CQĐT xác định Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam “định kỳ” nhận hối lộ để cấp giấy phép thành lập các trạm đăng kiểm và gây ra những hành vi vi phạm pháp luật khác.
Như ANTĐ thông tin, ngày 11-1, CATP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo thông tin quá trình điều tra sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn thành phố và nhiều tỉnh miền Tây.
Ông Đặng Việt Hà bị bắt về hành vi Nhận hối lộ |
Theo đó, Cơ quan CSĐT CATP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà (51 tuổi), Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam để điều tra về tội Nhận hối lộ.
Trước đó, ngày 28-12-2022, CQĐT CATP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp CATP Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thực hiện Lệnh khám xét khẩn cấp Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam (địa chỉ số 18 Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Tiếp đó, ngày 4-1-2023, Cơ quan CSĐT CATP Hồ Chí Minh đã bắt 3 bị can (đều công tác tại Cục Đăng kiểm Việt Nam) về tội "Nhận hối lộ". Gồm: Trần Anh Quân (SN 1963), Quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới; Đặng Trần Khanh (SN 1976), Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới; Phạm Đức Ngọc (SN 1966), chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT CATP Hồ Chí Minh có đủ căn cứ xác định các hành vi vi phạm pháp luật có hệ thống được chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới, xảy ra trong thời gian rất dài gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng của các nhân viên, lãnh đạo các trạm đăng kiểm, lãnh đạo và nhân viên Phòng kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm và cá nhân Cục trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà.
Ngay từ đầu để thành lập các trạm đăng kiểm này, các đối tượng đã “chung chi” hàng trăm triệu đồng cho các cán bộ, lãnh đạo Phòng kiểm định xe cơ giới và cho Cục trưởng Cục Đăng kiểm để cấp giấy phép thành lập các trạm đăng kiểm và gây ra những hành vi vi phạm pháp luật. Hàng tháng, hàng quý các trạm đăng kiểm đều “chung chi” cho cán bộ, lãnh đạo Phòng kiểm định xe cơ giới và cho ông Đặng Việt Hà.
Đến nay, Cơ quan CSĐT CATP Hồ Chí Minh cùng Cơ quan CSĐT Công an các quận, huyện, TP. Thủ Đức đã tiến hành khám xét đối với 13 Trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Sóc Trăng.
Kết quả điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố và ra lệnh khám xét đối với 84 bị can về các tội: “Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác”. Trong đó, 80 bị can là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các Trung tâm Đăng kiểm và các đối tượng môi giới.
Đặc biệt, dấu hiệu sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm ở nhiều địa phương cũng đang được Công an cơ sở xác minh, điều tra xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Sử dụng phần mềm để can thiệp hệ thống đăng kiểm
Quá trình điều tra ban đầu xác định các Trung tâm đăng kiểm đã bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra hoặc cho thuê phụ tùng thay thế; sử dụng phần mềm để can thiệp hệ thống đăng kiểm. Hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo dạng “làm luật”. Các Trung tâm đăng kiểm đã cấp 52.300 giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Số tiền các đối tượng thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng.
Nhiều Trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lập danh sách Kiểm định viên ảo, hợp thức hóa quy định của Chính phủ khi thành lập Trung tâm đăng kiểm như phải có 3 Kiểm định viên và phải có 1 Kiểm định viên bậc cao.
Thậm chí, khi bị bắt, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-17D ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) còn không biết viết, không biết đọc. Hỏi thì người này khai học hết lớp 3 từ 50 năm trước nên không biết chữ nhưng vẫn lên làm giám đốc. Đây là một loại “vi rút Việt Á” trong kiểm định phương tiện. Bộ Công an đang tiếp tục điều tra mở rộng, số lượng bị can sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
(Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng Bộ Công an thông tin kết quả điều tra ban đầu của CQĐT CATP Hồ Chí Minh tại các Trung tâm đăng kiểm, hôm 3-1 vừa qua, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ).
https://www.anninhthudo.vn/vi-sao-cuc-truong-cuc-dang-kiem-viet-nam-bi-bat-post528459.antd
Ngày đăng: 10:19 | 12/01/2023
H.Q / anninhthudo.vn