(VTC News) - Quan chức Quốc hội cho rằng, nếu chỉ vì muốn tinh giản bộ máy, giảm đầu mối, giảm biên chế mà đưa các đoàn thể chính trị - xã hội vào thành các ban của MTTQ Việt Nam cần cân nhắc thận trọng.
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Tổ chức TƯ phối hợp tổ chức hội thảo đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, đưa ra 4 phương án đổi mới mô hình hoạt động.
TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Trong đó, có 4 phương án tổ chức lại MTTQ và các đoàn thể thì TS. Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ủng hộ phương án thứ nhất là giữ nguyên mô hình tổ chức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội hiện nay, tuy nhiên có lộ trình từng bước thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính và tổ chức, Nhà nước có giao kinh phí căn cứ vào nhiệm vụ thực hiện.
Còn phương án hợp nhất 5 đoàn thể chính trị - xã hội vào thành các ban của MTTQ Việt Nam, trước mắt thực hiện thí điểm ở cấp huyện và cấp xã, TS Phạm Tất Thắng cho rằng sẽ rất khó khả thi.
Bài liên quan
Đề xuất hợp nhất 5 tổ chức chính trị - xã hội lớn nhất vào MTTQ Việt Nam
Trả lời PV VTC News vế vấn đề này, TS Phạm Tất Thắng cho rằng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là các cơ quan độc lập, có chức năng, nhiệm vụ riêng biệt, được xác định trong chủ trương của Đảng, được thể chế hóa trong Hiến pháp, trong luật.
Ông Thắng cho rằng nếu chỉ vì mong muốn tinh giản bộ máy, giảm đầu mối, giảm biên chế mà tính đến việc đưa các tổ chức và thành các ban của MTTQ Việt Nam là điều rất khó khả thi.
Lập luận cho nhận định này, TS Phạm Tất Thắng phân tích đưa ra vấn đề hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội vào MTTQ là vấn đề rất lớn về mặt quan điểm, vì 5 tổ chức chính trị - xã hội tuy là thành viên của MTTQ Việt Nam nhưng MTTQ và các đoàn thể là các tổ chức độc lập với nhau và có chức năng nhiệm vụ riêng.
Các tổ chức trong hệ thống chính trị đều là thành viên của MTTQ Việt Nam, kể cả Đảng Cộng sản Việt Nam.
Các tổ chức chính trị - xã hội nhập vào thành các ban của MTTQ sẽ thay đổi tính chất và tổ chức hoạt động của MTTQ cũng như của 5 tổ chức chính trị - xã hội.
“Đưa ra vấn đề là chủ trương lớn liên quan đến hệ thống chính trị và pháp luật nên phải rất cân nhắc”, TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn háo, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, các tổ chức chính trị - xã hội không nằm trong hệ thống các cơ quan Nhà nước và việc hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội vào MTTQ Việt Nam sẽ mang tính hành chính hóa.
“Đây không phải là hệ thống cơ quan Nhà nước, MTTQ là tổ chức tập hợp tất cả các tổ chức chính trị - xã hội lại, nhưng quan hệ giữa các cơ quan là thành viên của Mặt trận với Mặt trận không phải là quan hệ hành chính, không phải là quan hệ cấp trên, cấp dưới.
Các tổ chức chính trị - xã hội độc lập với nhau, có chức năng nhiệm vụ khác nhau, Mặt trận chỉ là đầu mối tập hợp các lực lượng. Đảng của chúng ta lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo Mặt trận nhưng vẫn là thành viên của Mặt trận.
Nếu bây giờ sáp nhập thì chúng ta sẽ hành chính hóa bộ máy tổ chức và hệ thống chính trị của chúng ta ở khối MTTQ và các đoàn thể thành viên.
Mà hành chính hóa là cái mà hiện nay chúng ta đang phải khắc phục trong việc tổ chức và hoạt động của MTTQ cũng như các tổ chức đoàn thể”, ông Thắng cho hay.
TS Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, nếu hợp nhất các tổ chức chính trị - xã hội vào MTTQ thì tổ chức đấy sẽ chỉ còn trên danh nghĩa chứ về mặt thực tế sẽ không còn.
Như vậy là khó khả thi cả về mặt nguyên lý, quan điểm, luật pháp, cũng như mong muốn và hoạt động tổ chức của các cơ quan này.
Đánh giá vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, TS Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, không thể phủ nhận vai trò lịch sử của các cơ quan, tổ chức - chính trị xã hội.
Các tổ chức đều được Đảng thành lập và có hoạt động xuyên suốt, đồng hành và có đóng góp quan trọng trong quá trình cách mạng.
“Trong thời điểm hiện tại, có thể chúng ta còn chưa bằng lòng với hiệu quả hoạt động của một số tổ chức chính trị - xã hội. Tuy nhiên chúng ta không phủ nhận vai trò của các tổ chức này trong lịch sử cách mạng và cả trong thời điểm hiện tại.
Tất cả những hiện tượng, có thể nói là hiện tượng tiêu cực trong xã hội có liên quan đến nhóm đối tượng nào mà cho rằng ngành đó hoặc tổ chức đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn thì cũng không đúng, bởi mỗi một cá nhân trong xã hội còn chịu tác động của nhiều mối quan hệ, các yêu cầu khác của xã hội điều chỉnh hành vi của họ”, ông Thắng bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng vì còn chưa bằng lòng với hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nên việc tổ chức lại, sắp xếp lại bộ máy theo hướng hiệu quả là việc làm cần thiết và cấp bách.
TS Thắng một lần nữa khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, khi thực hiện chủ chương của Đảng về việc giảm các đầu mối, giảm biên chế, thu gọn bộ máy thì việc đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể thành viên là việc làm bắt buộc.
Tuy nhiên, chúng ta phải thấy MTTQ và các tổ chức đoàn thể có đặc thù riêng. Vì vậy, việc đổi mới phải cân nhắc nhiều yếu tố từ chủ trương của Đảng, hệ thống pháp luật hiện hành, đến tổ chức hoạt động của các tổ chức này.
“Phải đánh giá hiện nay, các tổ chức hoạt động như thế nào, hiệu quả ra sao, có gì cần phải tháo gỡ, hướng tháo gỡ thế nào.
Trên cơ sở đánh giá lại hoạt động của các tổ chức này, đề xuất ra phương án đổi mới tổ chức bộ máy cho hiệu quả, khả thi, vừa đáp ứng được chủ trương chung của Đảng là tinh gọn nhưng vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng hiệu quả của các tổ chức này”, TS Phạm Tất Thằng chia sẻ.
Video: Hà Nội sắp tinh giản biên chế lớn nhất từ trước tới nay
Người Việt Nam ở nước ngoài muốn là đại biểu Quốc hội
Bà Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương mong muốn MTTQ Việt Nam ... |
Ngày đăng: 12:00 | 14/04/2018
/ https://vtc.vn