắc lệnh hành pháp vào năm 2023 nhằm hạn chế đầu tư của các công ty Mỹ vào các công ty khởi nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và chất bán dẫn.

Trong tháng 2/2024, báo cáo điều tra của Ủy ban Quốc hội Mỹ lên án gay gắt 5 công ty liên doanh của Mỹ vì các khoản đầu tư của họ vào các công ty Trung Quốc. Ủy ban không cáo buộc các công ty vi phạm luật nhưng kêu gọi các nhà lập pháp thông qua luật hạn chế hơn nữa các khoản đầu tư như vậy.

Các công ty liên doanh của Mỹ có những điều chỉnh sau động thái trên của chính quyền. Năm 2023, Sequoia Capital, một trong những công ty nổi bật nhất ở Thung lũng Silicon đầu tư vào Trung Quốc từ năm 2005, đã tách các hoạt động tài chính ở Trung Quốc, thành lập một công ty con có tên HongShan. Các công ty từng chia sẻ lợi nhuận và chung hoạt động nhưng giờ lại vận hành một cách riêng biệt.

Trong khi đó, vào tháng 9/2023, GGV Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm khác có lịch sử đầu tư lâu dài vào Trung Quốc, cũng có kế hoạch tách biệt hoạt động tại Mỹ và châu Á. Ngoài ra, công ty cũng đang tìm cách bán bớt cổ phần tại 2 công ty con đầu tư vào Trung Quốc.

Lĩnh vực công nghệ bị ảnh hưởng

 

Theo PitchBook, nền tảng chuyên theo dõi các công ty khởi nghiệp, các thỏa thuận dành cho các công ty khởi nghiệp Trung Quốc từ các nhà đầu tư Mỹ đã giảm 88% trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, từ tổng số vốn 47 tỷ USD xuống còn 5,6 tỷ USD.

Đây là bước lùi đáng kể đối với lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, vốn đã trải qua thập kỷ qua để chuyển đổi từ một ngành công nghiệp nhỏ thành một thế lực toàn cầu. Trung Quốc là một phần quan trọng trong quá trình mở rộng đó, với các công ty bao gồm Lightspeed Venture Partners, Redpoint Ventures và Matrix Partners đang gia nhập thị trường này.

Matt Turpin, cựu giám đốc phụ trách vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng An ninh Quốc gia và là thành viên thỉnh giảng tại Viện Hoover, cho biết, các nhà đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon “đã đặt cược rất nhiều vào việc Mỹ và Trung Quốc đang hội tụ”.

Lĩnh vực công nghệ, chất bán dẫn là một

Lĩnh vực công nghệ, chất bán dẫn là một "điểm nóng" trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. (Ảnh: New York Times) 

Một số nhà quan sát Trung Quốc theo dõi sự thay đổi trong quan điểm chống lại các khoản đầu tư công nghệ của Trung Quốc kể từ năm 2016, khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ vào thời điểm đó - Penny Pritzker, đưa ra cảnh báo về sự cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc trong ngành bán dẫn.

John Chambers, giám đốc điều hành nền tảng mạng Cisco, nói rằng ông đã thấy chính phủ Trung Quốc can thiệp mạnh mẽ vào các doanh nghiệp đa quốc gia vào thời điểm ông từ chức năm 2015. Hiện là một nhà đầu tư khởi nghiệp, ông đã chọn không đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Trung Quốc và khuyến khích 20 công ty trong danh mục đầu tư của mình không thực hiện hoạt động kinh doanh ở đó.

“Bạn có thể thấy những mối lo ngại về an ninh và vấn đề giữa các chính phủ”, ông Chambers giải thích.

Khó khăn khi đầu tư vào Trung Quốc càng gia tăng vào năm 2020 khi cựu Tổng thống Donald Trump cố gắng cấm TikTok, ứng dụng thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc ByteDance. Hai trong số các nhà đầu tư Mỹ vào ByteDance, Sequoia và General Atlantic, đã vận động các thành viên trong chính quyền ông Trump để TikTok có thể hoạt động tại Mỹ.

Năm ngoái, Uỷ ban Quốc hội Mỹ đã bắt đầu điều tra các khoản đầu tư vào Trung Quốc của Sequoia, GGV và ba công ty đầu tư mạo hiểm khác bao gồm GSR Ventures, Qualcomm Ventures và Walden International.  Theo kết luận của Uỷ ban, các công ty đã đầu tư 3 tỷ USD vào lĩnh công nghệ công nghệ nhằm giúp đỡ quân đội và nhà nước Trung Quốc.

Báo cáo của ủy ban cho biết các công ty đã cung cấp sự hỗ trợ theo nhiều cách, bao gồm giúp các công ty Trung Quốc vươn ra toàn cầu và tuyển dụng nhân tài, cung cấp chuyên môn quản lý và hoạt động cố vấn cũng như nền tảng uy tín.

Phản hồi báo cáo trên, Sequoia và GGV thông báo tách hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và thoái vốn trong khu vực. Đồng thời khẳng định họ hoàn toàn tuân thủ luật pháp. Trong đó, GGV cho biết họ đang cố gắng bán cổ phần của mình tại Megvii. Qualcomm nói rằng các khoản đầu tư vào quỹ đầu tư mạo hiểm của họ chưa đến 2% số tiền được thảo luận trong báo cáo. Trong khi Walden International và GSR Ventures chưa đưa ra bình luận.

Khó khăn khi tách khỏi Trung Quốc

Việc một doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm tách khỏi một thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, rất phức tạp. Có công ty đầu tư từ các quỹ kéo dài trong 10 năm. Một số công ty, bao gồm cả Sequoia, thậm chí còn nắm giữ khoản đầu tư lâu hơn. Việc bán cổ phần trong các công ty con có thể khó khăn vì các công ty này thuộc sở hữu tư nhân. Một số nhà đầu tư cho biết Bắc Kinh đã gây áp lực buộc họ không được bán cổ phần của các công ty Trung Quốc.

Việc Bắc Kinh tuyển dụng các công ty cho mục đích riêng của mình, chẳng hạn như hỗ trợ giám sát và hiện đại hóa quân đội, cũng mang đến nhiều thách thức hơn.

Đại diện Krishnamoorthi cho biết: “Đây không phải là các công ty thuộc khu vực tư nhân theo nghĩa truyền thống của từ này. Đó chỉ là một loại thực thể hoàn toàn khác so với những gì chúng ta từng thấy trước đây”. 

https://vtcnews.vn/vi-sao-loat-cong-ty-dau-tu-mao-hiem-my-thao-chay-khoi-trung-quoc-ar855871.html

Ngày đăng: 09:28 | 02/03/2024

KÔNG ANH / VTC News