Các vấn đề nội bộ, khó khăn về kinh tế do hậu quả từ xung đột Nga - Ukraine khiến châu Âu dường như ngày càng “hụt hơi’ trong nỗ lực viện trợ cho Kiev.

Xung đột Nga - Ukraine kéo dài 6 tháng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine. Theo Moskva, điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có, không thay đổi được cục diện chiến sự.

Vì sao châu Âu ‘hụt hơi’ trong viện trợ quân sự cho Ukraine? - 1

Chuyên gia Anh huấn luyện sử dụng vũ khí cho lính Ukraine. (Ảnh: BBC).

Âm thầm cắt giảm viện trợ

Cùng Mỹ, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) tích cực viện trợ về mặt quân sự và kinh tế cho Ukraine sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng. Dù không đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ hay vung tiền mạnh tay để chi viện cho Kiev, song các quốc gia châu Âu được giới phân tích đánh giá là động lực cho Ukraine, nguyên nhân khiến xung đột Moskva - Kiev chưa có hồi kết.

Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính EU phê duyệt gói viện trợ tài chính trị giá hơn một tỷ USD, nằm trong cam kết hơn 9 tỷ USD cho Ukraine. Hơn một tỷ USD mới này giúp nâng tổng số viện trợ tài chính mà EU dành cho Ukraine lên hơn 2,2 tỷ USD kể từ ngày 24/2. EU trước đó đã giải ngân hơn 1,2 tỷ USD cho Kiev.

Theo giới phân tích, nếu không có những khoản viện trợ vũ khí ồ ạt từ Mỹ và nhiều nước châu Âu, quân đội Ukraine không thể trụ vững đến thời điểm này. Xung đột càng kéo dài, các nguồn lực của phương Tây cần phải sử dụng để hỗ trợ Kiev ngày càng tăng lên, nhất là khi nền kinh tế Ukraine gần như tê liệt sau 6 tháng chiến sự. Không chỉ vũ khí và các khí tài quân sự, giờ đây, chính quyền Ukraine còn phụ thuộc nhiều vào trợ giúp kinh tế từ các đồng minh để duy trì hoạt động.

Thế nhưng, xung đột Nga - Ukraine kéo dài sẽ ảnh hưởng việc viện trợ vũ khí của Mỹ và châu Âu. Chuyên gia quân sự Stephen Bryen, trong bài viết trên trang Asia Times, nhận định, NATO có khả năng viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột ngắn ngày, nhưng các quốc gia này dường như khó có thể kéo dài nỗ lực giúp đỡ Kiev nếu chiến sự kéo dài.

Mặc dù Mỹ và các nước châu Âu liên tục lên tiếng cam kết hỗ trợ cho Ukraine đối phó Nga, song có lẽ các bên sẽ phải cân nhắc, tính toán lại bài toán “được - mất” khi phải bung nguồn lực viện trợ cho Kiev trong thời gian dài. Chính vì vậy, thời gian gần đây, nhiều nước trong EU đã âm thầm cắt giảm các khoản hỗ trợ cho Kiev.

Mới đây, Viện Kiel về Kinh tế Thế giới có trụ sở tại Đức công bố báo cáo cho thấy 6 quốc gia hàng đầu châu Âu gồm  Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Ba Lan không đưa ra cam kết viện trợ quân sự nào cho Ukraine trong tháng 7. Đây là lần đầu tiên điều này diễn ra kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát hôm 24/2.

Đây được cho là một trong những dấu hiệu cho thấy nguồn viện trợ quân sự cho Kiev có thể suy giảm trong thời gian tới, bất chấp thay đổi mang tính lịch sử trong chính sách quốc phòng châu Âu, giữa lúc quân đội Ukraine chuẩn bị cho một chiến dịch phản công tiềm tàng ở miền nam.

Động thái này rõ ràng cũng là nỗi lo đối với Ukraine. Giới chức nước này lo sợ các cường quốc châu Âu không thể bắt kịp cường độ viện trợ quân sự của Mỹ, trong khi các nước dẫn đầu châu lục trong hoạt động hỗ trợ Ukraine như Anh và Ba Lan dường như đang dần hụt hơi.

Christoph Trebesch, trưởng nhóm thu thập dữ liệu về viện trợ cho Ukraine của Viện Kiel, cho biết: "Dữ liệu cho thấy cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine đã suy giảm liên tục từ tháng 4. Các sáng kiến viện trợ mới đang cạn dần, dù chiến sự bắt đầu bước vào giai đoạn then chốt".

Dù các nước phương Tây thống nhất sẽ cung cấp thêm cho Ukraine gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,5 tỷ euro tại cuộc họp ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch hôm 11/8, chuyên gia Christoph Trebesch cảnh báo con số này “quá nhỏ so với lượng tiền được cam kết trong những hội nghị trước đây”.

Nhận định trên Politico, chuyên gia Christoph Trebesch cho rằng, châu Âu nên coi xung đột ở Ukraine nghiêm trọng như khủng hoảng Eurozone hay đại dịch COVID-19. Hai sự kiện thúc đẩy các nước trong khu vực đổ hàng trăm tỷ euro vào những biện pháp chi tiêu khẩn cấp. Quỹ phục hồi sau đại dịch của EU có trị giá 800 tỷ euro, lớn gấp nhiều lần tổng giá trị những gói viện trợ quân sự cho Ukraine suốt 6 tháng qua.

Cũng trên Politico, Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks cho rằng, những quốc gia như Pháp và Đức phải hành động nhiều hơn trong cuộc chiến ở Ukraine. Theo vị này, nếu muốn xung đột hiện nay kết thúc sớm, cần tăng viện trợ, đồng thời kêu gọi các nước châu Âu hỗ trợ Ukraine tương đương mức độ hỗ trợ từ các nước Trung Âu như Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc.

Đến nay, Đức viện trợ nhiều vũ khí, trang bị cho Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Nga, trong đó có vũ khí hạng nặng như pháo tự hành, pháo phản lực phóng loạt và tổ hợp phòng không. Tuy nhiên, Berlin gần đây hứng nhiều chỉ trích về việc chậm trễ chuyển giao vũ khí cho Kiev, làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu nước này có thực sự muốn giúp đỡ Kiev hay không.

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng châu Âu ở Bỉ - Daniel Fiott - mọi cam kết viện trợ đều vô nghĩa nếu không được triển khai ở thực địa. "Ukraine cần thêm khí tài, chứ không phải lời nói", ông nói và cho rằng giai đoạn sắp tới sẽ thách thức uy tín về chính trị, kinh tế của châu Âu.

Vì sao châu Âu ‘hụt hơi’ trong viện trợ quân sự cho Ukraine? - 2

Lãnh đạo các nước châu Âu thăm Ukraine hồi tháng 6. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine).

Khó khăn chồng chất

Viễn cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài sẽ đẩy các nước phương Tây tình thế "tiến thoái lưỡng nan", khi phải tìm cách cân bằng giữa nguồn lực nội tại và sự hỗ trợ cho chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Các khoản viện trợ của phương Tây nói chung và EU nói riêng có lẽ là chưa thấm vào đâu so với những gì Ukraine cần để duy trì thanh toán cho những khoản chiến phí khổng lồ mà quốc gia này đang phải gánh chịu. Cuối tháng 6, Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power ước tính “chi phí Ukraine bỏ ra cho cuộc xung đột hiện nay là từ 5 đến 6 tỷ USD mỗi tháng”.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Stephen Bryen nhận định, con số này có thể tiếp tục tăng lên, nhất là khi quân đội Ukraine đang cần thêm rất nhiều vũ khí. Đây có thể được xem là "gánh nặng" cho nhiều nước phương Tây khi việc viện trợ cho Ukraine liên tục trong một thời gian dài đã khiến kho khí tài của các quốc gia này cạn kiệt và sẽ cần thời gian để lấp đầy. Trên Financial Times, bà Kathy Warden, Giám đốc điều hành của Northrop Grumman - một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất nước Mỹ - cho biết, kho vũ khí của phương Tây không thích ứng với cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine.

Bên cạnh đó, việc EU đang phải vật lộn với lạm phát tăng cao cũng là nguyên nhân khiến các khoản viện trợ của liên minh này đối với Ukraine giảm, chậm trễ. Tỷ lệ lạm phát trên toàn EU được dự báo sẽ tăng lên mức 6,8% trong năm nay. Xung đột giữa Moskva và Kiev không chỉ để lại ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân Nga và Ukraine, mà còn gây ra cuộc khủng hoảng trên quy mô toàn cầu.

Nền kinh tế lớn nhất châu Âu - Đức - lo ngại các lệnh trừng phạt và căng thẳng với Nga sẽ khiến Moskva cắt nguồn khí đốt cho châu Âu. Điều này sẽ là đòn nặng nề giáng xuống nền kinh tế Đức. Chính phủ Đức nhiều lần cảnh báo kịch bản như vậy sẽ làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói. Trả lời phỏng vấn với tạp chí Der Spiegel, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận việc Nga ngừng cung cấp khí đốt sẽ là “thảm họa” với nhiều ngành kinh tế nước này.

Bất đồng trong nội bộ EU bùng phát khi nhiều nước phản đối trừng phạt Nga cũng như tăng viện trợ Ukraine. Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhiều lần lên tiếng phản đối, cho rằng châu Âu đã thất bại với các biện pháp trừng phạt Moskva, kêu gọi khối đưa ra chiến lược mới với cuộc xung đột hiện hay. Ông nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt không gây bất ổn cho Moskva mà thay vào đó đẩy EU vào thế khó, đồng thời cảnh báo nếu EU không thúc đẩy kịch bản hòa bình ở Ukraine, châu Âu có thể sẽ đối mặt với "khủng hoảng năng lượng, suy thoái và bất ổn chính trị".

Các quốc gia châu Âu "mệt mỏi" với cuộc xung đột vì thiệt hại kinh tế. Đức và Pháp đã công khai rằng, giữa phương Tây và Moskva phải có đối thoại. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhiều lần khẳng định ông tin những cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine phải diễn ra.

Những tháng tới được cho là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với các quốc gia châu Âu kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bắt đầu. Người dân trên khắp lục địa sẽ cảm nhận được cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, chịu cảnh “thắt lưng buộc bụng”, trong khi chính quyền các nước phương Tây sẽ phải giải trình cho việc chi tiền để hỗ trợ Ukraine.

Trên CNN, Theresa Fallon, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga, châu Âu và châu Á (CREAS), cho rằng, khi Ukraine thất thế trên chiến trường với vũ khí của phương Tây, nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao châu Âu tiếp tục cung cấp vũ khí đắt tiền cho Ukraine vào thời điểm kinh tế khó khăn.

Nhiều quốc gia chủ chốt tại châu Âu đang rối bời với các vấn đề trong nước. Italy sắp tổ chức một cuộc bầu cử, trong khi Vương quốc Anh sẽ có thủ tướng mới. Theo bà Theresa Fallon, khi các vấn đề chính trị trong nước nổi lên, người dân quốc gia đó có thể hỏi tại sao lại mang tiền đi giúp Ukraine thay vì xây dựng cơ sở hạ tầng trong nước.

Chia sẻ với RT, Giáo sư Aleksandar Djikic, Đại học Kinh doanh Quốc tế Mitrovica ở Serbia, cho rằng có lẽ châu Âu đã bước vào “cuộc phiêu lưu” này mà không chuẩn bị trước. Những công dân bình thường sẽ gạt các mục tiêu chiến lược sang một bên, điều quan tâm nhất đối với họ lúc này là làm sao để vượt qua được mùa đông khắc nghiệt khi giá khí đốt tăng cao do khủng hoảng nguồn cung.

https://vtc.vn/vi-sao-chau-au-hut-hoi-trong-vien-tro-quan-su-cho-ukraine-ar696551.html

Ngày đăng: 16:57 | 25/08/2022

KÔNG ANH / VTC News