Chỉ trong vòng nửa tháng, trên địa bàn TP Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên hoàn đặc biệt nghiêm trọng. Có khá nhiều điểm chung trong những vụ TNGT trên, như lái xe là đàn ông, cùng uống rượu, bia với nồng độ cồn vượt nhiều lần cho phép trước khi điều khiển xe lao thẳng vào người dân trên đường.

Rượu vào gây tai nạn liên hoàn

Tới thời điểm này, Ngô Công Hán (SN 1981, ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đã bị Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội tạm giam 3 tháng về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Hán chính là lái xe đã điều khiển xe ôtô BKS 30H-758.03, bất ngờ lao thẳng vào cây xăng 111 đường Láng, phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, đâm hàng loạt người cùng xe máy đang chờ đổ xăng. Vụ tai nạn đã khiến ít nhất 8 người, trong đó có 2 nhân viên cây xăng, bị thương nặng.

tn.jpg -0
Lái xe uống bia rượu vượt mức kịch khung nhiều lần, gây tai nạn liên hoàn ở Cầu Giấy (Hà Nội).

Điều đáng nói, trong khi những người dân này không hề di chuyển trên đường mà đang dừng, đỗ xe ở cây xăng để mua xăng, thì bất ngờ bị chiếc xe ôtô lao với tốc độ rất cao đâm hàng loạt. Tại hiện trường ghi nhận, các phương tiện bị hất văng xa, hư hỏng nặng. Quá trình điều tra, Công an quận Đống Đa xác định lái xe này đã vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,9mg/lít khí thở, cao gấp nhiều lần so với quy định.

Trước đó, Ngô Công Hán cùng bạn bè ngồi uống bia ở đường Láng. Sau khi đã ngấm cơn say, Hán ra ngoài điều khiển xe trở về nhà. Trong hơi men, Hán lơ mơ không làm chủ tốc độ, phóng với tốc độ cao lao thẳng vào cây xăng và gây ra TNGT liên hoàn. Khi tỉnh táo và được hỏi về tai nạn, Hán không khỏi ân hận.

"Nếu biết sẽ gây tai nạn hàng loạt như vậy, anh có uống nhiều như vậy không?". Trước câu hỏi của chúng tôi, Hán quả quyết giá như không có buổi gặp gỡ bạn bè, không nể nang và uống nhiều thì sẽ không đến nỗi gây ra tai nạn. Tuy nhiên, thực tế xảy lại không như hai từ "giá như" mà Hán ân hận thốt ra, bởi hậu quả để lại sau bữa bia, rượu với bạn bè của Hán là quá nghiêm trọng.

Trong khi dư luận vẫn còn chưa dịu đi nỗi bức xúc trước vụ TNGT trên thì đêm 7/9, tại đường Nguyễn Chánh thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội, đã xảy ra vụ tai nạn liên hoàn khiến nhiều người bị thương nặng. Lái xe là Trịnh Văn Phương (SN 1981, ở Cầu Giấy, Hà Nội).Trước đó, Phương điều khiển xe ôtô lưu thông trên đường Nguyễn Chánh, khi đến ngã tư Nguyễn Chánh - Tú Mỡ đã đâm vào 2 xe máy, hất văng các nạn nhân xuống đường, chấn thương nặng.

Sau khi xảy ra tai nạn, Phương không dừng xe, hỗ trợ cấp cứu các nạn nhân mà tiếp tục phóng xe với tốc độ cao để bỏ chạy. Chiếc xe máy bị đâm nằm dưới gầm xe ôtô của Phương bị đối tượng tiếp tục nhấn ga tăng tốc kéo rê trên đường, tóe lửa. Bỏ chạy đến nút giao Nguyễn Chánh với ngõ 27 cùng phố, Phương tiếp tục đâm vào xe ôtô của người dân đi trên đường. Chỉ khi chiếc xe ôtô của Phương bị gẫy trục, bánh trước rời ra bên ngoài lúc này Phương mới chịu dừng xe lại nhưng kiên quyết không mở cửa xe cho đến khi lực lượng Công an quận Cầu Giấy xuất hiện, yêu cầu lái xe phải xuống. Có 4 nạn nhân đã bị thương nặng trong vụ tai nạn trên.

Trước sự kiên quyết của Công an, Phương buộc phải mở cửa xe bước ra ngoài trong tình trạng say rượu. Và qua kiểm tra, nồng độ cồn trong hơi thở của Phương được xác định ở mức 0,897miligam/lít khí thở, cao gấp 2,24 lần mức kịch khung theo quy định (0,4 miligam/lít khí thở).

Phạt nặng vẫn không biết sợ

Theo ghi nhận của PV, lái xe uống bia, rượu quá nồng độ cồn và gây TNGT dẫn tới chết người, TNGT liên hoàn gần như tháng nào, năm nào cũng xảy ra. Cách đây chưa lâu, vào tháng 6/2022, lái xe Nguyễn Đức Thịnh ở phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang là cán bộ của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Giang sau khi uống rượu, bia với bạn bè đã điều khiển xe đâm tử vong 3 người trong một gia đình. Thời điểm gây tai nạn, lái xe Thịnh vi phạm nồng độ cồn ở mức cao, lên tới 0,604 mg/l khí thở. Mức vi phạm nồng độ này của lái xe Thịnh so với các lái xe Ngô Công Hán  và Trịnh Văn Phương vẫn còn thấp hơn.

Thông tin với PV, Thượng tá Nguyễn Chí Công, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết: Trước thời điểm 30/12/2019, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe vi phạm là khá nhẹ. Tuy nhiên, từ ngày 30/12/2019, Nghị định 100 của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực, lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt khá cao. Nếu lái xe vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Lực lượng CSGT Công an TP Hà Nội luôn coi công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn của các lái xe là một trong những chuyên đề trọng tâm nhằm kiềm chế, kéo giảm và phòng ngừa TNGT, nhất là trong những thời điểm lễ, Tết…

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền về pháp luật ATGT, Cục CSGT, Bộ Công an bức xúc cho biết: Tình trạng vi phạm nồng độ cồn không chỉ là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà còn để lại nỗi bức xúc rất lớn trong dư luận, xã hội. Rất nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, nỗi đau và hậu quả để lại cho gia đình, người thân những nạn nhân là vô cùng lớn, kéo dài, khó có thể khỏa lấp, bù đắp.

Cũng theo đại diện Cục CSGT, xác định nguyên nhân và hậu quả từ việc lái xe uống bia, rượu điều khiển phương tiện, Cục CSGT liên tục xây dựng, triển khai cũng như chỉ đạo lực lượng CSGT trên toàn quốc tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn. Mới đây, trong vòng 15 ngày vừa qua (từ 25/8-8/9), lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, lập biên bản xử lý tới 136.886 trường hợp vi phạm giao thông, trong đó, vi phạm liên quan đến rượu bia ở mức "khủng" khi có tới hơn 24.000 ma men bị phát hiện, chủ yếu là người điều khiển xe máy, tiếp đến là ôtô con. Số liệu xử phạt cũng ghi nhận lượng lớn "ma men" vi phạm có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép (0,4 miligam/1 lít khí thở) với hơn 7.800 tài xế.

Đáng chú ý, khi bị lực lượng CSGT kiểm tra, không ít lái xe có hành vi chống đối, không chấp hành, những trường hợp này đều bị xử phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng. Thống kê, ở TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội và Đồng Nai là những địa phương có kết quả xử lý cao nhất trên cả nước về vi phạm nồng độ cồn với lần lượt 3.200 trường hợp tài xế bị xử phạt; Hà Nội hơn 1.800 trường hợp; Đồng Nai hơn 1.600 trường hợp...

Ghi nhận của PV, thời điểm đầu khi Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực, đã tạo ra một tiếng vang lớn bởi sự ra quân, triển khai kiểm tra, xử lý rầm rộ của CSGT cả nước. Mặc dù hiện nay CSGT cả nước vẫn đang tiếp tục tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm, song dường như thái độ của các lái xe đối với vi phạm này dường như có vẻ "chùng" xuống, không "ngại" như thời điểm ban đầu.

Đáng nói, trong rất nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây, tỷ lệ các lái xe gây tai nạn lại rơi vào nhóm cán bộ, công nhân viên chức, học sinh, sinh viên nhiều hơn là người lao động. Cả trong 3 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng dẫn chứng trong bài, đều là những cán bộ, giảng viên có trình độ nhận thức được xem là cao.

Liệu phải chăng đang có hiện tượng "nhờn" luật? Các đơn vị chức năng cần phải xử lý nghiêm khắc hơn đối với những vi phạm này mới có thể chặn đứng được những vụ TNGT thảm khốc xảy ra trong tương lai.

https://cand.com.vn/Giao-thong/vi-dau-nhieu-lai-xe-ban-minh-cho-tu-than--i667106/

Ngày đăng: 07:16 | 12/09/2022

Hoàng Phong / cand.com.vn