Nhiều biệt thự của các ông trùm kinh doanh từng có giá hơn 300 tỷ đồng nay cũng bị bỏ hoang vì những nguyên nhân bất ngờ.

Vì sao Hong Kong có giá nhà ‘cắt cổ’, 23 tỷ đồng/ chỗ đỗ xe nhưng lại cực nhiều BĐS hạng sang hoang tàn như phế tích?

Hong Kong (Trung Quốc) có tốc độ phát triển không ngừng, nổi tiếng với mức độ đắt đỏ bậc nhất của giá bất động sản khi giá m2 nhà năm 2019 là 50.700 USD (~1,2 tỷ đồng), giá của một chỗ đỗ xe tại một dự án hạng sang lên tới 1,3 triệu USD (~23 tỷ đồng). Tuy thị trường nhà tại Hong Kong đã hạ nhiệt nhưng vẫn rất khó để người dân nơi đây sở hữu 1 căn nhà.

Điều kỳ lạ là nơi này lại tồn tại rất nhiều bất động sản hạng sang bị bỏ hoang, từ biệt thự, đến rạp chiếu phim hay tòa nhà ở 1 khu đất đắt đỏ. Ở Hong Kong (Trung Quốc), số lượng nhà bỏ hoang nhiều đến mức có cả một cộng đồng những người yêu thích việc thám hiểm các công trình có phần bí ẩn này.

Dịch vụ cho thuê hoặc bán nhà bỏ hoang cũng đang phát triển trong thời gian gần đây với giá rẻ hơn nhiều so với giá nhà đất ở Hong Kong (Trung Quốc).

Dưới đây là một số bất động sản cao cấp đã bị bỏ hoang nhiều năm tại thành phố này:

1. Biệt thự Carrick

Được xây dựng vào năm 1887, Carrick là ngôi nhà châu Âu lâu đời nhất còn sót lại tại ngọn đồi The Peak. Biệt thự 2 tầng hiện được xếp vào danh sách Tòa nhà Lịch sử Cấp I. Ban đầu nó được đặt tên là 'Stonyhurst' bởi chủ nhân đầu tiên của cố vấn cấp cao John Joseph Francis, sau đó đổi tên thành Carrick. Ngôi nhà được thiết kế theo phong cách cổ điển đặc trưng của các biệt thự Palladian, phong cách phổ biến tại các nước thuộc địa Anh.

Sau khi Francis qua đời vào năm 1901, ngôi nhà này đã đổi chủ nhiều lần, trải qua không ít lần tu sửa. Chủ nhân hiện tại của nó đã muốn phá dỡ ngôi nhà 136 tuổi này đi nhưng vấp phải sự phản đối của những cư dân xung quanh 

2. Nhà hát Bành Châu

Nhà hát Bành Châu nằm trên đảo Bành Châu mở cửa đón công chúng vào đêm giao thừa năm 1978. Nhưng sau đó nó đã phải đóng cửa vào cuối những năm 1980 do sự suy giảm của ngành công nghiệp ở Bành Châu và giảm dân số, cùng với đó là sự phổ biến của các hình thức giải trí tại nhà.

Rạp hát, chiếu phim này có sức chứa 499 người, những hàng ghé bọc da màu đỏ và những tấm rèm rủ xung quanh sân khấu vẫn còn giữ nguyên hiện trạng đến ngày nay.

3. Biệt thự của ông trùm truyền hình Shaw

Biệt thự tráng lệ bị bỏ hoang này thuộc về gia đình ông trùm điện ảnh và truyền hình Run Run Shaw và là một phần của khu phức hợp Shaw Brothers Studio được xây dựng vào những năm 1960 ở Vịnh Clearwater. Đây từng là xưởng làm phim lớn bậc nhất Trung Quốc với 15 sân khấu, 2 trường quay cố định, thiết bị làm phim công nghệ cao cũng như cả một khu chung cư dành cho diễn viên. Shaw House bị bỏ không từ năm 2003.

Shaw là một trong những nhân vật tiêu biểu của điện ảnh Hong Kong, có công phổ biến các bộ phim kung fu của Trung Quốc ở các nước phương Tây và biến Hong Kong trở thành một “Hollywood phương Đông” trong suốt 80 năm sự nghiệp.

Một biệt thự rộng 8.000 m2 khác là nơi Shaw chiêu đãi những vị khách trong ngành điện ảnh. Có một rạp chiếu phim rộng 2.000 m2, một bể bơi ngoài trời. Bên trong ngôi nhà vẫn còn những đôi giày Chanel kỳ lạ, đèn chùm pha lê, ghế sofa sang trọng và phòng giải trí.

4. Biệt thự gỗ xây từ thập niên 1960

Được xây dựng từ năm 1964 với kiến trúc truyền thống nhiều họa tiết trang trí tỉ mỉ, ngôi nhà này được cho là thuộc sở hữu của một thành viên Hội đồng điều hành Hong Kong, xuất thân từ một gia đình làm ngân hàng. Ngôi nhà đắt đỏ này bị bỏ hoang nhiều năm cho đến khi được mua lại vào năm 2020.

5. Biệt thự Yu Yuen

Sacha Yasumoto là một cô gái người Nhật ưa thám hiểm đô thị, thích săn lùng những địa điểm bị lãng quên quanh Hong Kong. Cô thậm chí còn tổ chức những chuyến tham quan cá nhân, triển lãng ảnh về những địa điểm bỏ hoang ở thành phố này. Trong 2 năm, vợ chồng Yasumoto đã khám phá 250 bất động sản bỏ hoang và vẫn đang tiếp tục hành trình này. 

“Suốt hành trình của mình, tôi đã tìm thấy váy cưới, bằng tốt nghiệp, thậm chí cả va li tiền mặt trong những căn nhà bỏ hoang. Điều gì đã khiến họ bỏ lại những thứ này và ra đi vội vàng như vậy?”, Yasumoto chia sẻ.

Địa điểm nổi tiếng nhất là cô gái này khám phá là biệt thự Yu Yuen ở khu Yuen Long được xây dựng vào năm 1930, từng là bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng. Nhiều đồ vật như vòng quay ngựa gỗ, báo cũ hay những cuộn phim vẫn còn sót lại.

Theo Yasumoto, có nhiều tin đồn xoay quanh căn biệt thự này khiến nó bị bỏ bê, dù Yu Yuen nằm trong một phần dự án trùng tu đổi mới đô thị. Khu vực Yuen Long cũng còn nhiều bất động sản đắt giá bị bỏ hoang khác như biệt thự Kong Ha Wai hay lâu đài Tai Fu Tai, từng thuộc sở hữu của những doanh nhân thành đạt.

6. Biệt thự Dragon Lodge

Dragon Lodge là một tòa nhà từng có giá trị bất động sản lớn nhất Hong Kong (Trung Quốc). Vào năm 1997, Dragon Lodge đáng giá 15,3 triệu đô (gần 364 tỷ VND) nhưng sau đó toàn bộ người trong tòa nhà đều bỏ đi, khiến nó bị thêu dệt nhiều tin đồn xung quanh. Người chủ hiện tại buộc phải phong tỏa khu vực bằng dây thép gai để hạn chế tối đa sự phá hoại từ những người tò mò.

Theo TatlerAsia, SCMP

https://markettimes.vn/vi-sao-hong-kong-co-gia-nha-cat-co-23-ty-dong-cho-do-xe-nhung-lai-cuc-nhieu-bds-hang-sang-hoang-tan-nhu-phe-tich-19911.html

Ngày đăng: 10:51 | 16/03/2023

/