Câu chuyện giá vàng trong nước đắt hơn thế giới không còn mới nhưng gần đây, khoảng cách này được nới rộng đến mức kỷ lục là gần 19 triệu đồng/lượng.

Theo nhiều chuyên gia, giá vàng trong nước đã có sự chênh lệch với giá thế giới từ nhiều năm trước đây, mức chênh lệch này thường không quá 10% nếu quy đổi theo tỷ giá ngân hàng. Tuy nhiên, trong vòng 1 năm trở lại đây, giá vàng trong nước thường cao hơn thế giới 10 - 15%.

Điển hình là ngày 8/3 vừa qua, giá vàng SJC giao dịch ở mức 74,4 triệu đồng mỗi lượng, trong khi giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.987 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá tương đương 55,03 triệu đồng/lượng. Như vậy, vàng trong nước đã cao hơn thế giới 19,37 triệu đồng mỗi lượng. Đây là mức chênh lệch chưa từng có.

Hiện giờ, tuy đã giảm "nhiệt" nhưng giá kim loại quý ở Việt Nam vẫn đang cao hơn thế giới hơn 18 triệu đồng/lượng. 

vang-the-gioi-giam-sau-truoc-suc-ep-tu-usd-keo-vang-trong-nuoc-di-xuong-14594831
Giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn thế giới gần 19 triệu đồng/lượng. (Ảnh minh họa)

Nhìn nhận về thực trạng này, nhiều chuyên gia khẳng định, nếu tiếp tục kéo dài thì sẽ làm nảy sinh nhiều hệ lụy. 

Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, mức chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới dễ dẫn đến nguy cơ buôn lậu vàng vì vàng đang đem lại lợi nhuận quá lớn. Trước đây, khi chênh lệch này ở mức 4 triệu đồng/lượng thì tình trạng thẩm lậu vàng đã phức tạp. Còn hiện nay vàng trong nước quá đắt so với vàng thế giới khiến nhiều người càng sốt ruột.

Ngoài ra, việc chênh lệch cao như vậy dễ đẩy thị trường vàng phát triển lệch lạc, không thể hiện đúng giá trị thực và phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Vàng trong nước đắt đỏ cũng có thể khiến người dân tập trung mua vàng, làm một nguồn vốn lớn “nằm im”, khó huy động để đầu tư phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, ông Doanh cũng cho rằng, mức vênh kỷ lục của giá vàng trong nước hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế như những năm trước. Bởi trước đây, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới đồng nghĩa với lực mua vàng trên thị trường tăng cao, nhiều người dân rút tiết kiệm mua ồ ạt. Còn hiện nay hoàn toàn khác, nhu cầu mua vàng của người dân chỉ ở mức thấp hoặc trung bình.

Một hệ lụy khác của việc giá vàng trong nước cao vọt và chênh lệch “khủng khiếp” với giá thế giới là sẽ đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư, khiến những ai có nhu cầu thực thì khó mua còn những ai mua đầu tư thì dễ thua lỗ.

Vì thế, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các nhà đầu tư trong nước không nên mua vàng khi mà chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang quá cao. Nếu "găm" vàng, người mua phải trả với mức giá đắt hơn gần 19 triệu đồng mỗi lượng so với giá thế giới và sẽ gặp rủi ro lớn nếu thị trường đảo chiều.

Vì vậy, chỉ nên mua vàng với món nhỏ khi thực sự cần thiết, còn mua đầu tư dài hạn thì hiện không phải là thời điểm thích hợp. Chỉ mua khi chênh lệch giá giữa hai thị trường ở mức hợp lý là khoảng 2-3 triệu đồng/lượng”, ông Thịnh nói.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cho rằng, việc tăng “nóng” của giá vàng trong nước không có sự bền vững, giá có tăng sẽ có giảm, nên trong ngắn hạn mua vàng lúc này sẽ tiểm ẩn nhiều rủi ro.

Đầu tư vàng là kênh trú ẩn nhưng cũng tương đối rủi ro vì giá của kim loại quý này thời gian qua biến động rất mạnh và đang ở đỉnh. Do vậy người dân không nên đầu cơ, đặc biệt không vay tiền để đầu tư vàng trong giai đoạn này. Người dân cũng thận trọng khi tập trung đầu tư vào vàng miếng bởi với nguồn cung giới hạn, nếu thị trường chỉ nhắm vào mỗi loại vàng này sẽ khiến giá bị đẩy lên cao”, ông Thịnh cho biết thêm.

Vì sao vàng trong nước tăng vọt?

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của thực tế này là do thị trường vàng Việt Nam không liên thông với quốc tế. Ở Việt Nam chỉ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được quyền nhập khẩu vàng, từ đó phân phối ra thị trường. Do đó, nguồn cung không dồi dào và đẩy giá mặt hàng này lên cao. 

Ông Lê Đăng Doanh cũng phân tích, nguyên nhân chính khiến vàng trong nước đắt kỷ lục so với giá thế giới là do nguồn cung hạn chế, người dân có nhu cầu mua để tích trữ, giữ vốn một cách an toàn thay vì giao dịch bán vì lo ngại lạm phát và những tác động khác.

“Từ năm 2012 đến nay, theo Nghị định 24/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước không cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng SJC do đó nguồn cung càng ít. Việc này nhằm kiểm soát nhập khẩu vàng, tránh tình trạng "vàng hóa" trong nền kinh tế”, ông Doanh cho biết.

Cũng theo ông Doanh, "giá vàng cao hơn thế giới mức kỷ lục cho thấy chúng ta đang có một “thị trường vàng riêng” chứ không theo thị trường chung trên thế giới".

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, ở Việt Nam nhu cầu về vàng rất lớn, bởi bản tính của người Việt là tiết kiệm, mà muốn tiết kiệm an toàn thì mua vàng để cất giữ để đảm bảo ổn định về tài sản, cho nên nhu cầu vàng cao, trong khi nguồn cung thấp.

Cũng theo ông Thịnh, nếu người dân mua vàng nhẫn, vàng chỉ thì tiệm cận với giá vàng thế giới hoặc chỉ chênh vài triệu đồng/lượng, còn việc mua vàng miếng, vàng SJC thì mức chênh lệch mới cao, vì vàng miếng hiện Việt Nam không sản xuất, nhất là thương hiệu vàng quốc gia SJC.

Vì khan hiếm và nhu cầu của người dân cao nên đương nhiên là các doanh nghiệp, cửa hàng vàng sẽ nâng giá bán”, ông Thịnh nói.

Ngày đăng: 15:36 | 18/05/2022

PHẠM DUY / VTC News