Nếu Quốc hội không chấp thuận việc hỗ trợ vượt mức hiện nay, trong tình huống xấu nhất, người gửi vài trăm triệu đồng trở lên, thậm chí là tiền tỷ mà chỉ được bảo hiểm chi trả 75 triệu đồng, sẽ có phản ứng dây chuyền, rất bất lợi cho hệ thống NH.
Vì sao cần bảo hiểm tiền gửi vượt mức
Không phải ngẫu nhiên một lần nữa vấn đề có cho phép NH phá sản lại trở nên nóng nghị trường trong ngày làm việc thứ 4 của kỳ họp thứ 4 Quốc hội XIV. Hình thức này đã được đề xuất khá nhiều khi bàn đến việc tái cơ cấu hệ thống các TCTD Việt Nam, nhất là các TCTD yếu kém sau khi thực hiện các biện pháp phục hồi nên cho phép phá sản kịp thời nhằm ngăn ngừa sự lan truyền tác động đến niềm tin người gửi tiền và các nhà đầu tư.
Lãnh đạo NHNN cũng không ít lần chia sẻ, việc cho phép phá sản TCTD là biện pháp cuối cùng, nhưng cũng không nên trì hoãn mà phải có đủ cơ sở pháp lý để xử lý ngay. Điều này thể hiện rõ sự sẵn sàng của NHNN khi Dự thảo luật sửa đổi bổ sung một số điều của TCTD đã dành riêng một mục về việc phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt với điều khoản khá cụ thể, hướng dẫn trình tự thủ tục cũng như tổ chức thực hiện phá sản phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dù biện pháp này nhiều nước đã thực hiện, nhưng không phải nước nào cũng phải lựa chọn cách này mới tái cơ cấu thành công. Tây Ban Nha là một điển hình khi họ thấy rằng, nguồn lực tài chính để chi trả nghĩa vụ bảo hiểm cho người gửi tiền không đủ nên việc thực hiện phá sản các TCTD không phải là sự lựa chọn tốt. Việt Nam cũng đang ở thế khó về nguồn lực tài chính để chi trả tiền gửi khi thực hiện phá sản TCTD. Đây cũng là một trong những lý do mà việc cho phép NH phá sản “dùng dằng” trong nhiều năm qua.
Trong báo cáo giải trình của Chính phủ gửi tới Quốc hội, Cơ quan soạn thảo cũng cho rằng, nếu áp dụng biện pháp phá sản TCTD mà chỉ trả tiền gửi theo hạn mức chi trả của bảo hiểm tiền gửi theo quy định hiện hành là 75 triệu đồng/người/TCTD thì có thể tiềm ẩn nguy cơ người gửi tiền cá nhân rút tiền ồ ạt tại nhiều TCTD. Do đó, có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền hệ thống các TCTD khác ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống. Mặc dù, số tiền trong hạn mức 75 triệu đồng tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ chi trả ngay, phần vượt hạn mức Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định: số tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật.
Theo quan điểm của một chuyên gia, cho NH phá sản là nhằm kiểm soát, hạn chế rủi ro cho nền kinh tế và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, của Nhà nước, khách hàng ở mức cao nhất. Nếu Quốc hội không chấp thuận việc hỗ trợ vượt mức hiện nay, trong tình huống xấu nhất, người gửi vài trăm triệu đồng trở lên, thậm chí là tiền tỷ mà chỉ được bảo hiểm chi trả 75 triệu đồng, sẽ có phản ứng dây chuyền, rất bất lợi cho hệ thống NH.
“Chúng ta cần phải phân biệt rõ, hỗ trợ của Nhà nước ở đây không phải để cứu NH bị buộc phá sản, mà là để hạn chế thiệt hại của người gửi tiền, tránh phản ứng dây chuyền. Nếu hiểu không đúng về bản chất vấn đề có thể lại gây cản trở quyết định chính sách quan trọng”, vị này đưa ra quan điểm. Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, muốn chủ động cho phá sản NH yếu kém để đảm bảo an toàn cả hệ thống NH mà lại không muốn mất gì, cũng không muốn có phản ứng dây chuyền là rất khó, nếu như không nói là bất khả thi. Chúng ta phải chấp nhận sự đánh đổi ở mức chấp nhận được.
Phá sản chỉ nên là giải pháp cuối cùng
Về vấn đề này, khi xây dựng phương án phá sản, Thống đốc Lê Minh Hưng cho hay, theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải đánh giá kỹ lưỡng việc phá sản đối với việc an toàn của toàn hệ thống, rủi ro tiềm ẩn với toàn nền kinh tế cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Vì thế, Chính phủ, NHNN, mong muốn Quốc hội xem xét để có quy định cụ thể ở trong luật, trong đó có biện pháp có thể chi trả tiền gửi cao hơn mức 75 triệu đồng trong từng trường hợp, tuỳ thuộc vào điều kiện ngân sách và từng trường hợp cụ thể.
Hay nói cách khác, quy định nêu trên của dự thảo luật chỉ là một trong những biện pháp Chính phủ cân nhắc, xem xét quyết định trong từng trường hợp cụ thể. Đây là biện pháp hỗ trợ rất quan trọng và cần thiết để bảo đảm việc thực hiện phá sản TCTD nhưng không làm đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống. Nguồn sử dụng để hỗ trợ chi trả không dùng ngân sách nhà nước theo đúng nghị quyết của Quốc hội nhưng có thể sử dụng các nguồn lực nhà nước khác để xử lý vấn đề này.
Các chuyên gia cho rằng, phương án cho phá sản chỉ là giải pháp cuối cùng khi xử lý NH yếu kém. Một hướng giải quyết khác, theo lãnh đạo kỳ cựu trong nghề NH gợi ý là chuyển đổi mô hình hoạt động NH thay vì cho phá sản. Theo cách này NH tự tạo ra nguồn chi trả tiền gửi bằng nhiều cách khác nhau như vay nợ các nguồn khác từ cổ đông, từ người tham gia tái cấu trúc… Hoặc cho NH lớn mua lại NH yếu kém. Với một NH lớn, có lợi nhuận vài nghìn tỷ một năm thì chỉ trong khoảng 2 năm mua lại NH yếu kém đã có thể bù thất thoát đó và họ có được lợi ích không nhỏ về mạng lưới, nhân sự, hạ tầng công nghệ… “Cách tốt nhất dùng các biện pháp kinh tế xử lý”, vị này nhấn mạnh.
Một chuyên gia NH khác đồng tình cho rằng, nên “khai thác” nguồn tài chính tiềm năng từ Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) hiện là hơn 36.000 tỷ đồng. Do mô hình hoạt động NHNN của Việt Nam là thành viên của Chính phủ và là chủ sở hữu vốn của DIV nên việc xử lý TCTD yếu kém là thống nhất và cùng chung mục tiêu. DIV có thể cho vay đặc biệt để giúp các TCTD phục hồi, trước mắt là các quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô… như dự thảo luật sửa đổi Luật Các TCTD đưa ra.
Đối với cơ chế cho vay đặc biệt không phải bây giờ mới đề cập đến mà theo Luật NHNN cũng đã cho phép NHNN thực hiện. Nhưng việc cho vay không đơn giản. Bởi thứ nhất là thời hạn ngắn và khoản vay rất rủi ro khi không có tài sản thế chấp. Mà để thất thoát sẽ lại bị hình sự hoá dẫn đến tâm lý e ngại. Theo vị chuyên gia trên, nếu khuyến khích các đơn vị tham gia tái cơ cấu đơn cử như DIV thực hiện cho vay đặc biệt thì phải có cơ chế rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm người cho vay như thế nào. “Có thể lúc cho vay phương án phục hồi NH đó tốt, nhưng 3-5 năm sau NH đó vẫn không phục hồi được thì xử lý hậu quả như thế nào, ai sẽ là người chịu trách nhiệm đối với khoản vay đặc biệt này…
Phải có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm nếu không sẽ khó có đơn vị nào dám xử lý những khoản rủi ro như vậy”, vị này nói thêm và gợi ý: Nên để NHNN là cơ quan cầm trịch cùng với đó phải có sự phối hợp với chính quyền địa phương, bảo hiểm tiền gửi... Về phía mình, DIV cần phải chủ động tham gia xây dựng phương án khả năng phục hồi và khi NHNN phê duyệt thì khẩn trương nhập cuộc để hạn chế tối đa xáo trộn gây mất an toàn hệ thống các TCTD.
“Nhà nước phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần và đủ để bảo đảm việc cho phá sản TCTD nhưng không làm đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, không ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Nếu không sẽ phải cân nhắc các phương án hỗ trợ các NH tái cơ cấu, ưu tiên các giải pháp kinh tế”, một chuyên gia NH nhấn mạnh.
http://thoibaonganhang.vn/vi-sao-can-bao-hiem-tien-gui-vuot-muc-69264.html
Ngày đăng: 19:57 | 30/10/2017
/ Theo Thời báo Ngân hàng