Dịch vụ ứng tiền giúp khách hàng hết tiền trong tài khoản có thể lập tức liên lạc trở lại bình thường… của các nhà mạng diễn ra phổ biến với mức phí khá cao. Vậy, dịch vụ ứng tiền này có phải là cho vay lãi nặng?
Dịch vụ ứng tiền của nhà mạng viễn thông là việc khách hàng sử dụng mạng được phép ứng trước một khoản tiền khi tài khoản hết tiền, không sử dụng được các dịch vụ.
Theo đó, nhà mạng sẽ cho người sử dụng dịch vụ viễn thông nạp tiền trước vào tài khoản điện thoại để sử dụng dịch vụ và sẽ được thanh toán vào lần nạp tiền điện thoại tiếp theo.
Điều đáng nói là mức phí dịch vụ đang áp dụng của các nhà mạng khi cho khách hàng ứng tiền khá cao, từ 10-30%. Thông thường, mức ứng tiền dao động từ 5-200.000 đồng. Số tiền ứng trước và phí dịch vụ sẽ được lập tức trừ từ tài khoản của khách hàng, khi khách hàng nạp tiền.
Việc ứng trước và thông báo mức tiền phí dịch vụ thường được thực hiện thông qua tin nhắn gửi đến khách hàng hoặc cấu trúc nhắn tin khách hàng gửi đến nhà mạng.
Nhận xét về dịch vụ ứng tiền của các nhà mạng, chị Lê Thu Trang - nhân viên văn phòng ở quận Thanh Xuân, Hà Nội - khách hàng sử dụng mạng viễn thông gần 30 năm cho rằng, dịch vụ ứng tiền đem lại nhiều thuận tiện cho người sử dụng, nhất là khi cần giải quyết nhu cầu gọi điện, nhắn tin... trong những tình huống cấp bách nhưng tài khoản điện thoại bỗng dưng hết tiền. Tuy vậy, mức phí dịch vụ mà các nhà mạng đang thu ở mức khá cao khiến khách hàng có cảm giác mình như con nợ đi vay lãi nặng.
Việc sử dụng mạng di động và dịch vụ ứng tiền của các nhà mạng ngày càng phổ biến |
Phân tích về dịch vụ ứng tiền của nhà mạng dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, dịch vụ ứng tiền của nhà mạng phát sinh trên cơ sở lợi ích tăng thêm của khoản ứng trước của nhà mạng. Theo BLDS 2015, dịch vụ này không phải một dạng của hợp đồng vay tài sản.
Điều 463 BLDS 2015 quy định, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
Bên cạnh đó, lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay…
Như vậy, việc ứng tiền đúng là sự thoả thuận của các bên nhưng không phải bên cho vay giao tài sản của mình cho bên vay bởi nhà mạng không cho khách hàng vay tiền để sử dụng mà họ chỉ được sử dụng dịch vụ của nhà mạng như gọi điện, nhắn tin...
Khi đến hạn, khách hàng chỉ cần nộp tiền vào tài khoản sim mà không phải trả lại dịch vụ mà nhà mạng đã cung cấp. Khi đó, nhà mạng sẽ khấu trừ mức chi phí sử dụng đã ứng trước đó cùng tiền “lãi” theo thoả thuận.
“Từ phân tích trên có thể thấy dịch vụ ứng tiền của nhà mạng là một dạng của hợp đồng dịch vụ dựa trên sự thoả thuận của hai bên nên dù nhà mạng có mức thu phí dịch vụ ứng tiền lên đến 30% vẫn không phải hành vi cho vay lãi nặng theo quy định hiện hành” - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.
Ngày đăng: 10:56 | 23/08/2023
H.L / ANTĐ