Quy định thu thuế thu nhập cá nhân hoặc xử phạt hành chính cùng mức bằng 45% giá trị tài sản không giải trình được nguồn gốc bị cho là tạo kẽ hở cho tham nhũng phát sinh

Ngày 31-5, Quốc hội (QH) nghe và thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Nhiều đại biểu (ĐB) đã tranh luận sôi nổi một số nội dung, nhất là về đối tượng kê khai tài sản và việc xử lý tài sản tham nhũng.

Mở rộng đối tượng kê khai tài sản

Điểm mới của dự thảo luật là mở rộng đối tượng kê khai tài sản thuộc phạm vi điều chỉnh.

ĐB Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, đồng tình với phương án mở rộng đối tượng kê khai tài sản. Cụ thể, cán bộ công chức và viên chức từ phó phòng trở lên đều phải kê khai tài sản khi được bổ nhiệm lần đầu để phục vụ mục đích làm cơ sở dữ liệu. Còn từ giám đốc sở trở lên và những đối tượng làm công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý tài sản, tài chính công… thì phải kê khai tài sản hằng năm.

vi sao chi phat 45 tai san bat minh

Ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho rằng với tài sản do tham nhũng mà có thì cần phải xử lý rất nghiêm Ảnh: NGUYỄN NAM

ĐB Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho rằng việc mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản như quy định trong dự thảo luật vẫn chưa đủ, cần phải mở rộng hơn nữa. "Tham nhũng từ đâu? Từ dự án đầu tư, qua các công trình đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mua sắm các thiết bị... Những việc đó có "sân sau, lợi ích nhóm". Tham nhũng tài sản nhà nước không chỉ đơn thuần những cán bộ nhà nước với nhau mà còn có trung gian" - ông Thanh nói.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đồng tình mở rộng đối tượng kê khai tài sản. Ông Thể lập luận: "Hôm nay, anh là một cán bộ bình thường nhưng có thể 5, 10 hoặc 20 năm sau lại là cán bộ lãnh đạo. Do đó, phải theo dõi tài sản cán bộ ngay từ đầu để sau này có cơ sở xử lý cán bộ, nếu cán bộ đó vi phạm".

Theo ông Thể, nếu đợi đến lúc bổ nhiệm mới bắt phải kê khai thì rõ ràng sẽ có một khoảng trống rất lớn và việc kiểm soát tài sản cán bộ rất khó. Do đó, ngoài cán bộ công chức, viên chức thì tất cả cán bộ trong các doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan tổ chức mà có sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý tài sản nhà nước… cần phải kê khai tài sản.

Đồng tình với việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản nhưng một số ĐB băn khoăn về quy định thu nhập tăng thêm đột biến từ 300 triệu đồng trở lên mới tiến hành xác minh, kiểm tra bản kê khai tài sản. Ông Hoàng Thanh Tùng đặt vấn đề: "Căn cứ vào đâu đưa ra ngưỡng 300 triệu đồng như vậy? 300 triệu đồng đối với thu nhập của cán bộ công chức khoảng 10-12 triệu đồng/tháng là rất lớn. Tại sao không quy định là 50 triệu mà lại là 300 triệu?".

Ở góc nhìn khác, Tổng Kiểm toán nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc lưu ý: Luật vẫn nặng về tìm kiếm sai phạm thông qua kê khai tài sản, xem tài sản trú ẩn ở đâu mà nhẹ về phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý. "Hiện thất thoát lớn nhất là khu vực công, các công trình, dự án, đất đai, thuế, tín dụng ngân hàng. Luật phải bịt được dòng thất thoát đó" - Tổng KTNN nói.

Người tham nhũng muốn đóng phạt

Đáng chú ý là dự thảo luật quy định tài sản kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý sẽ xử lý bằng cách thu thuế thu nhập cá nhân hoặc xử phạt vi phạm hành chính cùng mức bằng 45% giá trị phần tài sản. Những lần dự thảo trước, quy định này gây ra nhiều tranh luận và gần như không được dư luận đồng tình vì nó bị cho là tạo kẽ hở cho tham nhũng phát sinh. ĐB Hoàng Thanh Tùng nói thẳng: "Cách này hơi dễ cho nhà nước nhưng lại chưa thể hiện sự tôn trọng hợp lý đối với quyền sở hữu tài sản của công dân".

Theo ông Tùng, với tài sản do tham nhũng mà có, cần phải thể hiện quan điểm một cách rõ ràng, phải xử lý rất nghiêm. "Nếu tiếp cận theo cách thức này thì với tài sản đúng là do tham nhũng, vô hình trung chúng ta cho phép hợp pháp hóa 55% phần còn lại thông qua hình thức thu 45% thuế hoặc xử phạt hành chính. Hơn nữa, thế nào là tài sản không giải trình được một cách hợp lý, cơ quan nào là trọng tài xem xét hợp lý hay không hợp lý?" - ông Tùng chỉ rõ.

Cũng phản đối cả 2 phương án xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc, ĐB Dương Ngọc Hải (TP HCM) nhấn mạnh: "Mặc dù là tài sản tăng thêm không giải trình được nhưng không thể nói là tài sản tham nhũng. Mặt khác, nếu đóng thuế thu nhập hoặc xử phạt vi phạm mà tài sản này là tham nhũng thực sự thì tức là hợp thức hóa. Nhiều người tham nhũng lại muốn vậy". Ông Hải cũng đề nghị nêu rõ cơ sở vì sao đánh thuế hoặc xử phạt vi phạm hành chính ở mức 45%.

Giải thích ý kiến thắc mắc của các ĐB, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng đây là chế tài để xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp lý, không phải là tài sản bất hợp pháp, bất minh (!?). "Loại tài sản này không khẳng định là bất hợp pháp. Nếu bất hợp pháp thì xử lý tịch thu chứ cần gì phải thu thuế. Với phương án thu thuế, có thể xem đây là khoản thu nhập vãng lai và cũng không loại trừ khả năng tài sản này là bất minh, bất hợp pháp. Nếu qua tố cáo hay qua một vụ án hình sự, phát hiện được đây là tài sản bất hợp pháp thì thu ngay 55% còn lại" - ông Khái nêu rõ.

Về cơ sở lựa chọn mức xử lý 45% giá trị tài sản, ông Khái nói theo tính toán (có tham khảo Bộ Tài chính), mức thuế suất này tương đương với mức thuế suất trung bình là 15% (trong biểu thuế lũy tiến từng phần, dao động từ 5%-35%) và tiền phạt từ 1-3 lần số tiền thuế trốn theo quy định.

Làm sao cho cán bộ không dám tham nhũng!

ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng trong phòng, chống tham nhũng thì điều quan trọng là làm sao để cán bộ không dám tham nhũng. "Tôi nghĩ chúng ta đang rất hào hứng với hình tượng lò cháy ngùn ngụt nhưng cũng phải mong muốn ngày nào đó, lò phải vào bảo tàng. Bởi lẽ lò nóng không chỉ thiêu cháy phẩm chất chính trị của những cán bộ hư hỏng mà đằng sau đó là khối tài sản lớn của người dân, điều đó mới là xót xa" - ông Quốc tâm tư.

Còn ĐB Nguyễn Văn Chương (TP HCM) nói không hẳn tham nhũng bắt nguồn từ lương của công chức còn thấp mà nó có nguồn gốc từ chính những biến đổi của xã hội, từ suy thoái đạo đức, lối sống. "Xưa, chúng tôi được giáo dục cái kim, sợi chỉ của nhân dân cũng không lấy. Giờ tham nhũng được coi là bệnh tật của một đất nước đang vận động đi lên, xã hội phân hóa, tiền bạc nhiều, quản lý lỏng lẻo" - ĐB Chương chỉ rõ.

Cho đặt cược thể thao sẽ tăng thu cho ngân sách

Sáng cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cho rằng Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy việc hợp thức hóa thị trường đặt cược thể thao là cần thiết nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động này, cũng như hạn chế các tác động xấu đối với xã hội, đáp ứng nhu cầu về giải trí của một bộ phận người dân và đem lại một khoản thu cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã cho phép kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế nên Thường vụ QH xin QH cho phép bổ sung nội dung đặt cược thể thao theo hướng quy định về khái niệm, nguyên tắc kinh doanh; giao Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược và quy định chi tiết.

Theo ĐB Dương Tấn Quân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), quy định đặt cược thể thao tại điều 68a là một điểm mới trong dự thảo luật lần này, đáp ứng yêu cầu thực tế của một bộ phận người dân, đồng thời tăng cường sự quản lý giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước, hạn chế tác động xấu của loại hình kinh doanh này đối với xã hội và đem lại một khoản thu cho ngân sách nhà nước" - ĐB này nói.

Theo chương trình, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao sẽ được QH xem xét biểu quyết thông qua vào ngày 14-6 tới đây.

vi sao chi phat 45 tai san bat minh Đánh thuế 45% tài sản bất minh: Đại biểu Quốc hội băn khoăn \'thuế chỉ đánh trên thu nhập hợp pháp\'

Đại biểu Trần Hồng Hà cho rằng trong thu nhập không rõ nguồn gốc có cả hợp pháp lẫn không hợp pháp, nhưng thuế chỉ ...

vi sao chi phat 45 tai san bat minh \'Đánh thuế tài sản bất minh nhưng không loại trừ trách nhiệm hình sự\'

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng đề xuất đánh thuế 45% với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực ...

vi sao chi phat 45 tai san bat minh Đánh thuế tài sản bất minh: Nên trưng cầu dân ý

Quan chức không quyết được việc quản lý, xử lý tài sản bất minh của quan chức thì phải trả quyền này cho dân. Phải ...

Phương Nhung - Thế Dũng - Văn Duẩn

Ngày đăng: 08:19 | 01/06/2018

/ https://nld.com.vn