Đoàn Văn Hậu gần như chắc chắn sẽ tham dự cả SEA Games 2019 lẫn vòng chung kết U23 châu Á 2020 vì anh không nằm trong kế hoạch hiện tại của CLB Heerenveen.
Văn Hậu (phải) thi đấu cho đội dự bị của Heerenveen. Ảnh: SCH. |
Ở trận đấu mới nhất tại Cup Quốc gia Hà Lan, khi Heerenveen chỉ gặp đội bóng hạng Ba Excelsior Maassluis, Văn Hậu vẫn không được sử dụng. Như vậy, ngay ở cơ hội khả thi nhất để có một trận đấu chính thức cho đội một, Văn Hậu cũng không thể hoàn thành. Và đến lúc này, dù lạc quan đến mấy, cũng phải thừa nhận rằng: khả năng chơi bóng của anh ở giải Hà Lan là cực kỳ thấp.
Theo tiết lộ của bầu Hiển, hợp đồng cho mượn có điều khoản ràng buộc là phải để Văn Hậu vào sân tối thiểu 20% số trận đấu của Heerenveen. Thoạt nghe, đây là một "thắng lợi" trên bàn đàm phán của Hà Nội. Nhưng do các bên không công khai những điều khoản khác của hợp đồng nên cũng không biết, trong trường hợp Heerenveen không tuân thủ chính xác điều khoản thì sao?
20% là một con số có tính nguyên tắc, đủ để đánh giá năng lực và giá trị chuyên môn của cầu thủ. Ví dụ, trong một trận đấu, các lần thay người có ý nghĩa chiến thuật quan trọng nhất, được chuẩn bị từ đầu, thường diễn ra từ phút 60 đến phút 70. Nghĩa là vai trò của cầu thủ dự bị trong 20 phút cuối tương đương với những người đá chính, và họ biết chắc chắn là mình sẽ thi đấu. Còn nếu vào sân đá dăm bảy phút cuối trận thì chủ yếu là do tình thế trận đấu: thua thì đưa tiền đạo vào, thắng thì bổ sung hậu vệ... Bởi vậy, một cầu thủ không cần phải đá 20% tổng số các trận đấu. Cho dù chỉ vào sân từ ghế dự bị, nhưng nếu anh ta đạt được 20% tổng số phút chơi bóng trong mỗi trận đấu thì còn có ý nghĩa hơn. Lúc đó, anh ta sẽ là một "dự bị chiến lược" chứ không phải chỉ "lấp chỗ trống" tình thế.
Không rõ 20% mà Hà Nội "ép" Heerenveen đồng ý là gì? Đó là thời gian thi đấu ở giải vô địch Hà Lan hay là giải nào cũng được? Đó là số thời gian tối thiểu trên sân hay chỉ cần vài trận đấu vô bổ nào đó? Quan trọng hơn, nếu không sử dụng Văn Hậu thì Heerenveen có bị phạt hay không?... Đây chỉ là một bản hợp đồng cho mượn nên nhiều khả năng, có làm sai thì điều tệ nhất là Heerenveen bị Hà Nội đòi lại Văn Hậu và mất khoản tiền lương trong thời gian không sử dụng người.
Bài học của Công Phượng còn đó. Vì không có đủ thời gian vào sân, Phượng được "rút" từ Hàn Quốc để sang Bỉ với hy vọng sẽ được đá nhiều hơn. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Suốt vài tháng ở châu Âu, anh mới được vào sân thay người một lần, còn lại toàn đá cho đội U21. Các đội bóng chuyên nghiệp chắc chắn biết cách đàm phán để không chịu thiệt hại gì trong các hợp đồng cho mượn kiểu này. Nếu đó là hợp đồng mua đứt bán đoạn thì mọi thứ có thể sẽ khác.
Nhưng cũng cần cảm ơn Sint-Truident và Heerenveen khi họ "đối xử" với Công Phượng và Văn Hậu như vậy. Những người yêu quý các cầu thủ này có thể bị tổn thương, nhưng nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, thì cả Phượng lẫn Hậu đang được đối xử công bằng. Họ chưa đủ chất lượng vào sân, thì họ phải ngồi ngoài. Họ không thể hòa nhập với lối chơi, thì họ phải nhường chỗ trong bản đăng ký thi đấu cho người khác. Cách làm này khắc nghiệt nhưng ít ra, nó cho thấy chuyến đi sang châu Âu của Phượng và Hậu không thuần túy thương mại, không hẳn chỉ để PR. Chứ nếu vì những lý do đó, Suint-Truident hay Heerenveen không khó để "thu xếp" vài phút thi đấu, hoặc các trận đấu ở Cup quốc gia, để làm đẹp lòng đối tác làm ăn. Họ đã không "dàn xếp" như vậy, nghĩa là họ tôn trọng các cầu thủ Việt Nam. Vấn đề là họ cũng phải dành sự tôn trọng ấy cho những cầu thủ khác, đặc biệt là Ban huấn luyện.
Sự khắc nghiệt của bóng đá chuyên nghiệp ấy vốn đã được lường trước, nhưng có thể là nó quá nghiệt ngã khi người hâm mộ Việt Nam kỳ vọng quá cao. Văn Hậu vẫn thoải mái, tự tin và kiên trì tập luyện để chờ cơ hội vào sân. Công Phượng thì đã có những bài học từ Sapporo, Incheon United... để không đánh mất lòng tin ở Bỉ. Nhưng tất nhiên, cứ tập và không thi đấu thì những điều tích cực có còn mãi hay không?
Đầu mùa giải 2019, thủ môn Bùi Tiến Dũng rời Thanh Hóa để đến Hà Nội. Đó là bước tiến sự nghiệp. Nhưng số trận đấu của "người hùng Thường Châu" chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kết quả, anh không lên được đội tuyển quốc gia và ngay vị trí số một ở đội U22 cũng không chắc chắn nếu không có lòng tin của HLV Park Hang-seo.
Trường hợp của Tiến Dũng là minh chứng sống động nhất dành cho các nhà quản lý ở CLB Hà Nội về yếu tố 20% có tính tương đối. Hà Nội mua Bùi Tiến Dũng thì đương nhiên cũng muốn sử dụng, nhưng khi vào từng hoàn cảnh cụ thể, ngay chính đội bóng của bầu Hiển cũng không thể tự tay hoàn thành chỉ tiêu 20% cho Tiến Dũng. Như vậy, cái ý tưởng cài cắm điều khoản 20% nhằm không để Văn Hậu thành "hàng thương mại" tại Heerenveen đến lúc này vẫn còn dang dở, không có tác dụng thực tế nào.
Tất nhiên, cơ hội để Phượng và Hậu được thi đấu vẫn nhiều khi mùa giải còn dài. Nhưng trước mắt, họ không được đăng ký, không được vào sân. Cơ hội được tập luyện tại môi trường chuyên nghiệp không thể bù đắp cho cảm giác bóng bị mất đi hàng ngày, đi kèm với sự tự tin cũng sẽ ít nhiều mai một. Trong trường hợp tệ hơn, việc không vào sân đủ 20%, hoặc có đủ nhưng lại ở các trận đấu ít ý nghĩa sẽ khiến cho bản "hồ sơ cầu thủ" của Hậu và Phượng thiếu đi các thông số về chuyên môn quan trọng. Nếu Sint-Truident và Heerenveen không mua sau thời hạn cho mượn, thì với hồ sơ ấy, đội nào dám mua? Nhiều khả năng chuyện đi châu Âu cũng trở thành vô nghĩa.
Nói cho cùng, ý tưởng sẽ rất hay nếu nó biến thành hiện thực. Còn khi dang dở thì chẳng tốt cho ai cả...
Song Việt
Ngày đăng: 16:35 | 31/10/2019
/ vnexpress.net