Hà Nội đang phải đối mặt với bài toán làm sao để chất lượng giáo viên giữa các quận, huyện trở nên tương đối đồng đều.
Bày tỏ lo ngại khi điểm chuẩn vào lớp 10 công lập ở Hà Nội chênh lệch quá lớn giữa trường thuộc quận trung tâm, vùng ven và nông thôn, ông Nguyễn Quốc Bình, nguyên hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, hiện là hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn, cho rằng nguyên nhân đầu tiên là chất lượng đội ngũ giáo viên. Hà Nội rất chú trọng nâng cao trình độ giáo viên, nhưng chất lượng chưa đồng đều, đặc biệt là vùng khó khăn về kinh tế, xã hội.
"Dễ dàng nhận thấy hầu như giáo viên giỏi ở vùng ven, nông thôn đổ dồn về khu vực trung tâm. Như vậy, ở các trường vùng xa, khoảng trống về đội ngũ giáo viên giỏi sẽ xuất hiện", ông Bình nói.
Khẳng định giáo viên quyết định chất lượng giáo dục, ông Bình cho rằng Hà Nội đang phải đối mặt với bài toán lớn là làm sao để chất lượng giáo viên giữa các quận, huyện trở nên tương đối đồng đều. Đây là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới trên toàn thành phố.
Thí sinh dự thi vào lớp 10 tại Hà Nội năm 2019. Ảnh: Giang Huy |
Nguyên nhân thứ hai, theo ông Bình, là điều kiện cơ sở vật chất, môi trường học tập ở một số huyện còn khó khăn. Được thành phố đầu tư nhiều nhưng do điều kiện kinh tế - xã hội, học sinh vùng nông thôn của thủ đô vẫn không thể có môi trường học tập, giao tiếp như học sinh ở các quận trung tâm.
Lý do thứ ba xuất phát từ gia đình học sinh. Thực tế cho thấy học sinh vùng nông thôn, vùng khó khăn rất ít được học thêm, hầu hết chỉ học một buổi ở trường còn một buổi ở nhà phụ giúp gia đình. Do đời sống khó khăn, phụ huynh chưa chăm lo, quan tâm đến việc học tập của con em. Vì vậy, thời gian dành cho việc học không thể nhiều như đa số học sinh trong trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, ông Bình khẳng định không phải cứ học sinh vùng khó khăn là học kém. "Nhìn rộng ra cả nước có thể thấy nhiều tỉnh khó khăn hơn Hà Nội rất nhiều, như Nghệ An nhưng chất lượng giáo dục vẫn tốt, mức độ chênh lệch, phân hóa không quá rộng như Hà Nội hiện nay", ông Bình nêu ví dụ và cho rằng nếu học sinh có ý chí, được gia đình quan tâm, giúp đỡ và được thầy cô tận tình, trách nhiệm, có chuyên môn giỏi thì chất lượng giáo dục chắc chắn tăng.
Nguyên hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho rằng Hà Nội cần có chiến lược tổng thể, dài hạn cho tất cả cấp học nhằm thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các khu vực - điều đang được thể hiện rất rõ qua điểm chuẩn vào lớp 10.
Nói về những lo ngại khi học sinh có đầu vào thấp, ông Bình bày tỏ đồng cảm với thầy cô những trường như Đại Cường, Mỹ Đức C hay Minh Quang. Trình độ học sinh thấp khiến việc giáo dục trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Giáo viên sẽ vất vả, mất nhiều thời gian hơn để nghiên cứu bài giảng sao cho phù hợp với học sinh và phải có phương pháp giáo dục đặc thù giúp các em nâng cao ý thức học, có khát vọng thay đổi cuộc sống. Ban giám hiệu sẽ khó khăn trong việc tìm tòi phương pháp quản lý, lựa chọn chương trình làm sao nâng cao chất lượng.
"Kinh tế của Hà Nội cũng có khoảng cách giữa các quận, huyện, nhưng không đến nỗi quá cách biệt như giáo dục. Chúng ta không thể cho phép khoảng cách quá xa như vậy ở một nơi được nhận định là dẫn đầu cả nước về giáo dục", ông Bình nói.
Ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho rằng, có ba yếu tố quyết định đến chất lượng giáo dục, gồm: khả năng của học sinh, thời gian học và giáo viên (bao gồm cả chương trình ôn luyện mà giáo viên đưa ra).
Trong nội thành, điều kiện học tập của học sinh tốt hơn ngoại thành, cả về cơ sở vật chất và giáo viên. Học sinh nội thành có nhiều cơ hội được học giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm luyện thi, thời gian học của các em cũng nhiều hơn bạn bè ở vùng ven. "Đa số học sinh ngoại thành không có điều kiện dành toàn thời gian cho việc học tập. Ngoài giờ học, các em còn lao động, giúp đỡ gia đình", ông Đạt nói và nhấn mạnh xét về năng lực thì các em không kém nhau.
Một thực tế khác là vùng lõi thủ đô gồm các quận nội thành có nhiều trường nổi tiếng nên được học sinh giỏi trên toàn địa bàn, gồm cả những em ở vùng ven và ngoại thành đăng ký, chứ không riêng học sinh ở nội thành. Theo chọn lọc tự nhiên, những trường ngoài vùng lõi, xa trung tâm ít sự lựa chọn thì phải lấy điểm thấp để có học sinh.
"Chính sách từ thành phố là giống nhau với các trường, không có ưu ái hay coi nhẹ, vấn đề nằm ở cấp cơ sở, tức là nhà trường. Nhưng có một cái khó là nếu nhà trường nỗ lực mà thiếu quan tâm từ gia đình, hay học sinh muốn nhưng điều kiện không cho phép thì kết quả cũng không thể cao", ông Đạt nói.
Năm 2019, Hà Nội có 85.870 thí sinh dự thi lớp 10 THPT công lập (tính cả thí sinh được xét tuyển thẳng). Tổng chỉ tiêu vào các trường công lập và công lập tự chủ là 67.230. Số còn lại phải học các trường ngoài công lập với mức học phí cao hơn hẳn hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, học nghề. Đây là năm đầu tiên thành phố chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào lớp 10 công lập, không tính điểm rèn luyện và học tập của học sinh ở bậc THCS; và cũng là lần đầu tiên thí sinh phải thi bốn môn gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và Lịch sử, trong đó Lịch sử được công bố vào tháng 3. Điểm chuẩn vào lớp 10 công lập cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa các trường thuộc quận trung tâm, vùng ven và nông thôn. Nếu như học sinh thi vào trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) phải đạt trung bình 8,125 điểm mới đỗ thì thí sinh đăng ký trường Đại Cường (huyện Ứng Hòa), Mỹ Đức C (Mỹ Đức) hay Minh Quang (Ba Vì) chỉ cần 2,7 điểm. Trường có điểm chuẩn thấp nhất của quận Hoàn Kiếm là THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (42,5 điểm) cũng cao hơn trường lấy điểm trúng tuyển cao nhất của huyện Thanh Oai (THPT Thanh Oai A) tới 13 điểm. |
Thi lớp 10 ở Hà Nội: 8 điểm mỗi môn vẫn trượt, 3 điểm đỗ
Trong khi trường THPT Chu Văn An lấy điểm chuẩn 48,75 thì trường Đại Cường hay Minh Quang chỉ lấy 16 điểm. |
Ngày đăng: 20:23 | 18/06/2019
/ VnExpress