Căng thẳng Ukraine giúp giá vàng thế giới tiếp tục xoay quanh 1.900 USD, kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng kỳ lục.
Chốt phiên giao dịch 18/2, mỗi ounce vàng thế giới giao ngay đứng yên so với phiên trước, tại 1.899 USD. Trong phiên Mỹ, giá vàng có thời điểm chạm 1.902 USD – mức đỉnh 8 tháng đã xác lập hôm 17/2.
Lo ngại căng thẳng Nga – Ukraine đã kéo giá tăng tuần thứ ba liên tiếp. Tổng cộng, kim loại quý lên thêm 1,9%.
Đối với thị trường trong nước, trong phiên giao dịch chiều qua 18/2, doanh nghiệp lớn tại Hà Nội niêm yết giá vàng miếng SJC tại 62,55 - 63,22 triệu đồng/lượng (mua - bán). Tại TPHCM, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng chiều bán ra là 63,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua bán khá cao lên tới 650.000 - 670.000 đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, lúc 7h30 sáng nay 19/2 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay trên Kitco là 1.899,2 USD/ounce.
Nhìn vào dữ liệu, giá vàng thế giới tăng 2,4% trong tuần này, tăng 3,63% so với đầu năm và tăng 6,75% trong 52 tuần qua.
Các chuyên gia nhận định, giá vàng tăng cao đến từ 2 nguyên nhân: Mối quan hệ giữa Nga - Ukraine trở nên bất ổn, tồi tệ hơn; áp lực lạm phát gia tăng.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết, Nga vẫn đang chuyển các đơn vị chính yếu áp sát biên giới của Ukraine dù Moscow vẫn khẳng định đang rút lui.
Theo các chuyên gia, ngòi nổ Nga và Ukraine chưa tháo gỡ sẽ dẫn đến sức ép lạm phát cao hơn. Nếu các nước phương Tây cấm vận Nga thì nước này cũng trả đũa lại bằng cách ngưng xuất khẩu các loại hàng hóa quan trọng.
Nếu điều này diễn ra, giá khí đốt sẽ tăng đầu tiên vì EU phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga (bởi Nga cung cấp 40% sản phẩm dầu mỏ và than đá, và 1/5 lượng khí đốt tự nhiên).
Do không có nhà sản xuất thay thế nào có khả năng bù đắp hoàn toàn nguồn cung cấp giá khí đốt thấp như Nga nên giá khí đốt tự nhiên của châu Âu có thể quay trở lại mức đỉnh 180 Euro/MWh, và điều này sẽ thúc đẩy lạm phát của khu vực sử dụng đồng Euro thêm 1,5%.
Giá lương thực cũng có nguy cơ tăng đột biến do xung đột này. Theo Capital Economics, Nga và Ukraine xuất khẩu 1/4 lượng lúa mì của thế giới. Thêm vào đó, Ukraine là nước xuất khẩu ngô lớn, trong khi Nga là một trong những nước xuất khẩu phân bón lớn nhất.
Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi được đặt ra là, giá kim loại quý sẽ ra sao, nếu căng thẳng địa chính trị giảm bớt, khi đó, vàng có bị bán tháo, mất giá như những lần trước hay không.
Các lãnh đạo tài chính G20 đã nhóm họp hôm 18/2 để thảo luận việc lạm phát và rủi ro địa chính trị đe dọa đà phục hồi mong manh trên toàn cầu.
Ông Edward Moya, chuyên gia phân tích Quỹ OANDA cho biết, vàng đang thu hút nhiều nhà đầu tư để tìm kiếm sự bảo vệ vì họ nhận ra rằng sẽ không có giải pháp nhanh chóng cho tình huống căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Ông Michael Hartnett đến từ Bank of America còn dự báo, suy thoái kinh tế sẽ xảy ra vào 6 tháng tới, thị trường sẽ chuyển trạng thái từ những "cú sốc" thành "cú sốc suy thoái". "Đấy là thời điểm vàng tỏa sáng khi giới đầu tư nhận ra rằng, mọi kỳ vọng về chính sách tiền tệ, tài khóa của họ đã quá mạnh mẽ", ông Michael nói.
Từ biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ mới đây của Fed, thị trường đã nhận ra sẽ có một cuộc điều chỉnh, tăng lãi suất sớm. Trong đó, nhiều kế hoạch sẽ được bổ sung và gia tăng để kiềm chế lạm phát.
PV (th)
Giá vàng ngày 18/2: Tăng cao nhất trong 8 tháng qua |
Giá vàng quay đầu tăng mạnh, lấy lại mốc 63 triệu đồng/lượng |
Giá vàng 16/2: Lao dốc sau 3 tháng |
Ngày đăng: 09:47 | 19/02/2022
/ Nghề nghiệp và cuộc sống