Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, trong xu thế kinh tế xanh, nếu đi tắt đón đầu trong lĩnh vực công nghệ cao như xe điện thì sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Hai cơ quan có liên quan trực tiếp đến vấn đề thuế, phí đều thể hiện sự tán thành việc cần có chính sách ưu đãi để thúc đẩy sự phát triển của xe điện, tăng khả năng tiếp cận của người dân với loại phương tiện xanh. Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH), sự ủng hộ của Nhà nước trong lĩnh vực công nghệ cao như xe điện sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Cần thiết và phù hợp với định hướng chiến lược quốc gia
Trong văn bản cho ý kiến gửi Bộ Tài chính về đề xuất của Tập đoàn Vingroup, Bộ Công Thương khẳng định: “Việc áp dụng thí điểm chính sách ưu đãi không thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và lệ phí trước bạ (LPTB) áp dụng trong thời gian 05 năm để khuyến khích sản xuất và hỗ trợ người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường là có thể xem xét”.
Cũng trong công văn do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký, Bộ Công thương dẫn các Nghị quyết của Đảng và Chiến lược của Chính phủ giải thích cho quan điểm. Cụ thể, Bộ Công thương cho rằng: “Kích thích người tiêu dùng sử dụng xe ô tô điện thân thiện với môi trường, góp phần giảm lượng khí thải phát tán ra môi trường của phương tiện giao thông, góp phần bảo vệ môi trường là cần thiết và phù hợp với định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ”.
Theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong giai đoạn đến năm 2030 sẽ ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực trong đó có ngành công nghiệp ô tô, thực hiện chính sách miễn, giảm thuế ở mức hợp lý. “Thực hiện chính sách miễn, giảm thuế ở mức hợp lý và có thời hạn phù hợp đối với các ngành công nghiệp ưu tiên, các ngành công nghiệp thông minh”, Nghị quyết nêu rõ.
Trong khi đó, tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra định hướng: “Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện...), đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn khí thải theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Giảm ô nhiễm môi trường và nâng cao năng lực cạnh tranh
Trước đó, trong văn bản xin ý kiến một số Bộ về chính sách ưu đãi thuế, phí cho ô tô điện, Bộ Tài chính cho rằng xe ô tô điện đang trở thành sự lựa chọn có nhiều ưu thế để thay cho xe sử dụng động cơ đốt trong ở nhiều nước trên thế giới.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng dẫn chứng cách làm của nhiều quốc gia với những chính sách rất hào phóng nhằm hạn chế hoặc loại bỏ dần các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời khuyến khích các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch.
Đơn cử: Ucraine không đánh thuế TTĐB đối với xe ô tô điện chạy pin; Hàn Quốc miễn thuế TTĐB, miễn thuế phương tiện với các loại xe ô tô điện chạy pin và xe ô tô điện sử dụng nhiên liệu hydro; Trung Quốc: Miễn thuế tiêu dùng khi mua xe ô tô điện chạy pin, giảm 50% lệ phí đăng ký đối với xe ô tô điện chạy pin; Indonesia giảm hoặc miễn thuế hàng hoá xa xỉ; Thái Lan giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 2016; Mỹ miễn/giảm thuế TTĐB, khấu trừ thuế, giảm khí đăng ký, phí đỗ xe, hỗ trợ lắm trạm sạc cho xe điện tuỳ từng bang….
Bộ Tài chính cũng chỉ ra “bức tranh” trái ngược tại Việt Nam khi ô tô điện hiện vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ và hiện chỉ có VinFast đầu tư, sản xuất. Tháng 4 vừa qua, hãng này mới cho ra mắt chiếc xe đầu tiên.
Bộ Tài chính cũng cho biết, những năm gần đây, Nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích việc sản xuất và tiêu dùng xe ô tô điện. Tuy nhiên, xe điện mới chỉ được hưởng ưu đãi “khiêm tốn” khi vẫn chịu mức thuế suất TTĐB bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe có dung tích cùng loại. Chính sách thu LPTB mới chỉ dừng lại ở việc ưu đãi đối với xe buýt sử dụng năng lượng sạch.
Từ những thực tế trên, theo Bộ Tài chính, để khuyến khích sản xuất và người tiêu dùng sử dụng ô tô điện, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, Bộ sẽ kiến nghị sửa đổi Luật Thuế TTĐB và nội dung này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Riêng với LPTB, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước bối cảnh đại dịch COVID-19, “trường hợp phải ban hành sớm hơn thì Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ theo trình tự, thủ tục rút gọn”.
Gần đây nhất, vào tháng 6/2020, với mục đích kích thích tiêu dùng trong nước, Bộ Tài chính cũng đã từng trình Chính phủ ban hành Nghị định giảm 50% LPTB với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo trình tự thủ tục rút gọn rút gọn. Nhờ trình tự này, Nghị định 70/2020/NĐ-CP đã được ban hành sau đúng 10 ngày, thay vì thời gian hàng tháng, thậm chí lên đến vài tháng như thông thường.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng (Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho biết ông "tán thành rất cao" với việc sớm ban hành những chính sách đủ mạnh, tạo đòn bẩy để phát triển phương tiện chạy điện theo xu hướng chung của thế giới cũng như là bảo vệ môi trường. Ngay cả khi có chính sách miễn hoàn toàn 2 loại thuế và phí này thì vẫn còn khiêm tốn và “ở mức tối thiểu” so với thế giới.
“Nhà nước không phải không đầu tư mà doanh nghiệp đã đầu tư, giờ chỉ cần Nhà nước ủng hộ về chính sách để phát triển nhanh và thuận lợi. Trong xu thế kinh tế xanh, nếu đi tắt đón đầu trong lĩnh vực công nghệ cao như xe điện thì sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia”, TS. Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định.
Được biết, hiện tại ngoài Bộ Công Thương, các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên & Môi trường và VCCI cũng đã có văn bản phúc đáp Bộ Tài chính, trong đó đều bày tỏ ủng hộ quan điểm hỗ trợ mạnh mẽ cho việc sản xuất, tiêu dùng ô tô điện.
QUỲNH AN
Ngày đăng: 10:30 | 14/06/2021
/ vtc.vn