Các vận động viên nhập tịch Trung Quốc được tung hô như anh hùng khi lấy vàng ở Olympic nhưng chịu dè bỉu từ nơi họ sinh ra, lớn lên và rèn luyện là Mỹ.
"Công chúa tuyết Cốc Ái Lăng sẽ tỏa sáng tại Thế Vận hội ở quê hương" là dòng tít một bài viết của Tân Hoa Xã về Cốc Ái Lăng (Eileen Gu) - nữ vận động viên trượt tuyết tự do vô địch môn Big air (nhào lộn trên không với ván trượt tuyết) tại Thế vận hội Bắc Kinh 2022.
Sau chiến thắng của mình, Cốc trở thành hiện tượng trên mạng xã hội Trung Quốc. Hàng chục triệu tài khoản Weibo lên mạng chúc mừng thành tích của nữ vận động viên 18 tuổi khiến nền tảng này bị sập hôm 8/2.
Cốc sinh ra tại Mỹ, có mẹ là người Trung Quốc, bố là người Mỹ. Ở Mỹ, cô bắt đầu phát hiện và nuôi dưỡng tình yêu với thể thao. Năm 2019, chỉ vài tháng sau khi bước lên bục nhận huy chương tại giải Vô địch thế giới, Gu bất ngờ tuyên bố chuyển sang thi đấu cho đội tuyển Trung Quốc thay vì Mỹ. Quyết định này khiến Gu hứng loạt chỉ trích từ xứ cờ hoa.
Cốc xuất hiện trên một tấm biển quảng cáo ở Bắc Kinh. (Ảnh: CNN) |
"Đó là một quyết định hết sức khó khăn với tôi. Tôi tự hào về gốc gác của mình và cũng tự hào vì được nuôi dưỡng, giáo dục ở Mỹ", Cốc viết trên Instagram.
Từ đó, Cốc trở thành cái tên được nổi tiếng khắp Trung Quốc. Gương mặt của cô xuất hiện trên các tấm biển quảng cáo trên các con phố cũng như bìa các tạp chí lớn. Các video quảng bá Olympic chiếu cảnh Cốc trình diễn ở Vạn Lý Trường Thành.
Cốc có gần 2 triệu người theo dõi trên Weibo và được nhiều nhà tài trợ, thương hiệu và các nhà làm phim tài liệu săn đón. Nhưng đằng sau đó là áp lực mang trong mình 2 dòng máu Mỹ, Trung ở thời điểm căng thẳng địa chính trị giữa 2 nước vẫn tiếp tục leo thang.
Đứa trẻ vô ơn
Cốc không phải là người duy nhất đối mặt với áp lực này. Thế Vận hội Bắc Kinh là kỳ Olympic mà Trung Quốc có số vận động viên nhập tịch đông nhất từ trước tới nay. Nhiều người trong số họ tới từ Bắc Mỹ.
Trong số đó, Cốc đại diện cho tham vọng của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn chứng minh họ có đủ nguồn lực để thu hút các tài năng nước ngoài và tạo ra các vận động viên Trung Quốc xuất sắc trên đấu trường thế giới.
Nhưng các vận động viên như Cốc lại phải đứng mũi chịu sào trước luồng dư luận trái chiều từ 2 quốc gia.
Hơn 10 vận động viên thi đấu dưới tư cách đại diện cho Trung Quốc tại Thế vận hội lần này sinh ra ở nước ngoài. Ở đội tuyển khúc côn cầu Trung Quốc, chỉ 6 trong tổng số 25 thành viên sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc.
Việc nhập tịch không phải là điều gì đó quá mới mẻ trong làng thể thao thế giới. Nhưng Trung Quốc gần đây mới bắt theo xu hướng này, một phần bởi quốc gia tỷ dân trước đây siết chặt các quy định về nhập cư.
Các vận động viên nhập tịch thường là những người bị theo dõi sát sao nhất.
Cốc được tung hô ở Trung Quốc nhưng bị ghẻ lạnh ở Mỹ. (Ảnh: Getty Images) |
Chu Nghị (Zhu Yi) - nữ vận động viên trượt băng nghệ thuật sinh ra ở Mỹ hứng mưa chỉ trích sau màn trình diễn không thành công vài ngày trước. Sau cú ngã trên sân băng của Chu, hashtag "Chu Nghị ngã" thu hút hơn 200 triệu lượt đọc trên Weibo chỉ trong vài giờ trước khi biến mất.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc thắc mắc vì sao Chu được chọn thay vì một vận động viên sinh ra ở Trung Quốc. Một số châm chọc Chu vì nói chưa sõi tiếng Quan Thoại.
"Đúng là một nỗi hổ thẹn", một tài khoản Weibo viết. Bình luận này có tới 11.000 lượt thích.
Cốc và Chu cho thấy sự đối xử khác biệt của Trung Quốc với 2 nữ vận động viên cùng nhập tịch, đều sinh ra ở California. Trong khi Chu trở thành cái gai trong mắt người hâm mộ Trung Quốc, Cốc lại được tung hô vì nói thông thạo tiếng Quan Thoại, hiểu biết về văn hóa nước này.
Trái với sự yêu thích ở Trung Quốc, Cốc chịu không ít dè bỉu từ Mỹ. Tờ Fox News gọi cô là "đứa trẻ vô ơn". Cụm từ này cũng xuất hiện thường xuyên dưới các bài đăng trên mạng xã hội của cô.
"Thật vui khi thấy cô lấy đi tất cả thành công và thành tích tại Mỹ sang Trung Quốc và không đại diện để thi đấu cho nơi cô sinh ra và lớn lên", một tài khoản Instagram bình luận trong bài đăng của Cốc tuần trước.
Một số chỉ trích Cốc nói cô đặt nặng vấn đề tiền bạc và danh tiếng khi chọn đầu quân cho Trung Quốc.
Danh tính kép
Bản thân Cốc luôn cố đi theo con đường trung dung. Các bài đăng của Cốc trên mạng xã hội dùng cả tiếng Anh, tiếng Trung. Các bức ảnh cô chụp có cả ở Thượng Hải và California.
"Khi tôi ở Trung Quốc, tôi là người Trung Quốc. Khi tôi ở Mỹ, tôi là người Mỹ", Cốc nói trong bài phỏng vấn tại một giải đấu năm 2020.
Tuần trước, cô đăng tải một bài viết ám chỉ "danh tính kép" của mình trên Instagram.
"Được làm quen với trượt tuyết khi lớn lên ở Mỹ, tôi muốn khuyến khích những người Trung Quốc đam mê bộ môn này theo cách mà các hình mẫu ở Mỹ đã truyền cảm hứng cho tôi", Cốc viết.
Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể đã bẻ cong quy định để cho phép các vận động viên nước ngoài giữ 2 quốc tịch. (Ảnh: Getty Images) |
Trên thực tế Trung Quốc không phép công dân mang 2 quốc tịch và có rất ít trường hợp ngoại lệ.
"Các duy nhất để các vận động khúc côn cầu trở thành công dân Trung Quốc là nhập tịch và từ bỏ quốc tịch nước ngoài của mình", giáo sư Donald Clarke tới từ Trường Luật Đại học George Washington cho hay.
Theo CNN, trường hợp của Cốc cũng tương tự. Nhưng Cốc chưa bao giờ chia sẻ công khai về việc liệu cô đã từ bỏ quốc tịch Mỹ hay chưa. Các nghi vấn trở nên nhiều hơn sau khi Cốc đăng ký Chương trình Học bổng Tổng thống Mỹ năm 2021, vốn chỉ dành cho công dân hoặc thường trú nhân ở Mỹ.
Trong một bài đăng vào tháng trước, trang web chính thức của Olympic nhắc tới Cốc là vận động viên mang quốc tịch kép.
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng Trung Quốc đã "bẻ cong" các quy định để cho phép các vận động viên nước ngoài giữ 2 quốc tịch nhằm tăng thêm các cơ hội lấy vàng ở Olympic.
Các quan chức Trung Quốc thường né tránh các câu hỏi về quốc tịch của Cốc. Thay vào đó, họ nhấn mạnh gốc gác Trung Quốc của cô, nhắc tới cô như một "Hoa kiều" - cụm từ dùng để chỉ những người gốc Trung Quốc bất kể quốc tịch hoặc có bao nhiêu thế hệ gia đình của họ sống ở nước ngoài.
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông nhiều lần khẳng định các Hoa Kiều cũng là một phần của đất nước và cam kết "đoàn kết Hoa kiều" với họ hàng ở Trung Quốc là một khía cạnh của "giấc mộng Trung Hoa". Cốc dường như là một phần của giấc mộng đó.
SONG HY(Nguồn: The New York Times)
Thưởng Tết và chuyện khó nói của các vận động viên |
Kỳ tích của nhân viên pha chế kiêm bảo mẫu lần đầu tham dự Olympic |
Giành huy chương vàng Olympic, VĐV được thưởng thế nào? |
Ngày đăng: 15:19 | 09/02/2022
/ vtc.vn