F0 ở Hà Nội thời gian gần đây thường ở mức 2.800 - 2.900 ca, không tăng lên hay giảm xuống rõ rệt, điều này có đáng lo?

Gần tháng nay, Hà Nội liên tục ghi nhận số ca mắc một ngày gần 3.000 ca. Gần đây là các ngày 24/1 - 2.801 ca, ngày 25/1 - 2.957 ca, ngày 26/1 - 2.884 ca. Riêng 27/1, Hà Nội phát hiện 2.885 ca tại 407 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Nhiều người băn khoăn vì sao suốt thời gian dài, F0 ở Hà Nội chỉ dao động 2.800 - 2.900 ca, không tăng lên nhưng cũng không giảm xuống. Một vài người còn lo lắng công tác chống dịch ở Hà Nội vẫn ở mức cao, chưa hạ nhiệt.

Vì sao F0 ở Hà Nội chỉ khoảng 2.800 - 2.900 ca, không tăng cũng không giảm? - 1
(Nguồn: Sở Y tế Hà Nội)

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, số liệu trên cho thấy Hà Nội vẫn đang kiểm soát được dịch.

“2.800 hay 2.900, thậm chí là hơn 3.000 ca so với dân số hơn 13 triệu dân của Hà Nội cũng không thể hiện rõ tình hình dịch. Vì vậy, số ca bệnh tăng và giảm dù vài chục hay vài trăm ca mỗi ngày cũng vẫn nằm trong tầm kiểm soát thành phố", ông Phu nói.

Bên cạnh đó, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ở Hà Nội cũng không tăng cao. Theo ông Phu điều đó chứng tỏ Hà Nội đang kiểm soát tốt được dịch COVID-19. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận định thời gian tới, dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, giao lưu của người dân tăng, tình hình dịch ở Hà Nội còn phức tạp. Vì vậy mọi người cần tuân thủ đúng thông điệp 5K của Bộ Y tế. Ngoài ra, người cần nên hạn chế các cuộc gặp gỡ, thăm hỏi, tụ tập ăn uống để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Vì sao F0 ở Hà Nội chỉ khoảng 2.800 - 2.900 ca, không tăng cũng không giảm? - 2
Điều trị bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Bộ Y tế)

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội bày tỏ, số ca COVID-19 ổn định thời gian qua cho thấy Hà Nội đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Đây là kết quả của cả quá trình phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vaccine COVID-19 cho người dân.

Ông Hùng nhận định thời gian số ca mắc vẫn tăng song không đột biến. Trong khi đó, người bệnh nặng, hay số ca tử vong của Hà Nội so với cả nước khá thấp. "Dịch trên địa bàn thủ đô không có gì đáng ngại”, ông nói. Việc người dân tiêm đủ liều vaccine; tổ chức thu dung điều trị hợp lý, tăng điều trị cách ly tại nhà sẽ giúp ngành y tế không quá tải.

Bệnh nhân nặng, tử vong trong kiểm soát

Tại hội nghị giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong tuần từ 19/1 đến 25/1, trung bình thành phố ghi nhận 2.902 ca/ngày.

Số ca mắc cơ bản đang được kiểm soát tốt, song, dự báo, tuần tiếp theo có thể ghi nhận mức giảm “giả tạo” do người dân về quê đón Tết và sẽ tăng trở lại sau Tết. Công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát. Thành phố đang ở cấp độ 2 trong phòng, chống dịch.

Theo Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, hiện các ca mắc COVID-19 vẫn tăng cao, trong đó, số ca cộng đồng khoảng 30%. Nhận định sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, F0 có thể tăng cao hơn, do giao lưu, giao thương của người dân trong dịp Tết sẽ tạo điều kiện cho dịch bùng phát. Ngành y tế đã xây dựng các phương án phòng chống sự lây lan của biến chủng mới, trong đó, đảm bảo được mục tiêu là giảm tỷ lệ chuyển tầng, giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Bên cạnh đó, ngành Y tế sẵn sàng không có ngày nghỉ lễ Tết để phục vụ người dân trong xét nghiệm, tiêm chủng.

Hà Nội ghi nhận 14 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, trong đó 1 trường hợp cộng đồng. Lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh, cần tiếp tục theo dõi sát và áp dụng các biện pháp kiểm soát lây nhiễm chặt đối với các chuỗi lây nhiễm biến chủng này.

THANH HẢI - PHẠM QUÝ

Ngày đăng: 08:00 | 29/01/2022

/ vtc.vn