Tôi nghỉ hưu 2 năm rồi. Giờ họ muốn xử sao thì xử. Câu nói của ông Phạm Thế Dũng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ) công bố sai phạm thời ông đương nhiệm, làm dậy sóng dư luận.
Tướng Thước: Mỗi lần cán bộ vi phạm phải rút ra được bài học để tránh tái diễn |
Điểm danh các cán bộ cấp cao liên đới đến Trịnh Xuân Thanh đã bị xử lý |
Câu nói trên được hiểu theo nhiều nghĩa. Có người nhìn nhận ông nói đúng, đã về hưu rồi, sẵn sàng chịu hết mọi hình thức xử lý một cách sòng phẳng, một tâm thế kiểu dám làm dám chịu. Có người lại cho rằng đấy là cách nói bất chấp, thậm chí có ý thách thức, tôi đã nghỉ hưu, mất hết rồi, có mất thêm nữa cũng chẳng làm sao. Hiểu theo nghĩa gì đi nữa, câu nói đều mang hàm ý về hưu là không còn sợ sệt điều gì nữa cả, là sẵn sàng chấp nhận mọi tác động lên đời sống của mình khi không còn chức quyền, danh vị.
UBKTTƯ đánh giá sai phạm của ông Phạm Thế Dũng là "nghiêm trọng, đến mức phải kỷ luật". Những sai phạm chủ yếu là quản lý kinh tế, để doanh nghiệp trục lợi số tiền cực lớn trong khi ngân sách thu chẳng bao nhiêu, thiếu gương mẫu trong đề nghị bổ nhiệm người thân. Trước đó, UBKTTƯ đã xử lý kỷ luật 5 cán bộ sai phạm tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và ngày 20-9, Ban Bí thư kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng của ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Trước đó ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương, cũng đã bị Quốc hội xóa tư cách nguyên bộ trưởng và Ban Bí thư cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương thời kỳ 2011-2016.
Có dư luận cho rằng, xử lý như vậy cũng là nghiêm khắc nếu xét theo nghĩa đời sống và nhận thức, nhưng không tương xứng về mặt vật chất của người bị kỷ luật. Bởi chính những người này đã về hưu nên bị cách chức trong quá khứ chỉ mang ý nghĩa danh dự với người có lòng tự trọng; song thực tế với những trường hợp tham ô, gây thất thoát tài sản của nhà nước và vun vén làm giàu bất chính thì không bị xử lý triệt để, họ vẫn giữ được khối tài sản khổng lồ…
Từ thực tế đó dẫn đến lối nghĩ có phần bất chấp của không ít người về hưu như vậy. "Hy sinh đời bố, củng cố đời con" vẫn là một cách sống. Nhưng suy cho cùng, nếu bị kỷ luật như đã nói ở trên, không quá hụt hẫng nếu là đương chức thì cũng mất mát, hao hụt tinh thần, cũng xấu hổ với người đời, bà con, làng xóm. Có dám đi đâu, nhìn mặt ai không? Danh dự con người lớn lắm, "cọp chết để da, người ta chết để tiếng". Bất chấp thủ đoạn để "vinh thân phì gia" là đã quên đi danh dự; không bị xử lý hình sự, không bị thu hồi tài sản tham nhũng thì quan tham sợ gì mà không làm điều sai trái, ô trọc?
Do đó, cần phải xử lý hình sự và luật cần bổ sung cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng, bổ sung tội danh làm giàu bất hợp pháp, bất minh tài sản, để ngăn chặn sai phạm. Khi xử thì phải thật nặng mới hết dám làm liều và không còn lối nghĩ rằng hưu là hết, là xong, không có gì phải sợ. Trong khi xung quanh họ, nhiều người về hưu vẫn sống có ích cho xã hội, vui cùng cháu con, thanh thản với đời đến khi nhắm mắt xuôi tay. Hãy nhìn vào đó mà chọn cách sống sao cho tử tế, thế thôi.
http://nld.com.vn/thoi-su/ve-huu-la-xong-sao-20170922225218924.htm
Ngày đăng: 08:18 | 23/09/2017
/ Hiền Minh/nld.com.vn