Sau vài năm lắng xuống, nhiều năm nay, nạn đạo beat nhạc (hòa âm) lại hoành hành liên tục, nhưng không ai xử lý đến nơi đến chốn hoặc ra biện pháp hạn chế, nên mặc nhiên lan tràn công khai.
Gây tai tiếng để được chú ý
Mới đây, Phúc Bồ và Hà Lê trong chương trình Sao đại chiến đã bị báo Hàn tố là bắt chước ca khúc Body của nam ca sĩ Hàn Mino thuộc nhóm Winner. Điều đáng nói là sau phần thi ở vòng chung kết 1, dù đang vướng nghi án đạo nhạc, ở vòng chung kết 2, cặp đôi Hà Lê- Phúc Bồ vẫn tiếp tục gây tai tiếng khác.
Sau khi lên tiếng giải thích về nghi án đạo nhạc Body của Mino trong ca khúc Cưa cẩm thể hiện tại chung kết 1 Sao đại chiến và cho rằng nhạc của mình... hay hơn, đội Phúc Bồ và Hà Lê tiếp tục vướng tranh cãi tương tự trong tập thi vừa diễn ra tối 2.2. Ca khúc rap Binh đoàn hổ của cả hai bị chỉ trích sao chép Okey Dokey do Zico, Mino sản xuất và thể hiện trong chương trình rap Show Me The Money.
Nhiều người cho đây là hành vi cố tình của Phúc Bồ để gây chú ý. Mặc dù vậy, hành vi này gây tác dụng ngược, khi lượng người dislike còn gấp nhiều lần like. Trước phản ứng quyết liệt của khán giả, Phúc Bồ phải lên tiếng giải thích và xin lỗi.
“Thời gian qua, tôi nghe nhạc Hàn Quốc rất nhiều nên có thể bị ảnh hưởng. Các bạn khi nghe bài Cưa cẩm sẽ thấy đoạn đầu giống bài Body của Mino. Nhưng, sau đó tôi đã phát triển theo hướng khác bản gốc. Đây chỉ là màn biểu diễn trong khuôn khổ Sao đại chiến, tôi cam kết sẽ không phát hành, biểu diễn trên tất cả kênh phân phối”, anh nói.
Tuy nhiên, vừa cam kết xong, Phúc Bồ còn vướng tiếp tranh cãi ở bài khác. Thế nên anh nhanh chóng đánh mất niềm tin của người yêu nhạc.
Càng nhiều sản phẩm âm nhạc ra mắt ồ ạt, thì càng nhiều bài bị tố đạo nhái. Điệp khúc buồn này cho thấy, khi nhạc sĩ, nhà sản xuất chưa nạp đủ năng lượng thì chính họ cũng phải “vay mượn” đâu đó, mà vay mượn quen tay lại chẳng bị xử lý nghiêm nên ung dung… xài tiếp.
“Bệnh” chưa trưởng thành
Nếu bắt lỗi, câu nói của Phúc Bồ “nghe nhạc Hàn Quốc rất nhiều nên có thể bị ảnh hưởng” vẫn khó được chấp nhận, khi nhà sản xuất âm nhạc này đã có tiếng và ra mắt không ít sản phẩm đình đám cho ban nhạc FB Nation. Việc “bị ảnh hưởng” chỉ có thể xảy ra ở những người trẻ mới vào nghề, còn ở những nhạc sĩ chuyên nghiệp thì đó là điều kiêng kỵ, vì nó chứng minh họ chưa trưởng thành.
Thế nhưng, nhìn ra xung quanh nhạc Việt, có thể thấy các nhạc sĩ bị tố cũng thản nhiên như không, và thấy beat hay thì vẫn có thể… mua về hoặc biến báo thành của mình. Bằng chứng là nhạc sĩ Khắc Hưng từng dính đến không ít lần nghi án đạo beat, nhưng sau đó vẫn được đưa vào các giải thưởng và cũng chẳng ai phân tích đầu đũa việc liệu anh có thực sự đạo nhạc hay không, đạo bao nhiêu phần trăm.
Còn với tên tuổi đang nổi như Sơn Tùng M-TP thì càng tai tiếng, ca sĩ này lại càng nổi tiếng. Cho dù bị gán cho biệt danh “thánh đạo nhạc”, thì cái tên Sơn Tùng vẫn thu hút đám đông, đảm bảo doanh thu cho các show ca nhạc và vẫn là cái tên được xướng lên ở nhiều giải thưởng âm nhạc. Đến mức, sau này, những sản phẩm mới ra của nam ca sĩ dù có bị nghi đạo nhạc, thì cũng chẳng ai còn để ý.
Nửa cuối năm 2017, làng nhạc có 9 vụ tranh cãi liên quan đến việc sao chép, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như Yêu là tha thu do Only C sáng tác và thể hiện. Bản hit này bị đánh giá là có phần điệp khúc quá giống Simple Love của Joyce Chu và Michiyo Ho.
Tiếp đó, Love me too được Đông Nhi phát hành vào tháng 2 bị so sánh với Candyman của Zedd và Aloe Blacc. Tương tự, Có nơi đó chờ em do nữ ca sĩ và Ông Cao Thắng thể hiện tiếp tục bị chỉ ra điểm giống với ca khúc Eyes, nose, lips của nam ca sĩ Hàn Quốc Taeyang.
Thời này không dễ “đạo nhạc, đạo ý tưởng” mà qua mặt được antifan và cộng đồng mạng. Chẳng hạn, chỉ cần một đoạn trong MV “mượn” hình ảnh hoặc beat nhạc của ai đó là ngay sau đó sẽ bị phát hiện ra. Mới đây, MV 70 triệu lượt xem của Hương Tràm bị xóa khỏi Youtube vì vi phạm bản quyền. Sau 1 năm, bản hit “Ngốc” đạt 70 triệu view của Hương Tràm do Khắc Việt sáng tác bỗng dưng bị gỡ bỏ.
Còn trước đó, 2 MV của Noo Phước Thịnh và Bảo Anh cũng bị gỡ khỏi Youtube. Nếu như Noo phải chỉnh sửa, cắt bỏ phần nhạc nền “mượn tạm”, thì Bảo Anh phải gấp rút chi gần 100 triệu đồng nộp phạt vi phạm bản quyền cho Epic Elite vì đã mượn 2 đoạn hòa âm trong ca khúc và đã phải trích dẫn nguồn cụ thể.
Nghi án giả và nỗi nhục có thật
Tuy nhiên, không phải việc tố đạo nhạc nào cũng có cơ sở. Cũng có lúc, không ít ca sĩ “mượn” cớ đạo nhạc để bài hát của mình nổi hơn, được chú ý hơn. Và có những cộng đồng “soi” bị mắc lừa, hoặc chuyên “soi” kỹ quá hóa nhầm. Có những vụ mà chủ nhân được minh oan, như vụ Khắc Hưng sáng tác Đâu chỉ riêng em cho Mỹ Tâm, bị đồn đoán ầm ĩ, nhưng rồi được chính chủ nhân của ca khúc nhạc Hoa Tình lay động nhói đau “giải oan”, cho rằng hai ca khúc chỉ giống nhau ở một, hai câu phụ họa.
Tương tự, Vũ Cát Tường cũng đưa ra những bằng chứng nhằm chứng minh tất cả chỉ là sự trùng hợp với bản nhạc Nhật không lời Rain in the park của Marika Takeuchi.
Vấn đề là các nhạc sĩ không vượt qua được những cái bóng của các vòng hòa âm quen thuộc, “dễ dụ tai nghe” của khán giả, nên việc dùng chung các vòng hòa âm đại chúng thì rất dễ… “mượn” nhạc lúc nào không hay.
Cho đến nay, chưa thấy vụ đạo beat được đưa ra xử rốt ráo. Từ Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả trong âm nhạc gần như không đưa ra phân xử một vụ nào, với lý do không ai kiện thì không…liên quan. Từ vụ ra tay của Hội Âm nhạc TP với hai nhạc sĩ Bảo Chấn và Quốc Bảo với mức xử lý cảnh cáo, thuốc đạo nhạc đã trở nên lờn đi, không còn hiệu lực.
Sau đó 10 năm, chỉ có vụ đạo beat nhạc trong bài hát “Chắc anh ấy sẽ về” của Sơn Tùng M-TP được đem ra xử bằng cách…thay beat nhạc mới, vì chỉ như thế thì phim “Chàng trai năm ấy”mới được công chiếu. Và lần này cũng không có lời cảnh cáo nào cho người mượn beat cho dù Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả trong âm nhạc cũng chính thức vào cuộc.
Và rằng tuy trong nước không ai xử nghiêm chuyện đạo beat, thì ở Hàn Quốc, lâu lâu, các tên tuổi nhạc sĩ Việt vẫn bị bêu ra vì sự sao chép ý tưởng ca khúc hoặc hình ảnh MV. Và đó là nỗi xấu hổ không còn trong khuôn khổ của một đất nước.
Tuy nhiên, dưới một góc nhìn nhân văn khác, nhạc sĩ Dương Thụ từng phát biểu trên truyền thông rằng ông nghĩ nhiều đến thế hệ trẻ. “Các bạn ấy quá hồn nhiên trong việc “ăn cắp bản quyền” mà không nghĩ rằng mình đang phạm tội. Tuổi của những người dính vào nghi án đạo nhạc và những fan hâm mộ họ cùng những người đồng trang lứa là tuổi của tương lai.
Đất nước này muốn nhìn thấy ở họ, những người tạo dựng sự nghiệp bằng chính khả năng của mình chứ không phải bằng sự dựa dẫm vào những cái họ “thuổng” được. Nền giáo dục của ta từ lâu đã có vấn đề. Thế hệ trẻ bây giờ chính là sản phẩm của nó. Chuyện đạo nhạc hay đạo gì gì nữa chính là hệ quả tất yếu của một xã hội thiếu minh bạch, thật giả lẫn lộn và lắm kẻ mạo danh".
“Hãy nhìn chuyện đạo nhạc như một căn bệnh xã hội cần phải chữa trị tận gốc. Nó cần bắt đầu từ những nơi đẻ ra nó, chứ không phải từ những ai đó cụ thể mà mọi người đang truy cứu như một kẻ tội phạm”, nhạc sĩ Dương Thụ.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đọc “tâm thư” thôi chức Giám đốc Trung tâm Bản quyền
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2017 của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) diễn ra sáng ... |
Vi phạm bản quyền lại xuề xòa cho xong
Chuyện các nghệ sĩ sử dụng ca khúc khi chưa xin phép bản quyền từ tác giả lâu nay đã không còn là chuyện hiếm. ... |
Ngày đăng: 11:10 | 12/02/2018
/ https://laodong.vn