Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân vì sao chậm phân bổ vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia và đã chậm rồi phải làm nhanh, "nhưng làm nhanh cũng phải đúng nguyên tắc, tiêu chí".

Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét việc dự kiến phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

Chậm phân bổ gây lãng phí nguồn lực quốc gia

Theo Tờ trình, Chính phủ trình UBTVQH phân bổ 100 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện 3 CTMTQG: CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; CTMTQG giảm nghèo bền vững và CTMTQG xây dựng nông thôn mới, song đề nghị phân bổ 95 nghìn tỷ đồng, chưa phân bổ 5 nghìn tỷ đồng đối với một số nhiệm vụ, đề án, chương trình chuyên đề chưa được phê duyệt.

Qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên cho rằng, Nghị quyết số 40 giao Chính phủ trình UBTVQH trước ngày 1/3/2022, đến ngày 19/4/2022 Chính phủ mới có Tờ trình là quá chậm so với thời gian quy định.

11
Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo tại phiên họp.

"Sự chậm trễ này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của các CTMTQG, đặc biệt bố trí kế hoạch vốn sau gần 1,5 năm chưa được phân bổ cụ thể đến các bộ, ngành, địa phương gây lãng phí nguồn lực của quốc gia", Chủ nhiệm UBTCNS Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc chậm triển khai các Nghị quyết của Quốc hội. 

Về các nội dung cụ thể, Chính phủ dự kiến phân bổ hơn 47,057 nghìn tỷ đồng cho các địa phương thực hiện CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và phân bổ hơn 2,942 nghìn tỷ đồng cho các bộ, cơ quan Trung ương. UBTCNS thấy rằng, Chính phủ chưa báo cáo, thuyết minh, làm rõ về sự cần thiết, tính chất của từng nhiệm vụ, cũng như các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể. Trong khi việc phân bổ cho các nhiệm vụ này sẽ làm giảm nguồn lực hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thụ hưởng của Chương trình; một số nội dung thuộc nhiệm vụ thường xuyên, hằng năm của các bộ, ngành nhưng vẫn bố trí vốn từ CTMTQG là chưa thực sự phù hợp.

Do đó, UBTCNS đề nghị Chính phủ thuyết minh, làm rõ tiêu chí, căn cứ bố trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ này; chỉ bố trí vốn cho các nhiệm vụ thực sự cần thiết, phục vụ trực tiếp cho quản lý, thực hiện Chương trình.

12
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành thảo luận.

Đối với CTMTQG giảm nghèo bền vững (18 nghìn tỷ đồng), Chính phủ dự kiến phân bổ cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội 96 tỷ đồng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin. Tuy nhiên, đa số ý kiến trong UBTCNS đề nghị cân nhắc vì việc phân bổ vốn cần tập trung nguồn lực cho các địa phương và đảm bảo đúng nguyên tắc "Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo..."

Chính phủ dự kiến bố trí hơn 17,904 nghìn tỷ đồng cho các địa phương để thực hiện các nội dung thuộc dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) và dự án 4 (Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc). Tuy nhiên, Chính phủ chưa làm rõ nguyên nhân chỉ tập trung bố trí cho dự án 1 và dự án 4 mà không dành nguồn để bố trí đối với dự án 2 và 3, 5, 6 và 7 của Chương trình (trong khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ về tiêu chí, định mức xác định điểm số của các dự án này).

Sẽ báo cáo Quốc hội giám sát năm 2023

Về phân bổ vốn ngân sách Trung ương năm 2022, Chính phủ thấy rằng, tổng nguồn vốn năm 2022 của 3 CTMTQG là 34,049 nghìn tỷ đồng, đề xuất chỉ phân bổ 33,384 nghìn tỷ đồng, còn lại 665 tỷ đồng giao Chính phủ quyết định. Đa số ý kiến UBTCNS nhất trí với phương án phân bổ vốn Chính phủ trình, song đề nghị Chính phủ xây dựng phương án phân bổ 665 tỷ đồng và báo cáo UBTVQH xem xét, quyết định theo đúng quy định tại Nghị quyết của Quốc hội.

13
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Qua thảo luận, UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm và làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan vì sao chậm phân bổ vốn cho 3 CTMTQG, đồng thời UBTVQH sẽ báo cáo Quốc hội bổ sung nội dung này vào chương trình giám sát năm 2023.

"Đề nghị Chính phủ nghiêm túc trong việc này, đánh giá, phân tích làm rõ nguyên nhân là ở đâu, do ai?", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh và đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt ý thức trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện 3 CTMTQG có ý nghĩa quan trọng này. "Bây giờ chậm rồi, chúng ta phải làm nhanh, nhưng làm nhanh cũng phải đúng, đúng nguyên tắc, tiêu chí, tiêu chuẩn mà Quốc hội đặt ra", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đề nghị Chính phủ rà soát thật kỹ, tuyệt đối phân bổ theo Nghị quyết của Quốc hội và những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành.

UBTVQH thống nhất chủ trương phân bổ vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 thực hiện 3 CTMTQG, song đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của UBTVQH, hoàn thiện phương án phân bổ vốn. Việc phân bổ vốn phải tuân thủ điều kiện, thứ tự ưu tiên trong quy định của Luật Đầu tư công và ngân sách nhà nước, Nghị quyết của UBTVQH, các Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu UBTCNS phối hợp cơ quan chủ trì của Chính phủ rà soát kỹ lưỡng, có báo cáo thuyết phục gửi lại UBTVQH kèm dự thảo Nghị quyết để UBTVQH quyết định đồng ý hay chưa đồng ý ban hành Nghị quyết theo quy định.

Ngày đăng: 11:37 | 13/05/2022

/