Dù từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước tập trung cao độ trong việc phòng, chống dịch covid-19, trong đó việc đi lại cũng bị hạn chế nhiều để tránh lây lan. Tuy nhiên, các vụ TNGT thảm khốc vẫn xảy ra khiến nhiều người chết. Nguyên nhân do đâu.

Vừa qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết như vụ xe khách đâm xe tải ở Bình Thuận làm 8 người chết, xe du lịch chở cựu học sinh rơi vực ở Quảng Bình làm 15 người chết…

Thực trạng này khiến không ít người phải đặt câu hỏi “tại sao trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc đi lại cũng hạn chế mà vẫn xảy ra những vụ TNGT thảm khốc?”.

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để đảm bảo ATGT?” được tổ chức tại Hà Nội ngày 26/8, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia thừa nhận, thời gian qua, tình hình TNGT gây hậu quả nghiêm trọng có diễn biến phức tạp, diễn ra dồn dập trong thời gian ngắn (từ tháng 6 đến tháng 8).

Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn đều không bất thường mà xuất phát từ các yếu tố thường thấy.

Điển hình, vụ TNGT ở Quảng Bình khiến 15 người thiệt mạng, tài xế điều khiển phương tiện khi trong người có nồng độ cồn, giấy phép lái xe không phù hợp; Trong vụ TNGT ở Bình Thuận làm 8 người chết, lái phụ lái thay lái chính.

Vì đâu TNGT thảm khốc vẫn liên tiếp xảy ra dù đang trong đại dịch Covid-19? ảnh 1
Hàng loạt vụ TNGT thảm khốc xảy ra gây hậu quả đau lòng

“Tôi cho rằng, ở đây, nhiều lái xe đã có tâm lý chủ quan, lơ là cho rằng vì cả nước đang tập trung chống dịch nên lực lượng chức năng không thực thi nhiệm vụ”, ông Hùng nhận định.

Về trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải trong các vụ TNGT, ông Hùng cho rằng, Nghị định 86 trước đây và bây giờ đều quy định trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh vận tải.

Cụ thể, trên những phương tiện kinh doanh vận tải hiện tải như xe khách liên tỉnh hay xe hợp đồng phải có thiết bị giám sát hành trình (GSHT).

Đơn vị kinh doanh vận tải phải thực hiện phương án đảm bảo ATGT, theo dõi giám sát hoạt động của phương tiện giao thông thông qua thiết bị GSHT và yêu cầu lái xe thực hiện đúng quy định cứ 4 tiếng phải nghỉ, 10 tiếng phải thay lái.

Ngoài ra, trên thiết bị GSHT cũng có chức năng giám sát, khi chạy quá tốc độ thiết bị sẽ cảnh báo.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện có một tỷ lệ không nhỏ các chủ xe gần như buông lỏng quản lý và “khoán trắng” cho lái xe, tạo lỗ hổng trong công tác đảm bảo ATGT.

Trên cơ sở đó, ông Hùng cho rằng, tới đây, các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, quy định thêm trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thống kê hành vi vi phạm về lộ trình, tốc độ.

“Nghị định 10 cũng có quy định, đối với xe khách và container phải gắn thêm camera trên xe để doanh nghiệp vận tải có thể giám sát hoạt động chính trong xe, theo dõi lái xe có vi phạm các quy định về đảm bảo ATGT. Những quy định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2021”, ông Hùng thông tin.

Còn ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ đang xây dựng phần mềm quản lý về lái xe.

Với phần mềm này, chủ xe và các cơ quan quản lý sẽ biết hành trình từ lúc lái xe lên xe như thế nào đến lúc kết thúc; đồng thời nắm được thông tin chi tiết về lái xe. Nhờ vậy, việc quản lý người điều khiển phương tiện sẽ chặt chẽ hơn.

Tới đây, Tổng cục Đường bộ sẽ nghiên cứu, đề xuất tích hợp thông tin về lịch sử vi phạm của lái xe trong suốt thời gian hành nghề để doanh nghiệp vận tải có cơ sở tuyển chọn được lái xe tốt, bài trừ những lái xe có “tiền sử” chấp hành pháp luật kém, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình vận hành phương tiện của doanh nghiệp.

TNGT diễn biến phức tạp do ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa nghiêm TNGT diễn biến phức tạp do ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa nghiêm
Bộ Công an chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả, điều tra vụ TNGT tại Kon Tum và Quảng Ninh Bộ Công an chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả, điều tra vụ TNGT tại Kon Tum và Quảng Ninh

Ngày đăng: 14:10 | 27/08/2020

/ anninhthudo.vn