Thượng tá Lê Mạnh Hà nêu loạt nguyên nhân khiến lực lượng chức năng khó xử lý dứt điểm xe thô sơ chở hàng cồng kềnh, trong đó có nguyên nhân từ áp lực dư luận.

Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin kinh tế - xã hội TP.HCM, chiều 23/11, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM nêu những nguyên nhân khó xử lý được dứt điểm vấn nạn xe thô sơ chở hàng cồng kềnh dù CSGT thường xuyên ra quân kiểm tra.

Theo Thượng tá Hà, xe thô sơ là loại xe đầu tư rẻ tiền, tải trọng chở khá lớn, dễ dàng di chuyển vào các hẻm nhỏ. Đây là loại phương tiện xe tự chế, khó quản lý do thường xuyên hoạt động trên địa bàn giáp ranh các tỉnh, khu vực hoạt động ở các chợ truyền thống.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TP.HCM. (Ảnh: Thành Nhân).

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu, Công an TP.HCM. (Ảnh: Thành Nhân).

Người sử dụng phương tiện xe thô sơ đa phần là người có thu nhập thấp, ý thức chấp hành của người điều khiển phương tiện còn hạn chế. Ngoài ra, do nhu cầu mưu sinh nên nhiều người cố tình sử dụng các loại phương tiện này để hoạt động gây mất an toàn.

Bên cạnh đó, quá trình kiềm tra, xử lý, người vi phạm không chấp hành hợp tác làm việc, bỏ lại phương tiện gây khó khăn cho công tác tạm giữ, quá trình tịch thu, tiêu hủy. Việc thanh lý phương tiện cũng mất nhiều thời gian khiến diện tích kho bãi trở nên chật, hẹp, xảy ra tình trạng không đủ kho bãi để tạm giữ.

 

"Giá thành lắp ráp quá rẻ, nhanh thu lợi nhuận nên khi lực lượng chức năng xử lý, tịch thu phương tiện, người dân vẫn tiếp tục lắp ráp hoạt động. Và một bộ phận người dân do không tìm được công việc phù hợp nên vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm", Thượng tá Hà nói.

Đặc biệt, trong quá trình xử lý, lực lượng chức năng phải chịu áp lực nhiều từ dư luận, xuất phát từ những tình cảnh khó khăn của người dân. 

Theo ông Hà, từ đầu năm 2023, CSGT TP.HCM đã tổ chức kế hoạch chuyên đề xử lý xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, trọng tâm là xe ba bánh, xe thô sơ, xe máy và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên qua các năm.

Trong 11 tháng đầu năm, CSGT phát hiện 17.888 xe máy chở hàng hóa cồng kềnh, 3.601 xe máy thiết bị kỹ thuật không đảm bảo. Đối với xe ba bánh, CSGT đã phát hiện 2.390 phương tiện, trong đó 922 trường hợp chở hàng hóa quá khổ giới hạn.

"Việc xử lý các phương tiện xe ba, bốn bánh được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiều năm của lực lượng CSGT, trong đó việc tăng cường xử lý hiệu quả nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông là mục tiêu thực hiện của lực lượng CSGT.

Công an TP.HCM cũng đã có văn bản yêu cầu lực lượng CSGT tăng cường xử lý hiệu quả đối với loại phương tiện này, mở rộng xử lý các phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật", Thượng tá Hà nói.

https://vtc.vn/vi-sao-csgt-ra-quan-nhieu-van-khong-xu-ly-duoc-dut-diem-xe-cho-hang-cong-kenh-ar836141.html

Ngày đăng: 20:08 | 23/11/2023

Hoàng Thọ / VTC News