Hiện còn toàn bộ các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chưa triển khai lắp đặt và thu phí ETC.
Bốn tuyến cao tốc sẽ thu phí không dừng từ 1/8, không phải xả trạm
Số liệu mới nhất từ Bộ GTVT cho thấy, đến hết tháng 6/2022, trên cả nước đã có 90 trạm BOT được lắp đặt 100% làn thu phí không dừng (chiếm khoảng 80% tổng số trạm thu phí), hơn 3 triệu phương tiện dán thẻ tham gia dịch vụ (chiếm hơn 65% tổng số phương tiện trên toàn quốc).
Tuy nhiên, hiện còn toàn bộ các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chưa triển khai lắp đặt và thu phí ETC (cao tốc Nội Bài- Lào Cai, cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình và cao tốc TP.HCM- Long Thành-Dầu Giây).
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, các tuyến cao tốc của VEC quản lý phải triển khai thu phí ETC trước 31/7, nếu không sẽ phải xả trạm, dừng thu phí.
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô về tiến độ lắp đặt và triển khai thu phí ETC, đại diện VEC cho biết, ngày 7/6 vừa qua, VEC đã ký kết hợp đồng gói thầu thuê dịch vụ thu phí các dự án đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Ngay sau khi ký hợp đồng, VEC đã yêu cầu nhà thầu Tasco huy động tổng lực, nhân sự, tập kết thiết bị, tổ chức đánh giá lại hệ thống thiết bị đang khai thác… khẩn trương thi công lắp đặt giá long môn tại hiện trường các tuyến cao tốc theo đúng tiến độ đã được chấp thuận để đảm bảo đến ngày 31/7/2022 tất cả các trạm trên 4 tuyến cao tốc của VEC đều được lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống ETC theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Cụ thể, tiến độ đến 5/7 sẽ hoàn thành cắt đảo làn, kéo cáp quang từ cổng trạm về nhà điều hành trạm; đến 15/7 hoàn thành lắp đặt toàn bộ giá long môn (28/28 trạm); đến 27/7 hoàn thành lắp đặt thiết bị ngoài hiện trường và kết nối với máy chủ; Từ 25 - 31/7 chạy thử nghiệm kiểm tra hệ thống. Và từ 0h ngày 1/8/2022 - 0h ngày 1/9/2022 vận hành hệ thống ETC và đánh giá chỉ số hiệu năng sử dụng.
Đại diện VEC cũng khẳng định, tiến độ này đã được ký cam kết với phía nhà thầu Tasco, vì vậy đến hạn chốt là 31/7 thì 100% làn ETC theo thiết kế (85 làn/28 trạm) trên 4 tuyến cao tốc của VEC đều được lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống ETC, do đó không có khả năng bị tạm dừng thu phí.
Khó thu xếp nguồn vốn dẫn tới chậm trễ?
Về việc chậm chạp lắp đặt thu phí không dừng, đại diện VEC thông tin, các dự án co tốc do VEC làm chủ đầu tư không phải là các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT mà do Chính phủ vay vốn giao lại cho VEC đầu tư, quản lý, vận hành khai thác và tổ chức thu phí hoàn vốn, do đó vướng mắc lớn nhất đầu tư hệ thống ETC các dự án của VEC là vướng mắc về nguồn vốn.
Bởi thực tế trong tổng mức đầu tư các dự án do VEC làm chủ đầu tư không có hạng mục ETC (các dự án của VEC đều khởi công từ trước năm 2017).
Tuy nhiên, ngày 30/1/2018, Bộ GTVT có văn bản về việc triển khai lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng trên toàn quốc theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố và nhà đầu tư các dự án BOT đường bộ thống nhất áp dụng công nghệ tự động không dừng. Do đó, VEC phải đầu tư mới hệ thống ETC tại tuyến cao tốc TP.HCM– Long Thành – Dầu Giây để đồng bộ với hệ thống ETC trên cả nước.
Sau một thời gian dài tìm kiếm, đề xuất nguồn vốn và đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình kết luận tại Thông báo số 331/TB-VPCP, ngày 15/9/2020, trong đó Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và VEC nghiên cứu 3 phương án đầu tư hệ thống ETC.
Cụ thể, sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước điều chuyển từ các dự án chậm giải ngân của Bộ GTVT theo quy định của pháp luật; Sử dụng nguồn thu phí tại các dự án của VEC… trên cơ sở không ảnh hướng đến khả năng trả nợ của VEC phù hợp quy định của pháp luật; Huy động nguồn vốn của các nhà đầu tư (BOO1, BOO2, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước) để đầu tư…
Tuy nhiên, sau gần 2 năm do có một số vướng mắc nên VEC chưa thể triển khai đầu tư hệ thống ETC. Trước tình hình đó, VEC đã kiến nghị, đề xuất Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chấp thuận chủ trương để VEC triển khai các thủ tục thuê trọn gói dịch vụ thu phí (trọn gói cả ETC+MTC) với thời hạn thuê 5 năm, nguồn vốn sử dụng nguồn chi phí tổ chức thu phí hàng năm của VEC và không vượt chi phí thực tế cho MTC hàng năm.
Đề xuất này đã được chấp thuận và triển khai, tháo gỡ nút thắt về vốn đầu tư hệ thống ETC trên các tuyến cao tốc VEC quản lý, khai thác.
Ngày đăng: 15:51 | 03/07/2022
Ngân Tuyền / ANTĐ