Theo các quan chức y tế, biến thể mới Omicron của virus SARS-CoV-2 chủ yếu ảnh hưởng đến những người ở độ tuổi dưới 25.
Giáo sư Anne von Gottberg tại Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia cho biết, tính đến nay, biến thể Omicron được phát hiện trong khoảng 100 bộ giải trình tự gen. “Họ có nguy cơ mắc bệnh rất lớn”, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla đề cập đến nguy cơ nhiễm virus ở những người dưới 25 tuổi.
Giáo sư Tulio de Oliveira, Giám đốc Trung tâm đổi mới và ứng phó dịch tễ ở Nam Phi, cho biết, biến thể mới chứa nhiều đột biến liên quan đến khả năng né tránh hệ miễn dịch và lây truyền cao.
22 ca nhiễm biến thể Omicron được ghi nhận tại Nam Phi sau khi Viện Quốc gia Nam Phi về Các bệnh truyền nhiễm (NICD) và các phòng thí nghiệm tư nhân phối hợp giải trình tự gen. Ngoài ra, các phòng thí nghiệm của Mạng lưới Giám sát bộ gen ở Nam Phi (NGS-SA) xác nhận nhiều ca nhiễm biến thể Omicron hơn sau khi có kết quả giải trình tự gen.
Biến chủng Omicron có khả năng vượt xa so với Delta |
Số ca nhiễm biến thể Omicron đang gia tăng nhanh chóng ở Nam Phi, đặc biệt là ở các tỉnh Gauteng, Limpopo và North West. Michelle Groome, Trưởng ban Giám sát và Ứng phó Y tế Công cộng tại NICD, cho biết, các cơ quan y tế cấp tỉnh vẫn đang trong trạng thái cảnh giác cao độ và ưu tiên giải trình tự gen các mẫu xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
Chuyên gia Oliveira cho biết, biến thể Omicron có số lượng đột biến nhiều hơn dự đoán của các nhà khoa học. “Biến thể này chứa nhiều đột biến liên quan đến khả năng né tránh hệ miễn dịch và lây truyền nhanh. Thật không may, tôi nghĩ rằng hệ thống y tế Nam Phi sẽ phải chịu áp lực trong vài ngày và vài tuần tới”, giáo sư Oliveira nói.
Các nhà khoa học cho rằng có tới 90% ca mắc COVID-19 mới ở tỉnh Gauteng (Nam Phi) có thể nhiễm biến thể Omicron.
Richard Lessells, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho rằng biến thể Omicron có thể đã xuất hiện ở nhiều tỉnh khác tại Nam Phi. “Các ca mắc bệnh không tăng lên cùng mức độ ở các tỉnh khác nhau, nhưng điều đó khiến chúng tôi lo ngại rằng biến thể này có thể đã lan rộng trong nước”, ông Lessells nói.
Hôm 9/11, Boswana ghi nhận các ca COVID-19 đầu tiên nhiễm biến thể mới. Các ca bệnh này đều là những người đã tiêm vaccine. Khoảng 2 tuần sau đó, thông tin về biến thể mới xuất hiện dày đặc trên mặt báo thế giới. Các nhà khoa học mô tả đây là “biến thể tồi tệ nhất của virus SARS-CoV-2 từng được biết cho đến nay” và lo ngại nó sẽ nhanh chóng lan rộng.
Điều nguy hiểm ở Omicron là nó ít nhất 32 đột biến ở protein gai - thành phần giúp virus bám vào tế bào cơ thể. Điều này khiến nó dễ lây lan và né vaccine. Omicron cũng được cho là sở hữu các đột biến nguy hiểm nhất của tất cả các biến thể từ trước tới nay.
Tom Peacock, chuyên gia tại Cục Bệnh truyền nhiễm Hoàng gia Anh, nhận định "đây là cụm đột biến với lượng protein gai thực sự khủng khiếp. Biến chủng mới này của virus SARS-CoV-2 rất đáng lo ngại. Đây là phiên bản virus đột biến nguy hiểm nhất mà chúng tôi từng thấy", Lawrence Young, nhà virus học tại Đại học Warwick của Anh cảnh báo.
Ngoài Bostwana, Omicron hiện lây lan tới Bỉ, Hong Kong (Trung Quốc), Nam Phi, Israel. Mới đây nhất, 15 trong số 110 người bay về từ Nam Phi - điểm nóng của biến chủng Omicron - cho kết quả dương tính với COVID-19 tại sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam, Hà Lan.
Dù chưa ghi nhận ca mắc Omicron nào, nhưng các chuyên gia Mỹ thừa nhận nước này không thể ngăn Omicron xâm nhập vào Mỹ và thậm chí siêu biến chủng có thể đã ở Mỹ.
Tiến sĩ Eric Feigl-Ding - nhà dịch tễ học và là thành viên cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) - cho biết Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn 500% so với biến thể Delta.
Sự nguy hiểm của Omicron khiến các nhà khoa học lo ngại nó có thể xóa sạch các thành tựu tiêm chủng mà thế giới đạt được trong chưa đầy 1 năm qua và đưa cuộc chiến chống dịch về vạch xuất phát.
Một số chuyên gia cho rằng cần cảnh giác cao độ để Omicron không dập khuôn lại kịch bản của Delta. Được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 12/2020, biến thể Delta lây lan với tốc độ khủng khiếp và phá bỏ công lao chống dịch của hàng loạt các quốc gia. Nó đang nhấn chìm châu Âu trong làn dịch thứ 4 chết chóc, khiến số ca nhiễm ở Bắc Mỹ tăng vọt bất chấp tỷ lệ tiêm chủng cao ở các khu vực này. Delta cũng là nguyên nhân khiến nhiều nước phải từ bỏ chiến dịch "Không COVID-19" từng đã rất thành công.
Các nhà khoa học từng cảnh báo một siêu biến chủng nguy hiểm hơn, chết chóc hơn Delta sẽ sớm xuất hiện. Và nhiều chuyên gia cho rằng đó có thể là Omicron.
Phóng viên (t/h)
Ngày đăng: 18:07 | 27/11/2021
/ Nghề nghiệp & Cuộc sống