Sản lượng sầu riêng trong nước còn khoảng 260.000 tấn, trong khi nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao nên giá sầu riêng xô Ri 6 lên tới 120.000 đồng/kg.

Hết hàng, sầu riêng lại “sốt giá”

Sáng 5/11, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) trả lời VTC News về lý do giá sầu riêng tăng cao. Theo ông Cường, hiện tại, mùa cao điểm sầu riêng ở các tỉnh miền Tây và Đắk Lắk đã gần hết, chỉ còn lại sầu riêng trái vụ với diện tích nhỏ trên địa bàn tỉnh Gia Lai, sản lượng còn lại khoảng 260.000 tấn.

“Do sầu riêng còn sản lượng ít, trong khi nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc cao nên giá cả tăng. Giá đắt hay rẻ là do thị trường quyết định chứ ngành nông nghiệp không can thiệp”, ông Cường nói.

gia-sau-rieng-dang-tang-kha-cao-anh-ttxvn-13211429
Giá sầu riêng đang tăng khá cao (Ảnh: TTXVN).

Cũng trả lời VTC News sáng 5/11, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, sầu riêng tăng giá là điều đã dự báo trước khi vùng trồng lớn nhất là Đắk Lắk có đến hơn 23.000 ha đã thu hoạch xong.

"Bây giờ chỉ còn vùng Gia Lai, diện tích bằng 1/4 của Đắk Lắk, tương đương khoảng 5.000 ha và một ít sầu riêng trái vụ ở miền Tây. Trong khi ở miền Tây như Tiền Giang, Bến Tre sản lượng sầu riêng cũng lớn nhưng sầu riêng trái vụ rất ít. Nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc giữ nguyên trong khi nguồn cung tại các nước như Thái Lan, Philippines, Malaisia cũng đã hết hàng trái vụ nên giá tăng là điều dễ hiểu”, ông Nguyên nói.

Ông Nguyên dự báo, thời gian tới, hàng càng khan hiếm, sầu riêng có thể còn tăng giá tiếp. Như năm ngoái từng có đợt sầu riêng trái vụ tại vườn lên đến 200.000 đồng/kg.

“Hiện nay nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc rất lớn. Năm 2022 khoảng 4 tỷ USD, năm nay có thể lên đến 6 tỷ USD. Dự báo trong những năm tới Trung Quốc có thể nhập khẩu đến gần 20 tỷ USD, trong đó hơn 80% sản lượng là nhập khẩu của Thái Lan, còn lại chia đều cho các nước khác như Việt Nam, Malaysia, Philippines”, ông Nguyên phân tích.

Ông Nguyên cho biết, Trung Quốc có nhu cầu về sầu riêng rất lớn, trong khi đó họ chưa trồng được sầu riêng. Để có thể cung cấp đủ trong nước và không phụ thuộc nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, Trung Quốc cần ít nhất 20 năm nữa phát triển vùng trồng. Chưa kể cây sầu riêng phải mất ít nhất 6 năm mới có thể cho thu hoạch.

“Sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam đến 20 năm nữa vẫn có giá trị, thị trường xuất khẩu vẫn rất tốt và riêng thị trường Trung Quốc sẵn sàng bao sân hết khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó Việt Nam rất có lợi thế về logistic đường bộ, cảng biển rất thuận lợi, thời gian vận chuyển nhanh, chi phí thấp… Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ giúp chi phí rẻ hơn, thời gian nhanh hơn, giúp cho hàng hoá nông sản có sự cạnh tranh tốt hơn so với các nước khác”, ông Nguyên nói.

Cũng theo ông Nguyên, hiện nhiều nước đang phát triển cây sầu riêng, còn nước ta có sẵn lợi thế. Việt Nam cần khuyến khích người dân trồng nhưng cần theo quy hoạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không trồng ở vùng có nguy cơ xâm nhập mặn, vùng kém hiệu quả.

“Nếu hàng của mình có chất lượng, giá hợp lý, logistic thuận lợi, đảm bảo an toàn theo yêu cầu của nhà nhập khẩu thì mình yên tâm, sầu riêng có thể cạnh tranh với tất cả các nước trong khu vực”, ông Nguyên nói.

nhu-cau-nhap-khau-sau-rieng-cua-trung-quoc-hien-rat-lon-13253806
Nhu cầu nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc hiện rất lớn. (Ảnh minh hoạ).

Thương lái khó mua hàng

Ngày 5/11, một số doanh nghiệp thu mua sầu riêng tại Tiền Giang báo giá thu mua sầu riêng Ri 6 tại kho lên mức 123.000 đồng/kg (loại 1 và loại 2); 106.000 đồng/kg (loại 3) và hàng dạt lên mức 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Đối với sầu riêng Monthong, giá tại kho hàng loại 1 là 145.000 đồng/kg, loại 2 là 130.000 đồng/kg, cao hơn đến 30.000 - 40.000 đồng/kg so với 1 tuần trước đây, thời điểm Đắk Lắk vẫn còn hàng.

Ông Nguyễn Văn Trung (Chợ Gạo, Tiền Giang), doanh nghiệp chuyên cung cấp sầu riêng cho các đại lý tại Sài Gòn, Hà Nội và xuất khẩu sang Trung Quốc cho biết, do đang đầu mùa sầu riêng trái vụ ở miền Tây nên chỉ có một vài vùng ở Tiền Giang, Bến Tre có hàng thu hoạch.

"Cùng kỳ năm ngoái, giá mua ở vườn sầu riêng Ri 6 chỉ 70.000 - 80.000 đồng/kg, năm nay vọt lên 120.000 đồng/kg do Trung Quốc hút hàng. Là đơn vị chuyên doanh sầu riêng nhưng có ngày chúng tôi không mua được kg nào, còn thường chỉ được 1-2 tấn/ngày. Để duy trì hoạt động chúng tôi phải kinh doanh thêm một số loại trái cây khác như dừa, bưởi da xanh" ông Trung nói.

Cũng theo ông Trung, nếu tính đủ chi phí, lợi nhuận, sầu riêng bán lẻ nội địa loại 1 phải lên đến 200.000 đồng/kg và khoảng 600.000 đồng/trái - người tiêu dùng không mua nổi nên doanh nghiệp phải cắt lợi nhuận để ổn định hệ thống.

Ngày đăng: 20:51 | 05/11/2023

Phạm Duy / VTC News