TP.Hồ Chí Minh dự định xây dựng hệ thống cảnh báo ngập sớm cho khu vực dân sinh hạ lưu lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai.
Dự án quản lý tích hợp ngập lụt đô thị TP.Hồ Chí Minh có vốn đầu tư khoảng 19 triệu USD, tương đương 441,7 tỉ đồng.
Trong đó, nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Đan Mạch 17 triệu USD, vốn đối ứng ngân sách thành phố 2 triệu USD. Thời gian thực hiện dự kiến năm 2020 đến năm 2023.
Theo UBND TP.Hồ Chí Minh, dự án nhằm xây dựng thể chế quản lý tổng hợp rủi ro ngập lụt thành phố, bao gồm công tác dự báo thủy văn, quản lý điều hành và vận hành hệ thống phòng chống ngập, thoát nước được xây dựng hoàn thiện, khép kín; hệ thống thông tin cảnh báo sớm ngập lụt được tăng cường năng lực và hiện đại hóa; tham gia vận hành liên hồ chứa, hồ điều tiết...
Cụ thể, xây dựng hệ thống cảnh báo ngập sớm (hiện đại hóa và xây dựng các trạm khí tượng thủy văn, mô hình dự báo, hệ thống cơ sở dữ liệu và truyền tin cảnh báo ...) cho khu vực dân sinh hạ lưu lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai.
Xây dựng và nâng cao thể chế cho cơ quan quản lý để ra quyết định về vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống phòng, chống ngập và thoát nước thành phố. Nâng cao năng lực quản lý môi trường, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước.
Để có tiền triển khai dự án trên, UBND TP.Hồ Chí Minh đã đề xuất Bộ Kế hoạch - đầu tư đưa dự án vào danh mục tài trợ ODA của chính phủ Đan Mạch.
Thông tin mới nhất thì Bộ Kế hoạch - đầu tư đang lấy ý kiến 3 bộ Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và môi trường về đề xuất này.
Sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh cho rằng việc tìm kiếm nguồn vốn ngoài ngân sách là phù hợp trong điều kiện nguồn thu ngân sách giữ lại bị cắt giảm còn 18%.
Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch Đầu tư TP.Hồ Chí Minh, dự án Quản lý tích hợp ngập lụt đô thị TP.Hồ Chí Minh về bản chất là hợp phần 1 của dự án Quản lý rủi ro ngập nước khu vực thành phố trước đây, dự kiến đầu tư bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có nhiều sự khác nhau về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng của Pháp luật Việt Nam và chính sách của Ngân hàng Thế giới nên dự án không nhận được tài trợ.
Do đó việc tiếp tục kêu gọi nguồn vốn ODA đầu tư các Hợp phần thuộc dự án là cần thiết và phù hợp.
Vì sao đang El nino mà Việt Nam vẫn nhiều mưa lũ? |
TP HCM thí điểm trạm quan trắc và cảnh báo ngập |
Hà Nội lắp camera cảnh báo ngập úng, tắc đường |
Ngày đăng: 18:00 | 19/09/2019
/ laodong.vn