Chia tay huấn luyện viên Philippe Troussier là hợp lý nhưng chưa giải quyết hết các vấn đề mà đội tuyển Việt Nam phải đối mặt.
Huấn luyện viên Philippe Troussier là người chịu trách nhiệm chính về thành tích của đội tuyển Việt Nam trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, đặt trong dòng chảy dài hạn của quá trình phát triển của một nền bóng đá, vị huấn luyện viên trưởng chỉ là một phần nhỏ.
Cho dù là người nắm quyền kiểm soát cao nhất ở đội tuyển Việt Nam, ông Troussier hay bất cứ ai khác, kể cả là người tiền nhiệm thành công rực rỡ như ông Park Hang Seo cũng có những giới hạn khách quan mà họ không thể tác động được. Huấn luyện viên trưởng trên thực tế chỉ chịu trách nhiệm - đúng hơn là chỉ có khả năng làm điều đó - ở khâu cuối cùng của cả một quy trình xây dựng lên đội tuyển quốc gia.
Họ không thể kiểm soát được những yếu tố đầu vào - mang tính nền tảng. Ban huấn luyện đội tuyển quốc gia chỉ có quyền chọn, không thể tạo ra cả một lứa cầu thủ theo ý muốn. HLV Park Hang Seo xuất sắc ở việc chọn lựa và sử dụng những đại diện ưu tú của "thế hệ vàng". Tạo ra những con người ấy là khâu khác.
Tất nhiên khi thất bại, ông Troussier và những người ủng hộ cũng không thể đổ lỗi rằng chất liệu của đội tuyển Việt Nam không đủ tốt. Rõ ràng là nhà cầm quân người Pháp có những quyết định sai, và một phần không nhỏ trong số đó đến từ việc kỳ vọng sai vào sự nâng tầm.
Thất bại của HLV Troussier xuất phát từ kỳ vọng sai lầm.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) muốn HLV Troussier nâng cấp đội tuyển Việt Nam theo một phương pháp khác so với cách thức vận hành quen thuộc của các yếu tố cấu thành.
Ông Troussier muốn có lối chơi kiểm soát, dám tự tin chơi bóng trước các đối thủ. Nhưng, có bao nhiêu cầu thủ hội tụ đủ tư duy và kỹ năng làm điều đó? Chính ông Trousiser nói rằng giải vô địch quốc gia là nền tảng cho đội tuyển.
Tuy nhiên, ở V.League, số lượng câu lạc bộ sử dụng lối chơi chủ động, có khả năng kiểm soát vẫn chỉ là số ít. Đội bóng làm điều đó tốt nhất từ trước tới nay là CLB Hà Nội nay cũng đang trong kỳ thoái trào. Cũng cần nói thêm rằng "thế hệ vàng" phần đông cũng có sự sa sút nhất định trong khoảng 2 năm gần đây.
Lực lượng ưu tú của đội tuyển Việt Nam quanh đi quẩn lại vẫn là những gương mặt cũ, nhưng họ cũng bắt đầu có sự sa sút.
Đội tuyển quốc gia lẽ ra không phải là nơi dạy cầu thủ phải đá quả bóng đúng cách như thế nào. Với đặc thù của đội tuyển là tập trung ngắn hạn, không thường xuyên, công việc của vị HLV trưởng là tìm ra cách lắp ghép các bộ phận thành một cỗ máy hoàn chỉnh. Huấn luyện chiến thuật chiếm một phần quan trọng hơn thể lực và kỹ năng, khác với câu chuyện ở câu lạc bộ.
"HLV đến rồi đi, chỉ đội tuyển còn mãi", tiền vệ Đỗ Hùng Dũng nói sau trận thua Indonesia 0-3, ngay trước khi ông Troussier và VFF đạt thỏa thuận chấm dứt hợp đồng.
Thứ còn mãi của đội tuyển Việt Nam là lực lượng cầu thủ, là điều kiện cơ sở vật chất, tài chính... Đó là các yếu tố nền tảng mà không vị huấn luyện viên nào hóa phép ra được. Muốn nâng tầm đội tuyển quốc gia, huấn luyện viên trưởng chỉ là một phần nhỏ.
Khi chất liệu đầu vào của đội tuyển chưa được nâng cấp, khó mà đòi hỏi về sự vươn tầm. Kể cả khi huấn luyện viên Philippe Troussier chọn đúng phương pháp để hiện thực hóa lý thuyết của mình, đội tuyển Việt Nam cũng chỉ hay đến cỡ như thời ông Park Hang Seo, hoặc nhỉnh hơn chút ít là cùng.
Thành công của HLV Park Hang Seo vẫn được coi là vượt ngưỡng. Chọn trúng HLV như trường hợp này không bao giờ là tỷ lệ 100% cả. Câu chuyện của ông Park Hang Seo và ông Troussier cho thấy rằng HLV trưởng đội tuyển quốc gia ngoài năng lực thì yếu tố phù hợp cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, thế nào là "hợp" thì thật mông lung. Chữ "duyên" luôn mang hàm ý về sự may mắn.
Đội tuyển Việt Nam trải qua bao nhiêu đời HLV nước ngoài, chỉ có ông Henrique Calisto và Park Hang Seo thành công. Nhìn ra thế giới, Joachim Low là nhà vô địch thế giới, Hansi Flick vô địch Champions League với Bayern Munich cũng đâu phải hạng xoàng, nhưng đội tuyển Đức vẫn không qua được vòng bảng World Cup 2 kỳ liên tiếp.
Đội tuyển Việt Nam không thể trông chờ vào may mắn để tìm ra HLV Park Hang Seo thứ hai.
Ta không thể chờ vào sự may mắn chọn trúng huấn luyện viên.
Chất lượng nguyên liệu đầu vào rất quan trọng và yếu tố này được quyết định bởi sức mạnh nội tại của nền bóng đá - trong đó phần chủ yếu là giải vô địch quốc gia. Đối với bóng đá Việt Nam, tận dụng nguồn lực từ nước ngoài vẫn là một vùng mờ mịt. Nhưng trước khi nói đến câu chuyện đó thì ngay cả ở vế đầu tiên, chúng ta cũng chưa ổn.
Chọn huấn luyện viên chỉ là một phần.
"Để cải thiện chất lượng cho đội tuyển thì HLV trưởng là chưa đủ. Chiến lược lâu dài vẫn là phát triển các giải chuyên nghiệp và đẩy mạnh đào tạo trẻ thông qua nâng cao chất lượng cho hệ thống các giải trẻ, hỗ trợ các CLB nâng cao chất lượng trong công tác đào tạo cầu thủ trẻ", Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú nói.
VFF nhận thức được điều này. Thực ra không phải đến bây giờ các nhà quản lý bóng đá Việt Nam mới nghĩ đến điều đó. Tuy nhiên, trước thất bại với HLV Troussier, câu chuyện về các yếu tố nền tảng chưa được đặt đúng vị trí trong phương hướng của đội tuyển quốc gia.
Cách đây một năm, khi ký hợp đồng với HLV Troussier và đặt mục tiêu dự World Cup vào năm 2026, có lẽ VFF dựa vào thành công vượt ngưỡng mang tính thời điểm của 5 năm trước đó hơn là hiện thực phát triển. Chu kỳ thành công đã làm chúng ta mơ mộng quá sớm và đây là bài học đầu tiên cần được rút ra.
https://vtcnews.vn/vff-khong-the-cho-may-man-chon-trung-hlv-nhu-ong-park-hang-seo-ar856959.html
Ngày đăng: 13:35 | 29/03/2024
Minh Anh / VTC News