Chỉ trong 4 phiên của tuần qua, VN-Index đã để mất hơn 100 điểm và trở thành tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 10/2022.
Liên tục lao dốc
Thị trường chứng khoán đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index giảm mạnh 101,75 điểm (-7,97%) và đóng cửa ở 1.174,85 điểm.
Đây là tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 10/2022 đến nay. Trên sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng trải qua một tuần biến động rất mạnh theo chiều hướng giảm.
Theo đó, chỉ số HNX-Index kết thúc tuần tại 220,8 điểm, giảm -8,51% so với tuần trước; chỉ số UPCoM-Index cũng giảm -4,44%, chỉ còn 87,16 điểm.
Không chỉ có điểm số, các nhóm ngành phần lớn đều giảm và mặt bằng giá các cổ phiếu cũng giảm sâu. Sắc đỏ bao trùm khi các cổ phiếu giảm trên diện rộng.
Trả lời VTC News, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, diễn biến giao dịch chứng khoán những ngày qua không phải điều quá bất ngờ.
Tuần qua chứng khoán đã có những phiên lao dốc mạnh. (Ảnh minh hoạ: Tin nhanh chứng khoán).
Nhịp giảm mạnh xuất phát từ áp lực chốt lời đáng kể, đặc biệt VN-Index đã neo ở vùng đỉnh 19 tháng trong một khoảng thời gian khá dài. VN-Index đã tăng khá mạnh kể từ đầu năm (+11% từ đầu năm), khiến giá của nhiều cổ phiếu đang ở trạng thái tương đối đắt đỏ.
“Có nhiều nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán giảm sâu. Đó là từ đầu tháng 4 đến nay, những rủi ro đã hiện hữu như giá USD tại Việt Nam tăng mạnh, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, thị trường chứng khoán của Mỹ giảm sâu. Thêm vào đó, thông tin về căng thẳng tại Trung Đông như “giọt nước tràn ly”, tạo hiệu ứng domino khiến thị trường giảm”, ông Minh nói.
Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng, lãi suất huy động một số ngân hàng đã tăng, lãi suất cho vay chưa tăng theo hoặc nếu tăng chỉ tăng nhẹ.
“Nguyên nhân nữa là vì tăng trưởng tín dụng vẫn đang thấp. Khả năng cao, các ngân hàng sẽ phải hy sinh bớt lợi nhuận trong vài quý tới để bảo đảm vừa tăng trưởng tín dụng, nhưng không gây ra áp lực lãi suất quá lớn do Chính phủ vẫn đang duy trì nới lỏng chính sách tiền tệ”, ông Minh cho biết.
Trong khi đó, ông Đào Minh Châu, Phó giám đốc phân tích của SSI cho rằng, sự biến động của thị trường chứng khoán tuần qua có thể do tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng trước thông tin căng thẳng giữa Iran - Israel. Không chỉ chứng khoán Việt Nam mà nhiều thị trường chứng khoán trong khu vực cũng giảm.
Bên cạnh đó, tỷ giá đồng USD tăng, giá vàng phi mã cùng việc thị trường sắp nghỉ lễ dài ngày cũng ảnh hưởng tới lực cầu, đẩy chứng khoán mất một lượng điểm lớn.
Còn ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT CTCP AZfin Việt Nam lại cho rằng, chứng khoán sụt giảm không có yếu tố bất ổn của kinh tế vĩ mô mà có thể do một nhóm nhà đầu tư lớn quyết định bán một số cổ phiếu trụ, kéo theo toàn bộ thị trường bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng domino và giảm theo.
"Rất có thể những nhà đầu tư này chịu áp lực tâm lý và bán bất chấp, khiến thị trường nhanh chóng lao dốc", ông Phục nói.
Ngoài ra, trên thị trường cũng đã xuất hiện những thông tin đồn đoán thất thiệt, tạo áp lực tâm lý lên nhà đầu tư.
Cơ hội hay rủi ro?
Hầu hết chuyên gia đều khuyến cáo rằng tại thời điểm này, điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cần bình tĩnh, xem lại danh mục để có chiến lược phù hợp. Cần giữ vững tâm lý bình tĩnh, tránh để cảm xúc chi phối, không nên bán tháo cổ phiếu trong lúc thị trường giảm điểm mạnh.
Chứng khoán tuần qua chứng kiên những phiên giảm giá mạnh. (Ảnh minh hoạ: Thời Báo Tài chính).
“Nhà đầu tư không nên hoảng loạn bán đuổi trong các phiên giảm điểm mạnh, giữ tâm lý ổn định, chờ những nhịp phục hồi để cơ cấu lại danh mục. Nhà đầu tư nên thận trọng trước diễn biến tiêu cực của thị trường và giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn.
Tạm thời, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua ngắn hạn tại một số cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và tiếp tục giảm nhanh về vùng hỗ trợ mạnh trong thời gian gần tới", ông Đào Minh Châu khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Đặng Trần Phục cho rằng, trong bối cảnh chứng khoán có nhièu biến động, nhà đầu tư hãy dành thời gian để phân tích tình hình thị trường và đưa ra quyết định dựa trên phân tích logic.
Thậm chí, theo ông Đặng Trần Phục, đây lại là cơ hội rất tốt để tiếp tục đầu tư khi cổ phiếu giảm.
"Nếu thị trường chứng khoán phản ứng quá đà thì có thể trở thành cơ hội cho các nhà đầu tư”, ông Phục nói.
Ông Phục đưa ra lời khuyên nhà đầu tư nên chuẩn bị tiền để mua cổ phiếu có giá hấp dẫn với 4 tiêu chí gồm: Cổ phiếu và danh mục cổ phiếu có tỷ lệ lợi tức cao, nghĩa là bằng lãi gửi ngân hàng hoặc cao hơn; Doanh nghiệp vẫn còn tiềm năng cân đối kết quả kinh doanh khi kinh tế hồi phục; Doanh nghiệp không có hoạt động kinh doanh phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế thế giới;
Và cuối cùng là định giá phải rẻ, phải thấp hơn so với trung bình lịch sử.
Tuy vậy, chuyên gia nhấn mạnh nhà đầu tư cần kiên nhẫn và chờ đợi thời điểm thích hợp để mua vào. Không nên vội vàng mua khi thị trường vẫn đang trong giai đoạn hoảng loạn. Đồng thời lưu ý hạn chế sử dụng margin thời điểm này.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Minh, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam khuyến cáo: "Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn hạn chế bán tháo ở giai đoạn này, dừng bán và quan sát thị trường. Đồng thời, nếu các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao thì có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp".
Còn Công ty chứng khoán Asean thì khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục quan sát, tránh mở mua mới quá sớm và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp - trung bình. Nhà đầu tư cũng không nên vội vàng mua thêm khi đang nắm giữ tỷ trọng cao và ưu tiên bán giảm vị thế, cơ cấu lại danh mục trong các nhịp hồi phục sớm.
Ngày đăng: 12:35 | 21/04/2024
Phạm Duy / VTC News