Lợi dụng tình hình các hãng thương hiệu trong bến “cháy vé” xe tết, hàng chục hãng xe bên ngoài - dưới dạng hợp đồng du lịch (open tour), hay còn gọi là xe “dù” - hét giá trên trời, bắt chẹt người lao động có nhu cầu về quê. Trong khi đó, dường như các cơ quan chức năng lại tỏ ra bất lực đối với việc xử lý những doanh nghiệp (DN) kinh doanh theo kiểu núp bóng này.
Tăng giá gấp 3 lần ngày thường
Đối với các DN vận tải khách hoạt động trên tuyến cố định tại bến xe Miền Đông (BXMĐ), các cơ quan chức năng khống chế mức giá vé đi các tỉnh, thành vào khoảng 10 ngày trước tết chỉ được phụ thu 20-60% so ngày thường (tùy giai đoạn cụ thể). Trong khi đó, bên ngoài bến, có khá nhiều DN vận tải rầm rộ treo biển, băngrôn quảng cáo, bán vé xe tết với giá bán cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần ngày thường.
PV có mặt tại khu vực đường Hồng Lạc, Đồng Đen (quận Tân Bình, TPHCM) ghi nhận xuất hiện nhà xe treo nhiều biển hiệu, băngrôn quảng cáo vé xe Tết. Trên đường Hồng Lạc, hãng xe A Tỷ nổi bật với biển hiệu “Bán vé xe tết” màu đỏ. Khi chúng tôi hỏi mua vé xe tết giường nằm từ TPHCM về Huế ngày 11.2 (tức 26 tháng chạp âm lịch), 1 nhân viên nhà xe báo giá 1,2 triệu đồng bao ăn. Trong khi giá ngày thường cùng lộ trình của hãng xe này chỉ có 450.000 đồng. Chúng tôi thắc mắc vì sao giá vé tăng cao như vậy thì nhân viên này cho biết: “Tăng giá vé là để phụ thu chiều xe chạy rỗng. Ở khu vực này chỉ có xe của anh chạy tới Huế, em mua vé chỗ khác tới Đà Nẵng người ta sang xe khác cực lắm” - người này nói.
Cách hãng xe A Tỷ khoảng 200m, hãng xe Việt Thành cũng treo biển bán vé xe tết về Quãng Ngãi. Khi chúng tôi hỏi giá vé đi Quảng Ngãi ngày 12.2 (tức 27 tháng chạp), nhân viên hãng xe này cho biết, giá 900.000 đồng/giường nằm (bao ăn), tăng gấp 3 lần ngày thường. So sánh với giá vé tết của hãng xe Phương Trang bán tại BXMĐ là 480.000 đồng cho cùng chặng đường và cùng ngày đi. Như vậy, giá vé của xe “dù” cao hơn giá vé xe trong bến đến 420.000 đồng. Mặc dù bán vé với giá “cắt cổ” nhưng nhân viên này cho biết, vé đi Quãng Ngãi đã bán hết từ ngày 24 - 27 tháng chạp. Chê mắc, chúng tôi đổi sang ngày 8.2 (tức 23 tháng chạp) thì nhân viên này báo giá 800.000 đồng/vé. “Chưa đến ngày cao điểm, tại sao giá vé cũng tăng dữ vậy?” - chúng tôi thắc mắc. “Thời điểm đó thì hãng nào cũng tăng rồi” - nhân viên này thản nhiên trả lời.
Tương tự, trên đường Đồng Đen (quận Tân Bình), hãng xe Xuân Tùng bán tuyến TPHCM - Đà Nẵng với giá 1.150.000 đồng/giường nằm tầng dưới và giảm 50.000 đồng cho giường nằm tầng trên, trong khi ngày thường chỉ 300.000-400.000 đồng. Riêng giá vé ghế ngồi của hãng xe Xuân Tùng ngày cao điểm tết là 750.000 đồng, cao gấp đôi ngày thường.
Một số hãng hoạt động open tour tại khu vực đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 cũng tăng giá xe vô tội vạ cho các tuyến đi miền Trung. Cụ thể, các hãng xe Trà Lan Viên, Nam Phương, Hanh café,… giá vé xe những ngày cao điểm tết tuyến TPHCM - Nha Trang là 450.000 đồng/giường nằm, trong khi giá vé ngày thường chỉ 200.000 đồng/giường nằm. Nhiều hãng bán vé trên đường Lê Hồng Phong (quận 10) có xe chạy tuyến TPHCM đi Ninh Thuận, Nha Trang... cũng báo giá cao gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những hành khách đa phần là người lao động cùng xóm có quê ở miền Trung và TPHCM mưu sinh, thường mua vé tập thể tại những nhà xe này vì “năm nào cũng đi nên quen”. Chính vì có lượng khách ổn định nên nhà xe không ngại hét giá cao gấp 2-3 lần ngày thường. “Tuy giá cao hơn cả xe chất lượng trong bến nhưng khách không khổ sở mua vé như trong bến. Biết là xe dù nhưng xe có máy lạnh đàng hoàng, không nhồi nhét, lại đưa khách đến tận nhà” - anh Phong - một người lao động mua vé xe “dù” cho hay.
Nhân viên hãng xe dù trên đường Hồng Lạc (Q.Tân Bình, TPHCM) đang ghi vé xe tết TPHCM đi Quảng Ngãi bán cho khách. Ảnh: MINH QUÂN
Không quản nổi xe “dù”
Theo lãnh đạo BXMĐ, việc xe “dù” loạn giá, gây bức xúc cho DN vận tải hành khách trong BXMĐ. DN trong bến chấp hành nghiêm quy định, không phụ thu quá 60% thì thiệt thòi, nhưng nếu tăng quá mức sẽ bị “tuýt còi” ngay. Trong khi đó, các DN bên ngoài tăng giá vô chừng mà chẳng ai xử lý. Vị này cho biết, mấu chốt là CSGT, Thanh tra Sở GTVT và chính quyền địa phương, nếu dẹp được xe “dù” thì không lo chuyện hét giá, bắt chẹt khách. Lãnh đạo BXMĐ cũng cho biết, hiện BXMĐ còn nhiều vé xe tết của các DN ủy thác cho bến bán. Để hạn chế việc DN ngoài bến tăng giá vô tội vạ, hành khách nên vào bến mua vé của các DN ủy thác, tuy chất lượng phục vụ có thể kém hơn một chút, nhưng đáp ứng được nhu cầu và quan trọng là đi đến nơi, về đến chốn an toàn.
Ông Lê Hồng Việt - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TPHCM - cho biết, thanh tra không có quyền kiểm tra, xử lý về giá vé, mà do ngành thuế và tài chính thực hiện. Thanh tra GTVT chỉ có quyền xử lý việc đón - trả khách không đúng quy định. Đối với các DN hoạt động kinh doanh vận tải khách tuyến cố định (có đăng ký đầu bến, cuối bến) thì dễ xử lý hơn, bởi nếu họ đón - trả khách sai quy định là có thể xử phạt. Còn đối với các DN kinh doanh dưới dạng “open tour”, dù biết chắc họ hoạt động như tuyến cố định nhưng không xử lý được. “Khi Thanh tra GTVT kiểm tra thì các DN đều trình đầy đủ các loại giấy tờ. Kiểm tra xong, không có cơ sở xử lý, vì luật pháp không cấm DN chạy xe hợp đồng” - ông Việt giải thích thêm.
Đề cập đến việc xử lý loạn giá vé xe tết bên ngoài bến, Thanh tra Sở Tài chính cho rằng, khó xử lý về giá đối với các DN vận tải núp bóng open tour; bởi các DN này không đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải hành khách như tuyến cố định, không đăng ký kê khai giá cước nên không có cơ sở để xử lý việc họ bán vé xe tết quá giá.
Ga Sài Gòn cho biết hiện còn khoảng 10.467 vé tàu tết chiều TPHCM - Hà Nội đi các ngày từ 20-23 tháng chạp và 29 tháng chạp. Chiều vào TPHCM sau tết còn 52.210 vé đi các ngày từ 4-16 tháng giêng, chủ yếu các ga từ Hà Nội đến Nha Trang, Biên Hòa, Sài Gòn. Số chỗ còn biến động do hành khách đặt giữ chỗ mà chưa thanh toán, hành khách trả lại vé, … bao gồm các ngày cao điểm đi trong dịp Tết Mậu Tuất 2018. |
TP. Hồ Chí Minh ra quân xử lý “xe dù, bến cóc” dịp Tết Mậu Tuất 2018 Ngày 18.1, Thanh tra Giao thông (Sở GTVT TPHCM) tổ chức ra quân cho các đội thanh tra giao thông đi kiểm tra, xử lý tình trạng xe khách dừng, đỗ không đúng nơi quy định, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Đội thanh tra giao thông số 1 xuất quân kiểm tra tại nhiều tuyến đường thuộc địa bàn quận 1, quận Bình Thạnh… Lực lượng thanh tra đã kiểm tra phù hiệu, lịch trình nhiều xe khách dừng, đỗ trên đường. Tại phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), đoàn kiểm tra lập biên bản xử phạt 1 trường hợp xe khách Toàn Thắng vì lỗi sai hành trình. Tài xế bị xử phạt 700.000 đồng, doanh nghiệp chủ xe cũng bị xử phạt hơn 5 triệu đồng. Ngoài ra, Đội Thanh tra giao thông số 1 phối hợp cùng Đội Thanh tra giao thông số 3 rà soát hoạt động đón, trả khách khu vực Bến xe Miền Đông. Các xe khách giường nằm cũng được kiểm tra các thiết bị chữa cháy, búa thoát hiểm, đảm bảo an toàn cho hành khách đi lại. |
TPHCM: “Cháy vé” xe Tết đi các tỉnh miền Trung, vé tàu khó mua
Sau hai ngày (6 và 7.1) bán trước vé xe Tết tại Bến xe Miền Đông (BXMĐ), tại các quầy vé của các doanh nghiệp ... |
TP HCM: Giá vé xe Tết tăng đến 60%
Vé tàu còn nhiều nhưng không dễ mua, trong khi vé xe các hãng thương hiệu dự báo sẽ khan hiếm trong dịp Tết Mậu ... |
Ngày đăng: 10:24 | 20/01/2018
/ https://laodong.vn