Vấn đề công nghệ xây dựng của Trung Quốc không đáng lo bằng việc chúng ta ký hợp đồng như thế nào với họ.

Nhật bỏ chạy, có nên chào đón Trung Quốc?

Tập đoàn Geleximco vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT về việc hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành, theo hình thức đối tác công tư.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 25/8, ông Lê Trọng Sành, nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết: "Trước đây, khi có nhận định đưa ra cho rằng xây dựng sân bay Long Thành thay thế cho Tân Sơn Nhất là hoàn toàn sai lầm.

Quốc hội khóa 13 đã thông qua chủ trương, cho 150 triệu USD làm báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cuối năm 2018 mới báo cáo khả thi, cần 16 tỷ USD và 5000ha đất. Hiện nay, vẫn chưa quyết định cho doanh nghiệp nào đầu tư, vì cuối năm 2018 mới quyết định có cho đầu tư xây dựng hay không, nên chuyện bàn đầu tư bây giờ là quá sớm".

Theo ông Sành, bản thân ông đã từng chỉ rõ, xây dựng sân bay ở Long Thành gặp nhiều trở ngại như hướng gió thịnh hành chưa rõ, hướng gió sẽ ảnh hưởng đến việc an toàn trong hạ và cất cánh của máy bay. Cùng với đó là gần biển nên bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên vùng này dễ bị ngập.

Mô hình thiết kế sân bay Long Thành

Đặt câu hỏi, ông Sành nói: "Nhật Bản có đầu tư xây dựng không, hay là Trung Quốc, nếu Trung Quốc làm có ai đảm bảo sẽ đem lại chất lượng tốt, vấn đề an ninh quốc phòng được đảm bảo hay không?.

Bởi vì, hiện nay Trung Quốc đang xây dựng rất nhiều công trình trái phép trên các đảo ngoài biển Đông thuốc chủ quyền của Việt Nam, vậy có nên mời họ làm sân bay Long Thành tại địa điểm gần trái tim thứ hai của đất nước là TPHCM?.

Cảng hàng không quốc tế rất nhiều nước có thể làm được như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, nhưng bản thân người Nhật Bản đã làm nhiều, là đơn vị tư vấn ngay từ đầu của dự án, nhưng họ biết sân bay này không thể có hiệu quả kinh tế, không thể thu hút 100 triệu hành khách/năm. Chính vì thế cho nên bây giờ có mời đầu tư họ cũng không làm.

Hiện nay khu vực phía Nam có 7 sân bay cả Biên Hòa, Đà Lạt, Cần Thơ, Phú Quốc, nên chỉ cần mở rộng Tân Sơn Nhất nhanh và hiệu quả. Tôi cũng đã từng chỉ ra 8 lý do không nên làm Long Thành, đầu tư lớn thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng".

Đừng đổ lỗi một phía

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON cho rằng, từ trước đến nay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) được giao làm chủ đầu tư, trong khi vốn tự có của ACV chỉ có 98 triệu USD, vì vậy, ACV phải đứng ra vay mười mấy tỷ USD để xây sân bay Long Thành, thực ra là nhà nước Việt Nam đi vay.

Bây giờ, Geleximco đề nghị được đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, theo hình thức đối tác công tư BT, hình thức này khác với hình thức ACV đầu tư ra sao?.

Với hình thức này, ACV không còn làm chủ đầu tư, mà Nhà nước Việt Nam trực tiếp ký hợp đồng BT với nhà đầu tư BT, Tập đoàn Geleximco, Tập đoàn Geleximco sẽ bỏ ra toàn bộ mười mấy tỷ USD, bỏ công sức ra xây dựng công trình, khi công trình hoàn thành thì lập tức bàn giao công trình cho Nhà nước Việt Nam.

Nhà nước Việt Nam sẽ trả lại dầy đủ số tiền mà Nhà đầu tư BT đã bỏ ra, cả vốn, cả lãi, trả theo số lượng và nhịp độ như đã khẳng định trong Hợp đồng ban đầu giữa hai bên.

Kết quả là, cả hai phương thức đầu tư, thì cuối cùng nhà nước Việt Nam đều phải trả hết nợ, một đằng là nhà nước trực tiếp đi vay và trực tiếp trả nợ, còn một đằng là nhà đầu tư BT “tự bỏ vốn ra”, thực chất là “cho nhà nước vay”, cuối cùng vẫn là nhà nước Việt Nam phải trả nợ.

Cái lợi ở đây là, nhà nước Việt Nam khỏi phải “chạy đôn chạy đáo” cửa này cửa khác vay tiền, vì bây giờ đã có “ông nhà giàu”, “tự nguyện” cho vay.

Như vậy cả hai hình thức giống nhau ở chỗ: Nhà nước phải trả nợ, phải lấy tiền thuế của dân để trả nợ, chung quy lại là dân trả nợ.

Nếu có khác nhau thì chỉ ở một điểm: khoản tiền thất thoát trong đầu tư xây dựng ở Việt Nam là 30%, với 18 tỷ USD đầu tư thì tiền thất thoát gần 6 tỷ USD, sẽ đi đâu?. Một đằng là của chủ đầu tư ACV và những người liên quan, một đằng là của Nhà đầu tư BT.

Hóa ra, cuối cùng Nhà nước vẫn phải chịu, dân vẫn phải nai lưng ra nộp thuế. Gần đây, có những công trình do Trung Quốc xây dựng ở Việt Nam gặp nhiều sự cố nặng nề, đáng buồn. Từ đó, dư luận của người Việt thường kỳ thị công nghệ thiết bị Trung Quốc, cho rằng công nghệ thì lạc hậu, thiết bị thì “dởm”.

Khi nghe tin Tập đoàn Geleximco kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay Long Thành, nhiều người đã rất lo lắng, ý không muốn “dây” với công nghệ thiết bị Trung Quốc.

"Tôi nghĩ việc quan trọng nhất là phải nghiên cứu, đi đến xác định và so sánh lợi ích giữa việc đầu tư theo kiểu này hay kiểu kia, chứ không phải lựa chọn hay không chọn nhà đầu tư là doanh nghiệp Trung Quốc.

Công nghệ của Trung Quốc không thể chê, rất phát triển, rất hiện đại, Trung Quốc là 1 trong 3 nước hàng đầu thế giới về công nghệ và thiết bị hiện đại và tiên tiến. Họ đang xây sân bay Bắc Kinh lớn nhất thế giới, sẽ hoàn thành vào năm 2019, với 150 triệu đến 200 triệu hành khách/năm.

Còn sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh hiện nay, khánh thành năm 2009, đang là sân bay bận rộn thứ hai thế giới và là sân bay bận rộn nhất châu Á.

Tôi nghĩ công nghệ và thiết bị cung cấp cho Việt Nam tốt hay xấu là do hợp đồng giữa Việt Nam với Trung Quốc, hay với bất cứ nước nào khác cũng vậy, tiền nào của ấy, cứ lựa chọn công nghệ rẻ tiền, thiết bị rẻ tiền, thiết bị cũ rích, sắp hết tuổi sử dụng, lại thiếu trình độ quản lý, thì làm sao tốt được?

Cho nên, không phải lỗi của nước nào hết, lỗi là ở hợp đồng mà chúng ta đã ký kết với người ta khi mua sắm công nghệ và thiết bị.

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vi-sao-geleximco-muon-hop-tac-trung-quoc-xay-long-thanh-3341833/)

Ngày đăng: 09:13 | 26/08/2017

Theo Châu An/Đất Việt /