Hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em năm 2018 chỉ là phần nổi của tảng băng chìm...
Chỉ là phần nổi
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, trong năm 2018, toàn quốc phát hiện hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em, trong đó, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là gần 1.300 vụ với hơn 1.200 đối tượng, xâm hại hơn 1.100 em. Đặc biệt, có tới 43 vụ giết trẻ em, 425 vụ hiếp dâm trẻ em, 6 vụ cưỡng dâm trẻ em.
Trong số này, Hà Nội là tỉnh đứng đầu danh sách với 88 vụ, TP.HCM 77 vụ, Đắk Lắk 52 vụ, Tây Ninh 51 vụ, Đồng Nai 46 vụ…
Bình luận về số liệu trên, ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng, đó chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm".
Trước hết, nói về con số 1.500 vụ xâm hại được phát hiện trên toàn quốc, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho hay, nếu được theo dõi, thống kê chặt chẽ, số này còn lớn hơn nhiều.
"Việc báo cáo cho biết Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố được ghi nhận có số vụ xâm hại cao nhất cả nước là vì ở những thành phố lớn hệ thống ghi chép số liệu báo cáo được thực hiện tốt hơn, người dân có trình độ, ý thức cao hơn, do đó, những vụ việc xâm hại trẻ em cũng được phát hiện nhiều hơn.
Thực tế, từ khi tôi còn công tác tại Cục bảo vệ trẻ em, ghi nhận từ các đội ngũ mạng lưới bảo vệ trẻ em cho thấy tỉ lệ trẻ em bị xâm hại, bạo lực tại các tỉnh miền Tây, đặc biệt là các tỉnh Long An, Kiên Giang... lớn hơn rất nhiều những số liệu ghi nhận từ các cơ quan chính thống.
Tuy nhiên, những năm gần đây, khi không còn sự tồn tại của các mạng lưới này thì số liệu đã không được ghi nhận một cách đầy đủ. Đa số thống kê chỉ dựa vào những vụ việc được dư luận, người dân hoặc báo chí, nạn nhân khai báo. Tỉ lệ này rất ít.
Số liệu báo cáo từ Bộ Công an chỉ mới được phản ánh một phần, chưa nói lên tất cả về thực trạng xâm hại, bạo lực trẻ em đang xảy ra", bác sĩ Nguyễn Trọng An nói.
Không những lo ngại tình trạng xâm hại, bạo lực trẻ em chưa được phản ánh đúng, đủ, ông Nguyễn Trọng An còn cho rằng, nguy cơ các vụ việc xâm hại sẽ ngày càng gia tăng. Cùng với đó, tính chất, mức độ vi phạm cũng ngày càng nghiêm trọng hơn, dã man hơn.
"Liên tục dư luận phản ánh, đưa tin về các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục, bị hiếp dâm, học sinh bị giáo viên đánh đập, dâm ô... rất đáng ngại", ông An chia sẻ.
Giải pháp nào?
Để ngăn chặn và giảm thiểu những vụ việc xâm hại trẻ em, ông Nguyễn Trọng An cho rằng, cần triển khai, thực hiện nghiêm theo Luật trẻ em 2016, trong đó yêu cầu kiện toàn mạng lưới bảo vệ trẻ em ba cấp độ, bao gồm: cấp độ phòng ngừa, ngăn chặn; cấp độ hỗ trợ và cấp độ can thiệp.
Trong đó, quy định đặc biệt ưu tiên cấp độ dự phòng, phòng ngừa, ngăn chặn tư vấn. Hiện nay, chúng ta không có mạng lưới tư vấn cho các gia đình, phụ huynh, không có các mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em,... Vì thế, ngay ở khâu phòng ngừa, bảo vệ ngay từ đầu đã không thực hiện được.
Chính vì công tác phòng ngừa, bảo vệ không được thực hiện tốt nên không ngăn chặn được các vụ việc xảy ra mà phải đợi tới khi xảy ra rồi mới chạy theo để xử lý, hỗ trợ, giải quyết hậu quả.
Thời gian gần đây, do nhận thấy tình trạng xâm hại trẻ em ngày càng diễn ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng hơn, Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, trong đó yêu cầu các địa phương xây dựng mạng lưới cộng tác viên bảo vệ trẻ em, quy định lại 17 tổ chức bảo vệ trẻ em phải vào cuộc, thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết, thực tế chúng ta có tới 16 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng khi các vụ việc xảy ra gần như không thấy bóng dáng, tiếng nói của các cơ quan này.
Do đó, ông cho rằng, tới đây, cần phải quy rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, đồng thời, phải đưa ra các biện pháp xử lý nghiêm minh, nghiêm khắc với những đối tượng có hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em.
"Trước đây, chúng ta chỉ nghe thấy bố dượng hiếp dâm con riêng của vợ, hay bố dượng đánh đập con riêng nhưng bây giờ có cả những vụ việc một em bé tuổi vị thành niên bị tới 5 đối tượng đưa vào khách sạn để hiếp dâm. Hay vụ việc uống rượu, bia, hiếp dâm bạn học tập thể tại Quảng Trị...
Nguyên nhân trước hết là do xem nhẹ vấn đề giáo dục gia đình; thiếu mạng lưới cộng tác viên, tư vấn sớm, ngăn chặn sớm. Vì thế, các gia đình không có kiến thức, không có kỹ năng để bảo vệ con cái, đến khi vụ việc xảy ra mới ngỡ ngàng.
Bên cạnh đó, việc giáo dục giới tính, giáo dục trong nhà trường cũng hời hợt, mang tính hình thức, không trang bị được cho học sinh các kỹ năng sống cần thiết. Bản thân đạo đức các thầy cô giáo thời gian gần đây cũng bộc lộ nhiều vấn đề, khiến dư luận bức xúc, phụ huynh, học sinh thiếu tin tưởng.
Những tác động từ internet, mạng xã hội, phim ảnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ em nhanh chóng tiếp cận với những tệ nạn, chiêu trò, dễ sinh thói hư, tật xấu.
Và cuối cùng, vấn đề thực thi pháp luật thì chưa nghiêm, nhiều vụ việc xử lý còn gây cười, trở thành sự châm biếm của dư luận.
Điển hình như vụ phạt hành chính 200.000 đồng đối với nam thanh niên có hành vi dâm ô trong thang máy vậy.
Hay vụ việc ông Nguyễn Hữu Linh "nựng yêu" em bé trong thang máy tại TP.HCM, đây cũng là kẽ hở pháp lý, khiến những kẻ biến thái lợi dụng, lách luật nhằm trốn tránh trách nhiệm", ông An chỉ rõ.
TP HCM lập đoàn giám sát công tác phòng chống xâm hại trẻ em
Những bất cập trong việc phòng chống và thực trạng trẻ em bị bạo hành, xâm hại... sẽ được xem xét, kiến nghị giải quyết. |
Nhật Bản siết chặt luật chống xâm hại trẻ em sau những bi kịch
Sau vụ án bé gái 10 tuổi ở tỉnh Chiba bị bố sát hại, nội các Nhật Bản đã phê duyệt và dự kiến sẽ ... |
Ba Lan chia rẽ vì hàng loạt bê bối giáo sĩ xâm hại trẻ em gái
Hàng loạt bê bối xâm hại tình dục trẻ em do các linh mục gây ra khiến Ba Lan chấn động và chia rẽ, trong ... |
Ngày đăng: 23:20 | 12/04/2019
/ http://baodatviet.vn