Vì sao từ 1/2/2020 đến nay có 221 cán bộ, nhân viên tại Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác tại nơi khác?
Theo tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai, trong 221 người nghỉ việc có quá nửa (113 người) là lao động phổ thông tại các đơn vị như dịch vụ, nhà thuốc hay tang lễ. Ngoài ra, 28 bác sĩ nghỉ trong đợt này gồm 10 người học hàm tiến sĩ, một là phó giáo sư chuyển sang những nơi có thu nhập cao hơn.
Thời gian qua, do tác động của đại dịch COVID-19 nên lượng bệnh nhân tới thăm khám tại Bệnh viện Bạch Mai giảm nhiều. Trước đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 6.000 đến 7.000 bệnh nhân và điều trị cho khoảng hơn 5.000 người bệnh nội trú. Nay do dịch, có thời điểm bệnh viện chỉ còn hơn 1.000 bệnh nhân nội trú.
Bên cạnh đó, năm 2020, nguồn thu của bệnh viện cũng giảm tới 2.000 tỷ đồng (gần 30% so với 2019). Đây chính là nguyên nhân khiến thu nhập của nhiều cán bộ, nhân viên trong bệnh viện bị giảm thấp.
“Có lẽ vì áp lực công việc trong khi thu nhập giảm, nhiều người được các cơ sở y tế khác mời chào về làm việc với mức thu nhập cao, thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng, một số bác sĩ xin chuyển công tác. Việc dịch chuyển là tất yếu, bệnh viện không thể giữ được. Hoạt động luân chuyển như vậy không có gì bất thường, không phải là chảy máu chất xám”, ông Thành nói.
Ngoài ra, bệnh viện cũng giải thể một số đơn vị hoạt động không hiệu quả, hoặc sáp nhập, nên nhiều lao động phải nghỉ việc.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt và là một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước. |
Trước thông tin một số người lao động xin nghỉ việc vì bệnh viện nợ lương, chậm lương, ông Thành khẳng định "không chính xác". Bởi năm 2020, bệnh viện trích 140 tỷ đồng từ quỹ phúc lợi để hỗ trợ gần 4.300 cán bộ, nhân viên chức và người lao động. “Thông tin Bệnh viện Bạch Mai nợ, chậm lương cán bộ, nhân viên và người lao động là không đúng”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo báo cáo ngày 22/3 gửi Bộ Y tế, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, tuy bị giảm doanh thu năm 2020, nhưng bệnh viện áp dụng chính sách hỗ trợ cán bộ viên chức bình ổn thu nhập.
Quá trình thực hiện đề án thí điểm tự chủ bệnh viện giai đoạn 2020 – 2021, thời gian đầu Bệnh viện Bạch Mai gặp rất nhiều khó khăn về bộ máy, quy chế hoạt động, tác động của dịch bệnh cũng như về tài chính. Trong đó, giá dịch vụ khám, chữa bệnh của bệnh viện thu theo giá bảo hiểm y tế chưa được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành (mới tính 4/7 yếu tố cấu thành giá) dẫn đến nguồn thu, khả năng đầu tư và tái tạo nguồn lực cho bệnh viện còn hạn chế lớn.
Bệnh viện cũng thực hiện nhiệm vụ không để bệnh nhân nằm ghép giường, giảm số giường tự nguyện, đưa giá dịch vụ liên doanh liên kết về đúng giá bảo hiểm y tế.
Bệnh viện Bạch Mai cho biết, để hoạt động được phù hợp với cơ chế tự chủ trong tình hình mới, bệnh viện triển khai tổ chức lại bộ máy sao cho đảm bảo tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đơn vị cũng tinh giản những lao động không cần thiết, bố trị lại lao động phù hợp với trình độ, năng lực và vị trí việc làm. Đặc biệt, bệnh viện giải thể những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ không còn phù hợp với sự phát triển của bệnh viện trong giai đoạn hiện nay như: giải thể đơn vị dịch vụ cung cấp miễn phí cho người bệnh, sáp nhập hệ thống nhà thuốc vào khoa Dược theo đúng quy định và thực hiện y tế tư nhân vừa và nhỏ phát triển nhanh…
Từ 1/2/2020 đến nay, số lượng người lao động và chuyển công tác tới cơ quan khác tại Bệnh viện Bạch Mai là 221 người.
Trong thời gian này, bệnh viện tuyển dụng và ký hợp đồng đối với 506 người, gồm: 199 người là cán bộ, viên chức, người lao động có trình độ chuyên môn; 232 điều dưỡng, kỹ thuật y đã hoàn thành khoá đào tạo nâng cao tay nghề do bệnh viện tổ chức năm 2019 và 75 vị trí làm việc tiếp đón, hướng dẫn, vận chuyển người bệnh…
Tối 13/4, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng xác nhận vụ việc nhiều nhân lực của bệnh viện thời gian qua nghỉ việc và chuyển công tác tại nơi khác.
Người đứng đầu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong tổng số cán bộ, nhân viên nghỉ việc có người mang hàm phó giáo sư, tiến sĩ nhưng nghỉ là để chuyển sang nơi khác có thu nhập cao hơn. Ngoài ra, không phải tất cả số nhân sự nghỉ đợt này đều có trình độ cao, cũng có nhân lực nghỉ việc do sắp xếp lại biên chế và vị trí việc làm do bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính hoàn toàn.
Liên quan tới vụ việc trên, đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, Bệnh viện Bạch Mai đã có báo cáo về việc hơn 200 nhân viên ở đây nghỉ việc và chuyển công tác.
Theo vị này, để người lao động gắn bó với đơn vị có rất nhiều yếu tố như nhu cầu của người lao động, người quản lý có tạo môi trường thân thiện không, cũng có người thì dịch chuyển vì mong mức thu nhập cao hơn... "Trước đây cũng xảy ra tình trạng một số bệnh viện công lập khác cũng có nhiều người nghỉ việc để chuyển sang làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân”, vị này nói.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, thuộc nhóm những bệnh viện lớn nhất Việt Nam với 4.300 nhân viên.
Trong năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai bị phong toả hơn 1 tháng do ghi nhận có ca nhiễm COVID-19. Đáng chú ý, cựu Giám đốc bệnh viện là ông Nguyễn Quốc Anh và một số nhân sự cũ của Bạch Mai cũng bị bắt đề phục vụ công tác điều tra vụ mua sắm trang thiết bị y tế tại đây. |
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận gần 200 cán bộ, nhân viên nghỉ việc
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết không phải hơn 100 nhân viên của bệnh viện nghỉ ... |
Bệnh viện Bạch Mai bị "tuýt còi" tăng giá dịch vụ
Sau hai ngày Bạch Mai tăng giá một số dịch vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện không điều chỉnh tăng ... |
Ngày đăng: 10:04 | 14/04/2021
/ vtc.vn